Kết thúc phiên 17/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 243,6 điểm (+0,59%) lên 41.198,08 điểm, S&P 500 giảm 78,93 điểm (-1,39%) xuống 5.588,27 điểm và Nasdaq Composite mất 512,42 điểm (-2,77%) còn 17.996,93 điểm.
Trong số 11 nhóm ngành chính của S&P 500, công nghệ và dịch vụ truyền thông ghi nhận đà giảm mạnh nhất, trong khi hàng tiêu dùng thiết yếu dẫn đầu nhóm tăng giá.
Một báo cáo mới đây cho thấy chính quyền Joe Biden đang cân nhắc áp đặt các hạn chế thương mại nghiêm ngặt đối với Trung Quốc, khiến cổ phiếu sản xuất chip trượt dốc 6,8%, đánh dấu mức giảm mạnh nhất trong một ngày của chỉ số Philadelphia SE Semiconductor kể từ tháng 3/2020.
Sự thoái lui của nhóm cổ phiếu "Magnificent 7”, dẫn đầu bởi Nvidia và Apple cũng kéo Nasdaq trượt giảm. Đi ngược lại với xu hướng chung, chỉ số Dow Jones tiếp tục đà tăng và chứng kiến mức đóng cửa kỷ lục ở phiên thứ 3 liên tiếp. Cổ phiếu Johnson & Johnson, United Health Group và Intel Corp đã hỗ trợ cho chỉ số này bất chấp sự lao dốc của ngành chip.
Mùa báo cáo thu nhập quý 2 đang diễn ra sôi động, với Johnson & Johnson báo cáo lợi nhuận và doanh thu vượt mong đợi nhờ doanh số bán thuốc mạnh mẽ.
“Diễn biến bán tháo đang bị thúc đẩy bởi áp lực trong ngành chip. Đây là lần đầu tiên đợt bán tháo lan sang cả các cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Nhiều lĩnh vực khác trên thị trường chứng khoán trước đây bị “bỏ quên” hiện đang được nhà đầu tư quan tâm trở lại”, Michael Green, chiến lược gia trưởng tại Simplify Asset Management nhận xét.
Chỉ số biến động thị trường CBOE (VIX) đã chạm mức cao nhất trong 6 tuần, cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,47 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,74 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, sản lượng công nghiệp của Mỹ cho thấy mức tăng gấp đôi so với dự kiến vào tháng 6. Dữ liệu này phù hợp với các báo cáo gần đây chỉ ra rằng, bất chấp dấu hiệu suy yếu, sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ sẽ giúp Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể đưa lạm phát xuống mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Vào thứ Tư, Fed đã công bố Beige Book của mình, cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 7, nhưng báo cáo cũng lưu ý rằng thị trường việc làm tiếp tục yếu đi.
“Quan điểm đã thay đổi một chút. Nền kinh tế có vẻ như đang trên đà hạ cánh mềm và do đó, các nhà đầu tư đang chú ý tới một số cổ phiếu nhạy cảm với kinh tế”, Chuck Carlson, Giám đốc điều hành Horizon Investment Services cho biết.
Thị trường tài chính dự đoán 93,5% khả năng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9. Tuy nhiên, một số nhà hoạch định chính sách tiền tệ, dù thừa nhận ngân hàng trung ương Mỹ đang tiến gần đến việc cắt giảm lãi suất, nhưng muốn có thêm dữ liệu để xác nhận rằng lạm phát đang đi xuống một cách bền vững.
GIÁ DẦU TĂNG 2%
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 2% vào 17/6 do báo cáo về mức giảm dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ lớn hơn dự kiến và đồng USD yếu đi đã khỏa lấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại ở Trung Quốc.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 1,35 USD , tương đương 6%, lên 85,08 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 2,09 USD, tương đương 2,6%, lên 82,85 USD/thùng.
Đồng USD yếu hơn đã hỗ trợ giá dầu sau khi đồng bạc xanh chạm mức thấp nhất 17 tuần so với các rổ tiền tệ chính. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ khi các mặt hàng hóa được định giá bằng USD như dầu mỏ trở nên rẻ hơn cho những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tại Mỹ, Cục Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết các công ty năng lượng đã rút 4,9 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ trong tuần kết thúc ngày 12/7. Con số này lớn hơn nhiều so với dự báo 30.000 thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters và mức giảm 4,4 triệu thùng trong báo cáo của Hiệp hội Thương mại Viện Dầu mỏ Mỹ (API).
Ở phiên trước đó, giá dầu Brent đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 14/6 và giá dầu WTI ở mức thấp nhất kể từ ngày 21/6.