Kết thúc phiên 24/10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 204,97 điểm (+0,62%) lên 33.141,38 điểm, S&P 500 thêm 30,64 điểm (+0,73%) thành 4.247,68 điểm và Nasdaq Composite tăng 121,55 điểm (+0,93%) lên 13.139,88 điểm.
Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều tăng điểm, với các cổ phiếu siêu vốn hóa nhạy cảm với lãi suất mang lại phần lớn động lực khi lợi suất trái phiếu kho bạc chuẩn được giữ ổn định dưới 5%.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, tiện ích có mức tăng lớn nhất, trong khi năng lượng là lĩnh vực duy nhất giảm điểm.
Mùa báo cáo tài chính quý 3 đã chuyển sang giai đoạn cao điểm và tuần này dự kiến ghi nhận gần 1/3 số công ty trong S&P 500 công bố kết quả.
Thomas Martin, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại GLOBALT lưu ý: “Mùa thu nhập hiện đang bắt đầu sôi động với 1/3 số công ty báo cáo trong tuần này. Thực tế, trước hôm qua và hôm nay, các báo cáo thu nhập có phần hơi đáng thất vọng nhưng hai ngày gần đây đã có một số kết quả lạc quan và tốt hơn.”
Trong số 118 công ty S&P 500 đã báo cáo cho đến nay, 81% đã vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, theo LSEG.
Verizon tăng 9,3% nhờ dự báo nâng dòng tiền tự do hàng năm, trong khi General Electric thêm 6,5% khi doanh thu vượt mức ước tính của Phố Wall. Tập đoàn cũng cho biết họ đang nhắm mục tiêu mở rộng hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của mình - GE Vernova - vào quý 2 năm sau.
Coca-Cola nâng triển vọng doanh thu hàng năm, thúc đẩy cổ phiếu của hãng tăng 2,9%. 3M tăng 5,3% nhờ báo cáo hàng quý lạc quan.
Công ty hàng không vũ trụ RTX cũng tăng 7,2% sau khi kết quả đạt đúng như kỳ vọng.
Cổ phiếu công nghệ tiếp tục tăng so với một ngày trước đó khi các nhà đầu tư chờ đợi kết quả kinh doanh hàng quý từ Microsoft và Google sau khi thị trường đóng cửa.
Về mặt kinh tế, hoạt động kinh doanh ở Mỹ đã tăng cao hơn trong tháng này, theo chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của S&P Global.
Gọi PMI mới này là một báo cáo "goldilocks", ông Thomas Martin cho rằng: “Nhìn chung đây là một báo cáo tốt với giá cả ở mức vừa phải và việc làm ổn”.
Vào 26/10 tới, Bộ Thương mại sẽ công bố số liệu đầu tiên về GDP quý 3, được cho là cho thấy mức tăng mạnh mẽ lên 4,3% từ mức 2,1% trong quý 2.
Cho đến 27/10, Bộ Thương mại cũng dự kiến phát hành báo cáo Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) được theo dõi chặt chẽ, mà các nhà phân tích kỳ vọng sẽ cung cấp thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang dần hạ nhiệt xuống mức mục tiêu trung bình hàng năm là 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Câu hỏi đặt ra là liệu Fed có thể điều chỉnh được lạm phát ở mức vừa phải cho đến mức có thể chấp nhận được trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với người tiêu dùng Mỹ không?” Bill Merz, người đứng đầu bộ phận Nghiên cứu Thị trường Vốn tại U.S. Bank Wealth Management nhận xét. Ông Merz nói thêm, nếu đạt được điều này, khả năng nền kinh tế Mỹ tránh được suy thoái sẽ càng cao hơn.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục giảm ở phiên thứ ba liên tiếp do một loạt dữ liệu kinh tế mới từ Đức, khu vực đồng Euro và Anh đè nặng lên triển vọng nhu cầu năng lượng.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,76 USD, tương đương 2%, xuống mức 88,07 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 1,75 USD, tương đương 2,1%, đóng cửa ở mức 83,74 USD/thùng.
Dữ liệu hoạt động kinh doanh khu vực đồng Euro bất ngờ giảm trong tháng này, cho thấy khối này có thể rơi vào suy thoái. Trong khi đó, các báo cáo của Đức cho thấy một cuộc suy thoái đang diễn ra.
Các doanh nghiệp Anh cũng ghi nhận hoạt động kinh doanh sụt giảm trong tháng 9, làm nổi bật rủi ro suy thoái kinh tế trước quyết định lãi suất của Ngân hàng Anh vào tuần tới.
John Kilduff, đối tác của Again Capital cho biết: “Mặc dù thị trường dầu đang lo lắng về cuộc chiến ở Trung Đông cũng như những nỗ lực thắt chặt nguồn cung từ Arab Saudi, nhưng vấn đề nhu cầu đang trở thành trở ngại lớn trong những phiên qua”.