Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau sự cố kỹ thuật toàn cầu

Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 19/7 khi thị trường có tâm lý lo ngại về sự cố kỹ thuật do lỗi phần mềm gây ra đã ảnh hưởng đến vô số ngành công nghiệp lớn...

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau sự cố kỹ thuật toàn cầu

Kết thúc phiên 19/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 377.49 điểm (-0,93%) thành 40,287.53 điểm, chỉ số S&P 500 mất 39.59 điểm (-0,71%) còn 5,505 điểm và Nasdaq Composite trượt 144.28 điểm (-0,81%) xuống 17,726.94 điểm.

Cả 3 chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều kết thúc trong vùng tiêu cực, với Dow Jones chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trên cơ sở hàng tuần, Nasdaq và S&P 500 đã có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 4/2024, trong khi Dow Jones - sau khi chốt phiên đóng cửa kỷ lục vào đầu tuần - vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ.

Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, cổ phiếu năng lượng giảm mạnh nhất, còn y tế và tiện ích là những ngành duy nhất tăng.

Sự cố kỹ thuật lan rộng trong ngày 19/7 đã làm gián đoạn hoạt động của nhiều ngành khác nhau, bao gồm hàng không, ngân hàng và y tế, sau khi lỗi trong phần mềm của công ty an ninh mạng Crowdstrike khiến hệ điều hành Windows của Microsoft bị treo.

Mặc dù lỗi đã nhanh chóng được xác định và khắc phục, nhưng các vấn đề kỹ thuật vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến một số dịch vụ. Cổ phiếu của Crowdstrike lao dốc 11,1%, trong khi các đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực an ninh mạng là Palo Alto Networks và SentinelOne lần lượt tăng 2,2% và 7,8%.

"Sự cố kỹ thuật ngày hôm nay đã khiến thị trường biến động và gây áp lực lên toàn bộ Nasdaq. Mặc dù vậy, tôi hy vọng nó sẽ không có ảnh hưởng quá lớn nếu xét về tổng thể”, Robert Pavlik, nhà quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại Dakota Wealth cho biết.

Chỉ số biến động thị trường CBOE, được coi là thước đo lo lắng của nhà đầu tư, chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 4.

Chỉ số Russell 2000 của các công ty vốn nhỏ - vốn hưởng lợi từ sự chuyển hướng gần đây khỏi các cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn - cũng đóng cửa phiên với đà giảm nhẹ.

Chỉ số Philadelphia SE Semiconductor hoạt động kém hơn so với thị trường chung, giảm 3,1%. Cổ phiếu Nvidia dẫn đầu đợt bán tháo trong ngành chip.

Ở các diễn biến riêng lẻ, Travelers giảm 7,8% do mức tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm thuần thấp hơn dự đoán.

Netflix trượt dốc 1,5% trong giao dịch bấp bênh sau khi “gã khổng lồ” phát trực tuyến cảnh báo rằng số lượng người đăng ký mới trong quý 3 sẽ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cổ phiếu công ty dược phẩm Eli Lilly tăng 1,0% sau khi Trung Quốc phê duyệt thuốc giảm cân tirzepatide của công ty, trong khi Intuitive Surgical cũng thêm 9.4% nhờ kết quả kinh doanh quý 2 vượt trội.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 10,54 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 11,72 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý 2 đã kết thúc tuần đầu tiên, với 70 công ty trong S&P 500 đã báo cáo. Trong số đó, 83% đã vượt qua dự đoán của các nhà phân tích, theo LSEG.

Giới phân tích hiện thấy tăng trưởng lợi nhuận hàng năm của S&P 500 là 11,1%, cải thiện so với ước tính 10,6% được đưa ra vào 1/7.

Tuần tới, một loạt kết quả cao cấp được mong đợi từ Tesla, Alphabet, IBM, General Motors, Ford và nhiều công ty khác.

"Dù mới đầu mùa báo cáo lợi nhuận, nhưng mọi thứ đang diễn ra rất ấn tượng. Nhưng các công ty lớn sẽ bắt đầu báo cáo vào tuần tới và điều chúng tôi muốn biết là sức mạnh tiêu dùng như thế nào cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai ra sao”, Ryan Detrick, chiến lược gia thị trường chính tại Carson Group nhận xét.

Về khía cạnh kinh tế, Chủ tịch Fed New York, John Williams đã nhắc lại cam kết của ngân hàng trung ương Mỹ về việc đưa lạm phát xuống mục tiêu 2%. Thị trường tài chính đã đặt cược 93,5% khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 9, theo công cụ FedWatch của CME.

GIÁ DẦU XUỐNG MỨC THẤP NHẤT TRONG 1 THÁNG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu chốt phiên 19/7 giảm hơn 2 USD, ghi nhận mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 2,48 USD, tương đương 2,9%, xuống còn 82,63 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ giảm 2,69 USD, tương đương 3,3%, xuống còn 80,13 USD/thùng.

Mối lo ngại về nhu cầu chậm chạp tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới vẫn là tâm điểm, sau khi số liệu tăng trưởng của quốc gia tỷ dân trong quý hai thấp hơn mong đợi. Các con số này xuất hiện sau khi báo cáo tuần trước cho thấy nhập khẩu dầu của Trung Quốc vẫn giảm trong tháng 6.

Đồng USD mạnh hơn cũng gây áp lực lên giá dầu khi các nhà đầu tư tiếp tục phân tích một số nhận định từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...