Chút tâm tư ngày Doanh nhân Việt Nam

13 năm trước, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định chọn ngày 13/10 làm Ngày Doanh nhân Việt Nam, lần đầu tiên doanh nhân được thừa nhận có một vai trò quan trọng trong sự phát triển của quốc gia.
Chút tâm tư ngày Doanh nhân Việt Nam

Thương Gia xin giới thiệu bài viết của doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours, một cộng tác viên thân thiết của Thương Gia, nhân dịp sắp tới ngày đặc biệt này.

Từ “con buôn”…

Ước mơ của trẻ thơ cách đây trên 40 năm thường là bác sĩ, kỹ sư, thầy giáo hoặc cán bộ. Hầu như không em nào mơ làm Doanh Nhân. Thời bao cấp với nhiều ấu trĩ, doanh nhân được gọi một cách miệt thị là con buôn, là dân Phe, là gian thương với vô vàn ác cảm. Chỉ có những thành phần lạc hậu, kém tiến bộ mới làm nghề này. Con buôn được xem là nguồn cơn gây rối loạn xã hội. Khai sơ yếu lý lịch mà cha mẹ là thành phần này thì con cái mấy đời không ngóc đầu lên nổi. Toàn bộ việc kinh doanh, buôn bán là độc quyền của nhà nước, được tổ chức thành hệ thống thương nghiệp và hợp tác xã. Người dân chỉ xé rào buôn bán nhỏ và hình thành thị trường chợ đen, không được thừa nhận.

Thời bao cấp, cả miền Bắc không có quán cơm tư nhân. Các gia đình chính sách, được chiếu cố cũng chỉ cho phép bán duy nhất món phở. Loại thường thì có 1 muỗng cà phê mì chính (bột ngọt). Loại đặc biệt thì được 2 muỗng, mà phải bỏ sống vào tô cho khách thấy. Nghĩ lại mà rùng mình. Mọi nhu yếu phẩm đều được phân phối theo định lượng cụ thể từ hộp diêm, hộp tăm, bàn chải đánh răng, vải mùng (dành cho phụ nữ) cho đến đường, sữa, thuốc lá, cá, thịt… Tôi không hút thuốc nhưng là đàn ông nên vẫn được phân phối. Muốn bán thuốc hoặc đổi thứ khác đều phải lén lút. Bị phát hiện là phải kiểm điểm, nhận kỷ luật vì có tư tưởng con buôn.

Dẫu rằng, trong kháng chiến, rất nhiều thương gia đã đem hết tài sản và trí tuệ của mình phục vụ cách mạng. Thành quả hôm nay là công sức của toàn dân, trong đó có các nhà tư sản và những người buôn bán.

Trước khi làm doanh nhân, tất cả đều là công dân và có chung khát vọng.

Đến Doanh nhân

Nhà bác học Lê Quí Đôn (1724 - 1784) khẳng định “Phi Công bất phú - Phi Thương bất hoạt - Phi Nông bất ổn - Phi Trí bất hưng”. Dân gian thì cụ thể hơn “Phi thương bất phú”. Thương ở đây không chỉ là buôn bán mà còn là sản xuất và dịch vụ. Đất nước mở cửa, đổi mới hòa nhập với thế giới và từng bước cởi trói cho DN. Ngày 20/9/2004, Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày "Doanh nhân Việt Nam". Đội ngũ doanh nhân được hình thành ngày càng đông đảo, đủ mọi lứa tuổi và thành phần, đang làm nên diện mạo của cuộc sống. Họ không chỉ làm ra của cải mà còn tạo công ăn việc làm, đóng thuế nuôi bộ máy và xây dựng đất nước.

Nói tới doanh nhân là nói tới quản lý, tổ chức và thực hiện. Do đặc thù, xuất thân của doanh nhân Việt Nam rất đa dạng nên phong cách cũng khác biệt. Số ít làm giàu nhanh chóng nhờ luồn lách pháp luật, nhờ quan hệ thì nghênh ngang coi trời bằng vung, tiêu tiền xả láng. Họ luôn lấy tài sản và hàng hiệu để khỏa lấp những hạn chế tri thức và tâm hồn. Đa phần còn lại đều biết làm ra tiền chính đáng, biết tiêu tiền hợp lý, tiết kiệm mà không bủn xỉn, biết hưởng thụ một cách tương xứng và biết chia sẻ trách nhiệm với xã hội. Hàng loạt chương trình xã hội, từ thiện được nhiều doanh nhân khởi xướng, duy trì và phát triển.

