Chứng khoán tháng 8/2024: Rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu

Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá hấp dẫn của VN-Index, tiêu biểu như vùng 1.050 điểm đến 1.150 điểm...

Chứng khoán tháng 8/2024: Rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam vừa công bố báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 8/2024. Theo số liệu từ báo cáo, kết thúc tháng 7, thị trường vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể với mức tăng 0,5% của VN-Index, tâm lý giao dịch tiếp tục chịu sức ép khi ảnh hưởng bởi các tin tức vĩ mô thế giới với giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân giảm 23% dù bức tranh lợi nhuận quý 2 đã khép lại với những con số tăng trưởng ấn tượng.

Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 9,23 nghìn tỷ đồng trong tháng 7/2024, kéo dài chuỗi mua ròng sang 6 tháng liên tiếp và nâng lượng mua ròng lũy kế từ đầu năm lên 65,2 nghìn tỷ đồng. Dù vậy, nhóm này cũng đang dần trở nên kém lạc quan về diễn biến giao dịch ở những ngày đầu tháng 8 khi ghi nhận những phiên bán ròng mạnh do ảnh hưởng của các tin tức tiêu cực đến từ thị trường thế giới.

Trong khi đó, khối ngoại duy trì chuỗi bán ròng 8,37 nghìn tỷ đồng trong tháng 7 và lũy kế 60,4 nghìn tỷ đồng từ đầu năm đến nay, kéo dài xu hướng bán ròng lên 16 tháng liên tiếp, ngoại trừ tháng 1/2024 ghi nhận lượng mua ròng nhỏ 185 tỷ đồng.

Ở một khía cạnh khác, các quỹ ETF rút ròng qua tháng thứ chín liên tiếp, với tổng lượng rút ròng là -92 triệu USD trong tháng 7, nâng mức rút ròng kể từ đầu năm lên -666 triệu USD tính đến ngày 2/8/2024.

Phần lớn lượng rút ròng này được ghi nhận từ DCVFMVN Diamond (-58 triệu USD), Fubon FTSE (-36 triệu USD), Xtrackers FTSE Vietnam (-12 triệu USD); hoàn toàn áp đảo so với lượng mua vào đến từ DCVFMVN30 (+12 triệu USD) và Kim Growth VN30 (+5 triệu USD). Đáng chú ý, quỹ Kim Growth VN30 này đã liên tục mua vào 4 tháng liên tiếp.

anh-chup-man-hinh-2024-08-06-luc-151917-8453.png

Nhận định về nguyên nhân khiến ba phiên giao dịch đầu tiên trong tháng 8 có diễn biến kém tích cực, Mirae Asset cho rằng thị trường Việt Nam đang phải đón nhận các đợt gió ngược trên thị trường thế giới gây nên hiện tượng biển “đỏ” lan rộng đến gần như toàn bộ các thị trường chứng khoán lớn trên toàn cầu.

Trong đó, VN-Index giảm gần 50 điểm, tương ứng giảm 3,92% trong ngày 5/8; chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm gần 22% chỉ sau 3 phiên giao dịch dù phần nào ghi nhận tín hiệu phục hồi vào những phút cuối cùng của ngày 5/8. Cùng với đó, Kospi của Hàn Quốc giảm gần 15% trong cùng thời điểm; Nasdaq tại Mỹ giảm hơn 11%.

Trong thời gian tới, Mirae Asset cho rằng các yếu tố kém khả quan và những rủi ro cần theo dõi như: thị trường lao động suy yếu tại Mỹ có khả năng sẽ khiến Fed phải hành động nhanh hơn cùng với các đợt cắt lãi suất có quy mô lớn và liên tục. Thị trường tương lai nhanh chóng phản ứng với thông tin trên khi kỳ vọng chung cho rằng Fed sẽ giảm tổng cộng 125 điểm cơ bản trong quý 4 từ vùng lãi suất 5,25% - 5,5% ở hiện tại, tăng mạnh so với kỳ vọng chỉ có 2 lần cắt lãi suất (khoảng 50 điểm cơ bản) vào tuần trước.

Đồng thời, làn sóng đầu tư vào nhóm cổ phiếu công nghệ dần hạ nhiệt tại Mỹ khi nhà đầu tư lo sợ rằng thị trường sẽ bước qua giai đoạn tương tự với sự kiện bong bóng Dotcom ở năm 2000 khi công nghệ trí tuệ nhân tạo dù sở hữu rất nhiều tiềm năng song đi kèm với chi phí đầu tư rất lớn nhưng khả năng sinh ra lợi nhuận ở hiện tại vẫn còn là một ẩn số trong khi các công ty công nghệ vẫn đang tăng tốc trong quá trình cắt giảm chi phí thông qua tối ưu nguồn nhân lực. Tiêu biểu như Intel, cổ phiếu này đã giảm hơn 31% sau khi đưa ra thông báo cắt giảm 15% lượng nhân sự hiện tại.

Một yếu tố kém khả quan khác có thể ảnh hưởng tới thị trường là sự bất đối xứng trong chính sách tiền tệ có khả năng sẽ khiến Hoa Kỳ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ khi Fed đã giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối tài sản từ 60 tỷ USD về 25 tỷ USD mỗi tháng trong khi có khả năng rằng Fed sẽ buộc phải cắt lãi suất sớm và theo sát với diễn biến thị trường khi rủi ro suy thoái dần hiện hữu.

Điều này dẫn đến tình trạng bất đối xứng trong chính sách tiền tệ trong bối cảnh nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn ghi nhận rủi ro chính trị đến từ cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 sắp tới khi chính sách kinh tế của cả hai ứng viên tổng thống đều đang nghiêng về viễn cảnh gia tăng thâm hụt tài khóa, dẫn đến áp lực lạm phát trở lại.

Trong khi đó, Nhật Bản bước ra khỏi giai đoạn tiền rẻ và chính sách lãi suất âm, và đồng thời đưa ra tín hiệu về việc kết thúc kỷ nguyên Carry Trade. “Điều này làm gia tăng nhu cầu nắm giữ đối với đồng yên Nhật tăng cao khi trong thời gian qua, USD/JPY giảm hơn 12% trong 2 tháng gần nhất kể từ mức đỉnh lịch sử”, báo cáo phân tích nhấn mạnh.

Cùng với đó, rủi ro chiến tranh leo thang và toàn diện giữa Israel và Iran cùng các đồng minh tại khu vực Trung Đông, và chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung sẽ làm kéo dài thời gian phục hồi của giao thương toàn cầu.

Trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều đồng thời là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam nhưng cũng đều đang gặp khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Mirae Asset đánh giá điều này có khả năng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong tương lai.

Về thị trường chứng khoán, nhóm phân tích Mirae Asset cho rằng diễn biến giao dịch ở những phiên đầu tiên của tháng 8/2024 đang phản ánh sự e ngại rủi ro của nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Vì vậy, rủi ro giảm điểm vẫn còn hiện hữu khi áp lực giảm điểm chung trên các nền thị trường chứng khoán lớn sẽ góp phần tác động tiêu cực đến diễn biến giao dịch tại thị trường Việt Nam.

anh-chup-man-hinh-2024-08-06-luc-152020-4305.png

Trong viễn cảnh kém khả quan nhất, Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ tìm thấy lực cầu tại các vùng định giá hấp dẫn của VN-Index, tiêu biểu như vùng 1.050 điểm đến 1.150 điểm. Kỳ vọng vùng hỗ trợ này dựa trên đánh giá sự cải thiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm và xu hướng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2024.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm