Thị trường loay hoay trước “chỉ số sợ hãi”, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ

Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh vào 18/7, đảo ngược đà tăng nhẹ đầu phiên khi các nhà đầu tư tiếp tục chuyển hướng khỏi các cổ phiếu tăng trưởng lớn có giá cao…

Thị trường loay hoay trước “chỉ số sợ hãi”, chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ

Kết thúc phiên 18/7, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 533,06 điểm (-1,29%) xuống 40.665,02 điểm, S&P 500 mất 43,68 điểm (-0,78%) thành 5.544,59 điểm và Nasdaq Composite trượt 125,70 điểm (-0,7%) còn 17.871,22 điểm.

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều chịu tổn thất, trong đó Dow Jones giảm mạnh nhất, chấm dứt chuỗi ngày liên tiếp đóng cửa ở mức cao kỷ lục.

Trong số 11 nhóm ngành chính trong S&P 500, cổ phiếu y tế chịu mức giảm phần trăm lớn nhất, trong khi cổ phiếu năng lượng là nhóm duy nhất tăng điểm.

Đợt bán tháo nối lại một ngày sau khi Nasdaq chứng kiến mức giảm trong ngày lớn nhất kể từ tháng 12/2022 và lĩnh vực chip chịu mức sụt giảm phần trăm hàng ngày lớn nhất kể từ giai đoạn hoảng loạn liên quan đến đại dịch vào tháng 3/2020.

Hiện tại, các lo ngại vẫn ở mức cao. Chỉ số biến động thị trường CBOE, thường được gọi là "chỉ số sợ hãi", đã chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 5.

Chỉ số Russell 2000 trượt dốc trong 2 ngày liên tiếp sau khi sự chuyển hướng vào các công ty vốn hóa nhỏ đã thúc đẩy chỉ số này tăng vọt 11,5% - mức tăng 5 ngày mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.

"Trong hai tuần qua, chúng ta đã chứng kiến sự xoay vòng sang các lĩnh vực khác, bao gồm vốn hóa trung bình và vốn hóa nhỏ, vốn bị tụt hậu nhiều trước đây. Nhưng hôm nay nó đang đảo ngược. Thị trường đang loay hoay tìm hướng đi”, ông Tim Ghriskey, chiến lược gia danh mục đầu tư cấp cao tại Ingalls & Snyder cho biết.

Ở các diễn biến riêng lẻ, Domino's Pizza mất 13,6% do công ty không đạt được ước tính về doanh số bán hàng tại cùng cửa hàng theo quý.

Công ty tiên phong về phát trực tuyến Netflix cũng mất giá trong phiên giao dịch mở rộng sau khi công bố kết quả kinh doanh theo quý.

Ngược lại, Warner Bros Discovery tăng 2,4% nhờ báo cáo cho thấy công ty đã thảo luận về kế hoạch tách mảng kinh doanh phát trực tuyến và studio kỹ thuật số ra khỏi các mạng truyền hình cũ.

Công ty xây dựng D.R. Horton vượt qua ước tính lợi nhuận và bàn giao nhiều nhà mới hơn dự kiến, nhưng thắt chặt dự báo hàng năm. Cổ phiếu của công ty tăng vọt 10,1%. Động thái này cũng đưa chỉ số Philadelphia SE Housing lên mức cao kỷ lục.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 12,14 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,8 tỷ trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Về tin tức kinh tế, dữ liệu số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu vượt trên ước tính của các nhà phân tích, cung cấp thêm bằng chứng cho thấy thị trường lao động đang suy yếu. Đây là một bước cần thiết để đưa lạm phát đi vào quỹ đạo giảm bền vững, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

GIÁ DẦU ĐI NGANG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu ổn định trong phiên 18/7 khi các nhà đầu tư vật lộn với những tín hiệu trái chiều về nhu cầu dầu thô, bên cạnh đó là mối lo ngại về suy thoái kinh tế ở Mỹ đang đối đầu với kỳ vọng ngày càng tăng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 3 cent, đóng cửa ở mức 85,11 USD/thùng; trong khi dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 3 cent xuống mức 82,82 USD/thùng. Cả hai mặt hàng tiêu chuẩn này đều tăng trong phiên giao dịch trước đó.

Số người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng cao hơn dự kiến vào tuần trước, với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tăng thêm 20.000 lên mức 243.000 đã được điều chỉnh theo mùa cho tuần kết thúc vào ngày 1/7.

Dữ liệu này củng cố thêm lập luận cho việc Fed đẩy nhanh kế hoạch cắt giảm lãi suất, điều có thể thúc đẩy chi tiêu nhiều hơn cho dầu mỏ.

Tamas Varga từ công ty môi giới dầu mỏ PVM chia sẻ với Reuters: "Tôi tin rằng kỳ vọng về việc Fed sớm cắt giảm lãi suất sẽ hạn chế đà giảm giá của dầu”.

Tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng ảnh hưởng đến giá cả. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào thứ Năm đã báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ duy trì chính sách kinh tế, mặc dù không có nhiều chi tiết cụ thể được tiết lộ. Nhìn chung, những động thái đó đã làm giảm hy vọng của các nhà đầu tư về một cú hích thúc đẩy tiêu dùng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

S&P 500 và Nasdaq phục hồi, giá dầu bật tăng hơn 3%

Nasdaq và S&P 500 đã khép lại phiên giao dịch thứ Hai với mức tăng nhẹ, hồi phục một phần tổn thất sau nhiều phiên giảm trước đó. Các nhà đầu tư hiện đang háo hức chờ đợi báo cáo lợi nhuận quý của Nvidia…

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

TCBS thành công phát hành hơn 1,7 tỷ cổ phiếu, trở thành “quán quân” vốn điều lệ ngành chứng khoán

Sau khi nâng vốn lên 19.613 tỷ đồng, TCBS vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành chứng khoán về vốn điều lệ, vượt qua Chứng khoán SSI. Tuy nhiên, “ngôi vương” này có thể sẽ sớm đổi chủ khi SSI đang triển khai chào bán 151,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 18.130 tỷ đồng lên 19.641 tỷ đồng...

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động như thế nào trước hiệu ứng “Trump 2.0”

Đồng USD mạnh lên có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi các thị trường mới nổi như Việt Nam để quay lại thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc chiết khấu định giá trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tương tự như những gì xảy ra trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump...

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Xu hướng ngắn hạn vẫn nghiêng về chiều giảm

Mặc dù xu hướng trung hạn đang là đi ngang nhưng xu hướng ngắn hạn vẫn tiếp tục nghiêng về chiều giảm. Nhà đầu tư được khuyến nghị chỉ duy trì một vị thế nắm giữ ở mức an toàn và tránh các quyết định mua đuổi giá trong các nhịp hồi phục...