Có người khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Có người khởi nghiệp lúc đã về hưu nhưng đều giống nhau ở khát vọng làm giàu chân chính. Trong quá trình kinh doanh, cũng gặp không ít cản trở, không ít lần thất bại nhưng vẫn nỗ lực vượt khó vươn lên, tự khẳng định. Những doanh nhân thứ thiệt, chỉ cần nhìn qua trang phục, nghe cách trò chuyện là hiểu được tầm vóc và văn hóa DN của họ, chứ không cần phải tận mắt nhìn cơ ngơi. Doanh nhân có phong thái riêng, chỉ cảm chứ rất khó diễn đạt. Từ chỗ bị khinh miệt là gian thương, Doanh Nhân trở thành niềm tự hào, là mơ ước của nhiều em nhỏ.Các em cứ ước mơ và người lớn phải giúp các em chuẩn bị cho ước mơ của mình. Dân có giàu thì nước mới mạnh.

Chính quyền, từ chỗ đối nghịch và nghi kỵ năm xưa, giờ trở thành người bạn tin cậy, hỗ trợ và chia sẻ với doanh nhân. Doanh nhân tham gia đầu tư, phát triển kinh tế, là chỗ dựa của nhà nước. Mô hình “Cà phê doanh nhân” từ Đồng Tháp đang lan ra nhiều địa phương khác. Hàng ngày, tại trụ sở Ủy ban và Tỉnh ủy, trước giờ làm việc, tầm 6g30 - 7g30; lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban và các ngành lại ngồi uống cà phê với doanh nhân để tìm hiểu tâm tư, tháo gỡ vướng mắc, trao đổi công việc và chia sẻ trách nhiệm. Văn phòng Ủy ban, Tỉnh ủy luôn rộng cửa đón doanh nhân như đón người thân trong nhà. Hầu như không còn khoảng cách giữa chính quyền và doanh nhân. Cả hai đang hợp lực, chung tay góp sức vì sự tăng tốc và phát triển bền vùng của vùng đất Sen hồng.

Lớp doanh nhân U50 trở lên, nhiều người tay ngang lập nghiệp ngẫu nhiên, kiểu “Nghề chọn minh”. Các doanh nhân U40 trở xuống, đa phần được đào tạo bài bản, cả trong và ngoài nước. Có khi làm trái nghề nhưng có nền tảng tri thức, biết ngoại ngữ, thành thạo công nghệ thông tin. Lớp doanh nhân trẻ ngày càng khẳng định tâm thế tự tin hòa nhập, làm chủ và quản lý hiệu quả. CEO của tôi, thuộc thế hệ 8x, là một người như vậy. Các bạn trẻ cầu tiến, sáng tạo, luôn tìm cách đổi mới và đột phá. Người Việt nào cũng ước mơ đất nước mạnh giàu. 

Nhà nước minh bạch với DN. DN cũng phải minh bạch với nhà nước.

Và mong muốn…

Ở đâu cũng vậy, công dân nói chung và doanh nhân nói riêng không sợ khó khăn, chỉ sợ không công bằng. Minh bạch là mong muốn hàng đầu của doanh nhân. Từ các chính sách cho đến từng công việc cụ thể. Minh bạch để không còn lobby, lót tay, đi đêm… để công bằng ngày càng sinh sôi phát triển, trở thành bản chất của cuộc sống. Minh bạch phải đến từ hai phía. Nhà nước minh bạch với DN. DN cũng phải minh bạch với nhà nước.

Mong ước tiếp theo là được toàn tâm toàn ý, tự do làm giàu theo pháp luật. Không phập phồng vì chính sách thay đổi, nay mắng mai mưa hay “đùng một cái”…. Không ngán ngại vì đủ thứ thủ tục trói tay buộc chân, bị làm khó dễ bởi nhiều cái không tên. Từ vòi vĩnh quảng cáo, ép mua sách, mua danh hiệu cho đến mua vé ca nhạc, tham gia show từ thiện… Không còn mất ăn mất ngủ vì những trò cạnh tranh bẩn, được chống lưng và bảo kê, triệt hạ các DN chân chính.

Mong ước thứ ba là muốn biết tiền đóng thuế của doanh nhân và DN được sử dụng hợp lý và hiệu quả như thế nào. Tiền này không thể đổ vào những dự án trời ơi cho cán bộ nhũng nhiễu tham ô, lãng phí. Người đóng thuế có quyền biết rõ tiền của mình được làm gì, cho ai và kết quả thế nào. Được vậy thì các doanh nhân sẽ an tâm hoạt động, vui vẻ làm đầy đủ các nghĩa vụ thuế với nhà nước, đóng góp hết sức mình cho sự phồn vinh của đất nước.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, có thể nói “Đất nước thịnh suy, doanh nhân quyết định”.

“…Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”

Trích thư Bác Hồ gửi giới Công thương ngày 13/10/1945

Doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...