Chương trình Bữa sáng doanh nhân sắp tới có gì?

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác toàn diện giữa hai Hiệp hội VACOD - HBA và ĐHQG Hà Nội, trong chương trình Bữa sáng doanh nhân ngày 22/7, TS. Bùi Đình Tú - Quyền Chủ nhiệm khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ - ĐHQG Hà Nội sẽ có những chia sẻ với các doanh nhân của VACOD – HBA về các công nghệ nông nghiệp công nghệ cao đã được cấp bằng sáng chế.
Chương trình Bữa sáng doanh nhân sắp tới có gì?

Theo đó, TS. Bùi Đình Tú sẽ giới thiệu về Hệ thống LED chiếu sáng ứng dụng trong nông nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao. Đây là công nghệ tích hợp các công thức cá thể hoá ánh sáng và hệ thống giám sát thông số nông nghiệp, đáp ứng khả năng sinh trưởng và phát triển cây trồng hiệu quả nhất.

Công nghệ này là sự phối trộn giữa vật lý và sinh học, khi quản lý ánh sáng (vật lý) phù hợp với nhu cầu sinh trưởng của cây trồng (sinh học).

TS Bùi Đình Tú cho biết: “cái khó ở đây là làm thế nào để biết nhu cầu chiếu sáng của từng cây và tích hợp vào hệ thống chiếu sáng do mình thiết kế”.

Kết quả nghiên cứu của công nghệ này trên các nhóm cây như đậu xanh, đậu tương, đậu đen, rau mầm họ cải như củ cải trắng, củ cải đỏ, củ cải ngọt, mầm rau muống… cho thấy điều chỉnh ánh sáng bên cạnh giúp cây sinh trưởng tốt hơn, còn sẽ giúp ra được sản phẩm đúng theo yêu cầu người trồng. Ví dụ như điều chỉnh ánh sáng giúp cây rau mầm đã sinh ra nhiều vitamin C hơn dựa trên cơ chế kích ứng cây sản sinh chất chống oxy hoá.

Hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED cho cây rau mầm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 2-0002827 được công bố vào ngày 25/02/2022.

Dựa trên nền tảng là hệ thống chiếu sáng này, TS. Bùi Đình Tú cùng nhóm nghiên cứu đã phát triển “Hệ thống LED chiếu sáng và các hệ thống giám sát thông số trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ IoT” để sản xuất hàng loạt khi cần lắp đặt hoặc chuyển giao công nghệ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu đã cải tiến để các hệ thống trở thành thiết bị nhỏ gọn và tính năng được mở rộng bằng việc kết nối với nhiều cảm biến theo yêu cầu người dùng.

Hệ thống chiếu sáng và giám sát thông số trong nông nghiệp có các module tùy theo độ phức tạp của thành phần, quy mô sản xuất nông nghiệp, trong đó bao gồm các module cảm biến như cảm biến cường độ ánh sáng, độ ẩm không khí, nhiệt độ, độ pH, có khả năng hiển thị, điều khiển từ xa thông qua kết nối internet, mạng GSM,…., tùy theo nhu cầu sử dụng khách hàng có thể lựa chọn

Bữa sáng doanh nhân
TS. Bùi Đình Tú - Quyền Chủ nhiệm khoa Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội

Hiện, hệ thống này đã được chuyển giao cho các trung tâm và các hộ trồng lan trong cả nước.

TS. Bùi Đình Tú cho biết, hệ thống LED chiếu sáng này được nhóm của ông nghiên cứu ra dựa trên thử nghiệm tại Việt Nam nên phù hợp với điều kiện thời tiết nước ta. Bên cạnh đó, hệ thống sẽ được bảo hành trọn đời. và sẽ được xử lý, khắc phục ngay khi xảy ra sự cố kỹ thuật.

Ngoài ra, tại chương trình, TS. Bùi Đình Tú cũng sẽ trình bày các kết quả nghiên cứu về Hệ thống pin lưu trữ cho các thiết bị điện tử và Hệ thống bảo quản lạnh ứng dụng công nghệ nano.

Với công nghệ về hệ thống pin lưu trữ, đây đang là “nỗi đau” của các doanh nghiệp trong mảng năng lượng tái tạo, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất xe điện. Công nghệ pin lưu trữ sẽ giúp doanh nghiệp có thể trữ năng lượng và từ đó điều tiết được sử dụng năng lượng; hoặc ứng dụng mạnh mẽ trong sản xuất xe điện.

Còn Hệ thống bảo quản lạnh ứng dụng công nghệ nano sẽ đảm bảo được sự tươi ngon đối với sản phẩm cần bảo quản mà tiết chi phí hơn, hứa hẹn có nhiều tiềm năng ứng dụng trong các lĩnh vực như khai thác thủy sản, bảo quản nông sản, vận tải…

Có thể bạn quan tâm