Chuyến bay ngắm siêu trăng cháy vé chỉ sau 2,5 phút mở bán

Hãng hàng không Qantas đã cháy vé chuyến bay ngày 26.5 trong thời gian kỷ lục - chính xác là 2,5 phút. Chỉ 100 hành khách may mắn mua được vé bay trên chiếc Boeing 787 Dreamliner - loại máy bay có cửa sổ lớn, hoàn hảo để ngắm nguyệt thực toàn phần.

Chuyến bay ngắm siêu trăng là chuyến mới nhất trong loạt chuyến đi do Qantas điều hành, đưa du khách đến với một hành trình vui vẻ, trước khi đưa họ trở lại nơi xuất phát. Chi phí cho chuyến bay ngắm siêu trăng là 386 USD cho vé hạng phổ thông, và 1.160 USD cho hạng thương gia.

Giám đốc khách hàng của Qantas, Stephanie Tully, cho biết chuyến bay ngắm siêu trăng sẽ sử dụng Boeing 787 Dreamliner, vì cửa sổ máy bay lớn là điều kiện lý tưởng để ngắm mặt trăng". Chuyến bay siêu trăng sẽ kéo dài trong vòng 3 giờ, khởi hành từ Sydney và bay qua bến cảng của thành phố trước khi bay trên những đám mây để ngắm trăng và nguyệt thực. Du khách sẽ đeo khẩu trang và ngồi giãn cách trên máy bay.

Qantas cung cấp chuyến bay ngắm siêu trăng ngày 26.5

Chuyến bay hứa hẹn một số cảnh mặt trăng khá ngoạn mục. Thông cáo báo chí của hãng hàng không cho biết, họ đang làm việc với nhà thiên văn học, tiến sĩ Vanessa Moss để thiết kế "đường bay tối ưu trên Thái Bình Dương".Tiến sĩ Moss cũng sẽ có mặt trên máy bay để trao đổi với du khách về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú siêu trăng vào ngày 26.5.

Hành khách sẽ được bay 3 tiếng trên không và ngắm nhìn nguyệt thực toàn phần. Ảnh minh hoạ: Nick UT

Đây sẽ là siêu trăng thứ hai và cuối cùng cho năm 2021 và cũng trùng với nguyệt thực toàn phần, khiến nó trở thành hiện tượng kép hiếm gặp, với mặt trăng dự kiến sẽ chuyển sang màu đỏ trên bầu trời đêm. Mặt trăng sẽ ở điểm gần nhất, cách Trái đất 357.311 km vào lúc 11 giờ 50 sáng theo giờ AEST vào ngày 26 tháng 5.

Nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ 9 giờ 11 phút đến 9 giờ 25 phút tối theo giờ AEST, khi mặt trăng cách trái đất 357.462 km.

Nguyệt thực toàn phần duy nhất trong năm 2021 này sẽ có thể nhìn thấy từ Australia, New Zealand, một số vùng lãnh thổ Thái Bình Dương và bờ biển phía tây Mỹ.

NASA giải thích, sở dĩ gọi là siêu trăng là vì mặt trăng vào thời kỳ trăng tròn trùng vào điểm cận địa, tức là điểm trên quỹ đạo của nó có khoảng cách gần nhất so với Trái đất, làm cho kích thước biểu kiến của mặt trăng to hơn bình thường khi quan sát từ Trái đất.

Từ một số nơi trên thế giới, mặt trăng sẽ có màu hơi đỏ do nguyệt thực toàn phần. Khi mặt trăng đi qua bóng của Trái đất, nó sẽ trông tối hơn và đỏ hơn. “Màu đỏ xuất phát từ ánh sáng mặt trời lọc qua bầu khí quyển của Trái đất - một vòng ánh sáng được tạo ra bởi tất cả các cảnh bình minh và hoàng hôn diễn ra xung quanh hành tinh của chúng ta vào thời điểm đó” - Nasa cho biết thêm.

Tháng 10 năm ngoái, chuyến bay ngắm siêu trăng đầu tiên của hãng hàng không Australia đã gây chú ý khi lượng vé ban đầu được bán hết trong vòng chưa đầy 10 phút.

Có thể bạn quan tâm