Chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức thấp hơn khi Phố Wall ngóng chờ dữ liệu lạm phát của Mỹ

Chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm trong phiên 9/8 khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, một dữ liệu lạm phát có thể ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang…

Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) tại New York, Mỹ
Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) tại New York, Mỹ

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 191,13 điểm (-0,54%) xuống 35.123,36 điểm, chỉ số S&P 500 mất 31,67 điểm (-0,70%) còn 4.467,71 điểm và Nasdaq Composite giảm 165,93 điểm (-1,2%) còn 13.718,40 điểm.

Đà trượt giảm trên Phố Wall bắt đầu xảy ra sau đợt bán tháo trên diện rộng vào 8/8 khi cơ quan xếp hạng tín dụng Moody's hạ bậc tín nhiệm của một số ngân hàng vừa và nhỏ. Cho đến phiên 9/8, các ngân hàng lớn đã kéo dài khoản lỗ đó với Bank of America giảm 0,8% và Wells Fargo mất 1,3%.

Chỉ có 4 trong số 11 lĩnh vực hàng đầu của S&P 500 tăng điểm, trong đó cổ phiếu năng lượng dẫn đầu với mức tăng 1,22%, chạm mốc cao nhất trong gần 6 tháng, phần nào nhờ vào đà tăng của giá dầu trong cùng phiên.

Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ, nhóm cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng siêu vốn hóa vốn nhạy cảm với lãi suất, chẳng hạn như Nvidia, Apple và Tesla, đều đã giảm từ 0,8% đến 4,8%.

Cổ phiếu của Walt Disney trượt 0,7%, xóa sạch mức tăng sớm trước đó khi doanh nghiệp công bố kết quả hàng quý.

Cổ phiếu của nền tảng gọi xe Lyft giảm 10% bất chấp có dự báo thu nhập tốt hơn dự đoán, bởi công ty đã đưa ra báo hiệu rằng họ sẽ phải tăng gấp đôi giá cả cạnh tranh để bắt kịp đối thủ Uber.

Trong số 443 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả tính đến 8/8, 78,6% vượt kỳ vọng của các nhà phân tích, theo dữ liệu của Refinitiv.

“Có thể ở một mức độ nào đó, thị trường đang dần hiểu ra thực tế rằng các công ty có thể đánh bại kỳ vọng về thu nhập trong quý vừa qua, nhưng những kỳ vọng đó cũng đã giảm dần theo từng quý”, ông Jason Krupa, phó chủ tịch quản lý tài sản của Lenox Advisors cho biết.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 11,06 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 10,89 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về khía cạnh kinh tế, vào ngày 8/8, Cục Dự trữ Liên bang New York cho biết tổng nợ thẻ tín dụng của Mỹ đã vượt quá 1 nghìn tỷ USD và Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker nhận định rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đang ở giai đoạn cần giữ nguyên lãi suất.

“Với giá dầu tăng, người tiêu dùng chính là trụ cột của nền kinh tế. Nếu họ quá căng thẳng và ngừng chi tiêu, thì nền kinh tế sẽ càng bị đẩy gần hơn tới bờ vực suy thoái”, bà Gina Bolvin, chủ tịch của Bolvin Wealth Management Group ở Boston nhận định.

86,5% các nhà giao dịch đã đặt cược vào khả năng Fed không tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 9, theo công cụ CME FedWatch.

Chỉ số CPI của Mỹ cho tháng 7, sẽ được công bố vào ngày 10/8, dự kiến tăng nhẹ so với năm ngoái. Trên cơ sở hàng tháng, giá tiêu dùng được cho là tăng 0,2%, giống như trong tháng 6.

Trong khi đó, tại nền kinh tế thứ hai thế giới, lĩnh vực tiêu dùng đã rơi vào tình trạng giảm phát trong tháng 7. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chỉ ra rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã ghi nhận lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2021.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm nhẹ trong đầu phiên giao dịch châu Á sáng 10/8 sau khi đạt mức cao mới trong phiên trước đó. Dầu thô Brent giảm 20 cent, tương đương 0,2%, xuống 87,35 USD/thùng sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 27/1 trong phiên 9/8.

Dầu thô WTI của Mỹ giảm 23 cent, tương đương 0,3%, xuống 84,17 USD, sau khi ổn định ở mức cao nhất kể từ tháng 11/2022.

Dữ liệu của Trung Quốc 8/8 cho thấy nhập khẩu dầu thô trong tháng 7 đã giảm 18,8% so với tháng trước xuống mức thấp nhất hàng ngày kể từ tháng 1. Những tín hiệu này đã làm đảo chiều đà tăng của giá dầu trước đó, vốn được thúc đẩy bởi tin tức kho dự trữ nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh cũng như việc Arab Saudi và Nga tiếp tục cắt giảm sản lượng tự nguyện thêm trong tháng 9.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...