S&P 500 “lặng yên” trong phiên nhưng vẫn ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong năm

S&P 500 kết thúc với ít thay đổi trong phiên 22/3 nhưng chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu năm đến nay sau khi Fed đưa ra dự tính về ba lần cắt giảm lãi suất…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
S&P 500 “lặng yên” trong phiên nhưng vẫn ghi nhận mức tăng hàng tuần lớn nhất trong năm

Kết thúc phiên 22/3, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 305,47 điểm (-0,77%) xuống 39.475,90 điểm, S&P 500 trượt nhẹ 7,35 điểm (-0,14%) còn 5.234,18 điểm và Nasdaq Composite tăng 26,98 điểm (+0,16%) lên 16.428,82 điểm.

Trong tuần, S&P 500 tăng 2,3% và Dow Jones tăng 2%, mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 12/2023 đến nay. Trong khi đó, Nasdaq tăng 2,9%, mức tăng phần trăm hàng tuần lớn nhất kể từ giữa tháng 1.

Khác với S&P 500 và Dow Jones, Nasdaq đóng cao hơn một chút trong ngày, cùng với chỉ số chất bán dẫn tăng mạnh giữa bối cảnh lạc quan về trí tuệ nhân tạo vẫn tiếp tục.

Trong số các cổ phiếu tăng giá, FedEx thêm 7,4% sau khi công ty đánh bại kỳ vọng của Phố Wall về lợi nhuận hàng quý.

Mặt khác, Digital World Acquisition trượt 13,7% sau khi các cổ đông của công ty bỏ phiếu chấp thuận việc sáp nhập với công ty công nghệ và truyền thông của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cổ phiếu của Nike giảm 6,9%, một ngày sau khi nhà sản xuất đồ thể thao lớn nhất thế giới cảnh báo doanh thu trong nửa đầu năm tài chính 2025 sẽ giảm ở mức một con số.

Lululemon Athletica lao dốc 15,8% vì dự báo doanh thu và lợi nhuận hàng năm dưới mức mong đợi.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 9,45 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,34 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Vào đầu này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất và đưa ra báo hiệu rằng họ vẫn đang trong dự tính thực hiện 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Matt Stucky, giám đốc danh mục đầu tư cổ phiếu tại Northwestern Mutual Wealth Management Company, cho biết: “Thị trường coi tin tức đó nghĩa là Fed đã trở thành “bạn” và không còn là “thù” nữa”.

Theo Công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch hiện nhận thấy khoảng 71% khả năng đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 6.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đi xuống vào hôm 22/3 và không thay đổi trong tuần do khả năng ngừng bắn ở Gaza, chiến sự Nga-Ukraine và giảm lượng dàn khoan ở Mỹ đều là các yếu tố gây áp lực lên giá.

Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 5 ổn định ở mức 85,43 USD, giảm 35 cent. Dầu thô WTI của Mỹ ổn định ở mức 80,63 USD/thùng, giảm 44 cent. Cả hai điểm chuẩn đều ghi nhận mức thay đổi ít hơn 1% trong tuần.

Đồng USD mạnh lên khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó làm giảm nhu cầu.

John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC, lưu ý: “Mọi người đều đang theo dõi những gì sẽ xảy ra tại Gaza vào cuối tuần này”.

Bên cạnh đó, xung đột ở Đông Âu cũng kìm hãm đà đi lên của giá dầu.

Có thể bạn quan tâm