Chứng khoán Mỹ giảm điểm, giá dầu lên mức cao nhất 5 tháng

Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 2/4 khi các nhà đầu tư cân nhắc khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể trì hoãn cắt giảm lãi suất…

Chứng khoán Mỹ giảm điểm, giá dầu lên mức cao nhất 5 tháng

Kết thúc phiên 2/4, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 396,61 điểm (-1%) xuống 39.170,24 điểm, S&P 500 mất 37,96 điểm (-0,72%) đóng cửa ở mức 5.205,81 điểm và Nasdaq Composite trượt 156,38 điểm (-0,95%) còn 16.240,45 điểm.

Một trong những lực cản lớn nhất đối với S&P 500 và Nasdaq là cổ phiếu Tesla, giảm 4,9% sau khi nhà sản xuất ô tô điện công bố số lượng giao hàng hàng quý ít hơn sau gần 4 năm.

Ngành chăm sóc sức khỏe cũng nằm trong số những cổ phiếu có hoạt động yếu nhất trong ngày. Cổ phiếu của UnitedHealth, CVS Health và Humana đều giảm mạnh do chính phủ Mỹ quyết định giữ nguyên tỷ lệ hoàn trả cho các nhà cung cấp chương trình sức khỏe Medicare Advantage.

Trong số các cổ phiếu giảm giá khác, cổ phiếu PVH Corp, công ty mẹ của thương hiệu Calvin Klein đã lao dốc 22,2% sau khi nhà bán lẻ này dự báo doanh thu quý đầu tiên giảm khoảng 11%.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ Mỹ là 11,12 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,87 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Sự thận trọng của nhà đầu tư đang ngày càng gia tăng khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11/2023.

Chỉ số biến động CBOE, thước đo nỗi sợ hãi của Phố Wall, cũng đi lên.

Các báo cáo kinh tế vững chắc gần đây của Mỹ đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu Fed có thể thực hiện ba đợt cắt giảm lãi suất từng nêu trong dự báo mới nhất hay không.

Quincy Krosby, giám đốc chiến lược toàn cầu tại LPL Financial cho biết: “Câu chuyện giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn đang quay trở lại mặc dù thực tế là Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay. Điều này khiến thị trường cảm thấy lo lắng”.

Dữ liệu hôm 2/4 chỉ ra rằng số lượng đơn đặt hàng mới cho hàng hóa do Mỹ sản xuất đã tăng trở lại nhiều hơn dự kiến trong tháng 2, trong khi cơ hội việc làm vẫn ổn định ở mức cao hơn.

Theo ứng dụng xác suất lãi suất của LSEG, thị trường đã hạ bớt kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất xuống còn khoảng hai lần trong năm nay, từ mức ba lần cách đây vài tuần.

Trong khi đó, phát biểu của các quan chức Fed đã một lần nữa nhắc lại rằng ngân hàng trung ương Mỹ chưa vội vàng trong việc cắt giảm lãi suất.

Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly đã nhắc tới các rủi ro thực sự của việc cắt giảm lãi suất quá sớm khi lạm phát còn cao.

Còn về phía mình, chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester cho biết bà vẫn kỳ vọng về việc ngân hàng trung ương sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, đồng thời lưu ý rằng việc nới lỏng có thể bắt đầu tại cuộc họp chính sách tháng 6 nếu dữ liệu kinh tế cho phép.

Các nhà đầu tư đang háo hức chờ đợi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, sẽ được công bố vào cuối tuần này.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao hơn vào thứ Ba khi các diễn biến địa chính trị đã đẩy giá dầu Brent chuẩn lên trên 89 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 10/2023.

Hợp đồng tương lai dầu Brent kỳ hạn tháng 6 tăng 1,50 USD, tương đương 1,7% lên 88,92 USD/thùng sau khi chạm mức cao nhất là 89,08 USD.

Giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 5 tăng 1,44 USD, tương đương khoảng 1,7%, lên 85,15 USD/thùng sau khi chạm mức 85,46 USD, cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

“Khả năng cao xuất khẩu sản phẩm năng lượng của Nga tiếp tục bị hạn chế có thể thắt chặt hơn nữa nguồn cung xăng dầu”, Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch and Associates LLC, cho biết.

Các thị trường cũng đang chờ đợi cuộc họp cấp bộ trưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nhà sản xuất đồng minh (OPEC+) vào thứ Tư. Một số nguồn tin của OPEC+ nói với Reuters rằng hội thảo khó có thể khuyến nghị bất kỳ thay đổi nào trong chính sách sản lượng dầu.

Triển vọng về nhu cầu đang dần được cải thiện khi dữ liệu tháng 3 cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc mở rộng lần đầu tiên sau 6 tháng và ở Mỹ lần đầu tiên sau một năm rưỡi.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm