Chứng khoán Mỹ chao đảo trước sự không chắc chắn về lộ trình lãi suất của Fed

Chứng khoán Mỹ kết thúc ngày ở mức thấp sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm…
chứng khoán Mỹ

Chứng khoán Mỹ đã giảm điểm trong phiên giao dịch 3/5 sau các bình luận của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell khiến các nhà đầu tư tự hỏi động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ sẽ là gì.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 270,29 điểm, tương đương 0,8%, xuống 33.414,24 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 28,83 điểm, tương đương 0,70%, còn 4.090,75 điểm và chỉ số Nasdaq Composite giảm 55,18 điểm, hay 0,46%, xuống 12.025,33 điểm. 

Tất cả các lĩnh vực chính của S&P 500 đều kết thúc ở vùng đỏ, trong đó năng lượng và tài chính ghi nhận mức giảm nhiều nhất. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW mất 0,9%, kéo dài mức giảm mạnh của tuần này. 

Các chỉ số chính của Phố Wall ban đầu giữ vững mức tăng sau tuyên bố của Fed. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu chao đảo sau cuộc họp báo của chủ tịch Powell.

Cụ thể, Fed đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm đúng như dự đoán từ trước đó, và báo hiệu rằng họ có thể tạm dừng các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Động thái mới này của ngân hàng trung ương đã nâng lãi suất chuẩn lên khoảng 5% - 5,25%, mức tăng thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 3/2022.

Mặc dù vậy, bài phát biểu của ông Jerome Powell sau đó lại khiến các thị trường băn khoăn khi tuyên bố Fed vẫn coi lạm phát là quá cao và các quyết định tháng 6 sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. “Uỷ ban tiếp tục giữ quan điểm rằng lạm phát sẽ không giảm nhanh như kỳ vọng, nếu dự báo đó là đúng, thì việc cắt giảm lãi suất vào thời điểm sắp tới sẽ là không phù hợp", ông Powell nhấn mạnh. 

Michael Arone, chiến lược gia đầu tư trưởng tại State Street Global Advisors cho biết: “Fed tiếp tục đi theo con đường thắt chặt chính sách, họ đang cố gắng đạt được sự cân bằng giữa duy trì uy tín trong việc chống lạm phát đồng thời cố gắng thiết kế một cú hạ cánh mềm”.

Các nhà đầu tư lo lắng rằng lãi suất cao hơn sẽ sớm đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Trước đó, dữ liệu cho thấy các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ đã tăng cường tuyển dụng trong tháng 4, nhưng nhiều dấu hiệu lại chỉ ra rằng thị trường lao động đang chậm lại sau một số đợt tăng lãi suất.

Dựa trên một báo cáo riêng biệt khác, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong tháng 4, nhưng giá đầu vào cao hơn cho thấy lạm phát có thể tiếp tục tăng trong một thời gian nữa.

Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, cổ phiếu ngân hàng khu vực PacWest đã giảm gần 2% sau khi mất khoảng 28% vào ngày hôm trước. Western Alliance cũng giảm 4,4%.

Advanced Micro Devices trượt 9,3% khi nhà sản xuất chip dự đoán doanh số bán hàng quý ở mức đáng thất vọng trước sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường PC. 

Tương tự, cổ phiếu của Yum Brands - công ty sở hữu thương hiệu Pizza Hut - đã giảm 3,9% do báo cáo thu nhập kém hơn dự kiến, một phần là do những biến động trên thị trường tiền tệ.

S&P 500 đã công bố 24 mức cao mới trong 52 tuần và 12 mức thấp mới; Nasdaq Composite ghi nhận 64 mức cao mới và 266 mức thấp mới.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 12,03 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 10,51 tỷ cho cả phiên trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Có thể bạn quan tâm