Kết thúc phiên 7/9, chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 57,54 điểm (+0,17%) lên 34.500,73 điểm, S&P 500 mất 14,34 điểm (-0,32%) xuống 4.451,14 điểm và Nasdaq Composite giảm 123,64 điểm (-0,89%) còn 13.748,83 điểm.
Chỉ số Dow Jones vượt trội so với S&P và Nasdaq vì Apple có tỷ trọng thấp hơn trong chỉ số nặng về chu kỳ này, trong khi S&P 500 tính theo vốn hóa thị trường thì Apple lại là một trong những cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất.
Chỉ số bán dẫn Philadelphia giảm 1,98% trong khi cổ phiếu của các nhà cung cấp cho Apple bao gồm Skyworks Solutions, Qualcomm và Qorvo đều trượt dốc hơn 7%.
Cổ phiếu của Apple Inc đã mất gần 2,9%, ngày giảm thứ hai liên tiếp do có thông tin chính phủ Trung Quốc đã mở rộng hạn chế sử dụng iPhone, yêu cầu nhân viên ở một số cơ quan, công ty thuộc chính phủ trung ương ngừng sử dụng điện thoại di động có xuất xứ nước ngoài tại nơi làm việc.
Lực cản từ Apple, các nhà cung cấp và công ty có mối quan hệ với Trung Quốc đã đẩy lĩnh vực công nghệ của S&P 500 giảm 1,6%, khiến nó trở thành ngành có tỷ lệ giảm lớn nhất trong số 11 lĩnh vực chính của chỉ số.
“Tin tức từ Trung Quốc khiến các nhà đầu tư tập trung vào nhận định rằng mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc là rủi ro lớn đối với giá cổ phiếu hiện tại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ”, ông Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments cho biết.
Cũng làm giảm bớt niềm tin về nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dữ liệu mới đây cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đều giảm trong tháng 8. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ bao gồm PDD Holdings, JD và Alibaba đều giảm hơn 4% trong khi Baidu mất 3,4%.
Trong khi đó, yếu tố giúp giữ cho chỉ số Dow Jones trụ vững là McDonald’s, tăng 1% sau khi Wells Fargo nâng hạng cổ phiếu lên mức “thừa cân” (overweight).
Cổ phiếu của công ty phần mềm tự động hóa UiPath cũng cao hơn 11,5% nhờ dự báo doanh thu hàng năm lạc quan.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,76 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,10 tỷ trong 20 phiên vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, một báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 216.000 trong tuần kết thúc vào ngày 2/9, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2023. Nhưng các nhà đầu tư lo ngại điều này sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, từ đó gây áp lực lên thị trường chứng khoán.
Các nhà đầu tư cũng thận trọng dự đoán chỉ số lạm phát của tháng 8, sẽ được công bố sau một tuần nữa.
Theo Công cụ FedWatch của CME Group, tỷ lệ đặt cược cho khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 là 93%, tuy nhiên khả năng tạm dừng một lần nữa trong cuộc họp tháng 11 lại ở mức 53,5% thấp hơn nhiều so với trước đó.
Vài phút trước khi thị trường đóng cửa, Chủ tịch Fed New York John Williams đưa ra bình luận về việc vẫn còn một câu hỏi mở rằng liệu chính sách tiền tệ có đủ hạn chế để đưa nền kinh tế trở lại cân bằng hay không. “Chúng tôi có chính sách tốt, nhưng chúng tôi sẽ cần tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu”, ông Williams nhấn mạnh.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ vào phiên 7/9 trong bối cảnh giao dịch không ổn định và tạm dừng đợt tăng giá kéo dài gần hai tuần do có nhiều tín hiệu cảnh báo về nhu cầu yếu hơn trong những tháng tới.
Hợp đồng tương lai dầu Brent đóng cửa giảm 68 cent, tương đương 0,8%, xuống mức 89,92 USD/thùng sau khi giao dịch trong khoảng từ 89,46 USD đến 90,89 USD.
Hợp đồng tương lai dầu thô WTI giảm 67 cent, tương đương 0,8%, xuống còn 86,67 USD/thùng, sau khi giao dịch trong khoảng từ 86,39 USD đến 87,74 USD.
Sự sụt giảm này diễn ra sau 9 phiên tăng liên tiếp của WTI và 7 phiên tăng liên tiếp của Brent. “Dầu thô đang chịu một số áp lực điều chỉnh do đồng USD mạnh lên và các số liệu kinh tế suy yếu từ khu vực đồng euro, nơi hoạt động kinh tế chỉ tăng 0,1, thấp hơn so với mức 0,3% dự kiến”, Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao tại BOK Financial giải thích.
Giá dầu có thời điểm tăng vọt vào đầu tuần sau khi Arab Saudi và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện đến cuối năm.