Thuận An chưa là gì, chỉ một năm "kép phụ" DPG trúng thầu tới gần 14.000 tỷ đồng!

Tập đoàn Đạt Phương đã tham gia 60 gói thầu, trong đó trúng 50 gói, trượt 5 gói, 5 gói chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu hơn 27.894 tỷ đồng. 

Thuận An chưa là gì, chỉ một năm "kép phụ" DPG trúng thầu tới gần 14.000 tỷ đồng!

Năm 2023 là năm chứng kiến sự thăng hoa của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) và các liên doanh của mình khi hút gần 14.000 tỷ đồng tiền trúng thầu. Điều đáng nói, tất cả đều là gói thầu của những Ban Quản lý các dự án hoặc Ban Quản lý các tỉnh như: Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Ban Quản lý dự án 6,...

"MỘT MÌNH MỘT SÂN"

Tập đoàn Đạt Phương, một tên tuổi nổi lên như một hiện tượng trong giới kinh doanh, thu hút sự chú ý của đông đảo các doanh nghiệp về khả năng trúng thầu đáng kinh ngạc của mình. Chỉ riêng trong năm 2023, "kép phụ" DPG đã tham gia 15 gói thầu thì trúng tới 14 gói, chưa kể, hầu như toàn bộ các gói thầu này đều là đấu "một mình một sân".

Sự thành công này của Tập đoàn Đạt Phương đã khiến nhiều người không khỏi tò mò về những gói thầu này. Mỗi dự án trúng thầu của doanh nghiệp này đều là một gói thầu "đặc biệt", từ việc chiếm ưu thế trong đấu thầu đến việc thực hiện dự án một cách thành công và hiệu quả.

Để làm rõ hơn điều này, Thương gia điểm danh những gói thầu mà Tập đoàn Đạt Phương đã trúng trong năm 2023. Đầu tiên là "Gói thầu XL5: Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985)" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông.

Liên danh Gói XL5 - Vành đai 3 HCM đã giành thắng lợi trong gói thầu này với giá hơn 2.303 tỷ đồng. Điều đặc biệt, đây là liên doanh duy nhất tham dự đấu thầu. Liên doanh này gồm có 9 công ty, trong đó có Tập đoàn Thuận An và Tập đoàn Đạt Phương.

Hay như gói thầu "CĐT-XL01: Xây dựng cầu Mộc Hóa, Sa Đéc, Hồng Ngự, Mỏ Cày; cải tạo cầu Giồng Găng; tháo dỡ cầu Măng Thít (bao gồm đảm bảo an toàn giao thông)" của Ban quản lý các dự án đường thủy.

Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Tư vấn và Xây dựng Biển Đông - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng thương mại Trường Thành (Tên viết tắt: Liên danh Đạt Phương - Biển Đông - Trường Thành) là nhà thầu duy nhất tham dự gói thầu này.

Được biết, giá gói thầu là hơn 863 tỷ đồng, Liên danh Đạt Phương - Biển Đông - Trường Thành trúng với giá hơn 792 tỷ đồng.

Gói thứ ba là "Gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo an toàn hàng hải)" của Ban Quản lý dự án 85. Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1-CTCP + Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn + Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương + Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An - TAG trúng với giá hơn 1.727 tỷ đồng.

Còn tại Ban Quản lý dự án Đường sắt, Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Cầu 14 - Công ty TNHH Thiết bị xây dựng công nghệ Nam Anh đã trúng "Gói thầu XL-CĐ-02: Xây dựng cầu đường bộ Đuống" với giá hơn 587 tỷ đồng.

Tiếp theo là "Gói thầu 11.1: Thi công xây dựng cầu Máng 8 Km25+152 (Không bao gồm phần đường đầu cầu) và cầu Sông Nhuệ 2 Km39+580" do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 mời thầu.

Tập đoàn Đạt Phương đã giành thắng lợi với giá 107 tỷ đồng, vượt qua giá gói thầu (hơn 86 tỷ đồng) đến 21 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, giá mà Đạt Phương trúng trùng khớp với giá Dự toán gói thầu sau khi được duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà bên mời thầu đã đưa ra.

Đây cũng là gói thầu duy nhất trong năm 2023 mà Đạt Phương phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác, 13 gói thầu còn lại là "một mình một sân".

Tiếp đến là liên doanh của Tập đoàn Đạt Phương trúng gói thầu của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Đây là "Gói thầu XL-02: xây dựng cầu dây văng Rạch Miễu 2 (phạm vi giữa 2 trụ neo) Km5+913-Km6+423 (bao gồm khảo sát, thiết kế BVTC) và đảm bảo ATGT thủy cầu Rạch Miễu 2".

Liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Lắp máy Trung Nam – Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty cổ phần Xây dựng Trung Nam 18 E&C trúng với giá hơn 1.268 tỷ đồng.

Còn riêng tại tỉnh Quảng Nam, Đạt Phương đã trúng liên tiếp 2 gói thầu trong năm 2023. Đầu tiên là gói thầu "Thi công xây dựng công trình và điều tiết bảo đảm giao thông thủy" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam. Tập đoàn Đạt Phương là đơn vị duy nhất tham gia gói thầu và trúng với giá hơn 173 tỷ đồng.

Tiếp đến là gói thầu "Thi công xây dựng công trình" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam. Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương trúng với giá hơn 467 tỷ đồng.

Tương tự như tỉnh Quảng Nam, tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, liên doanh của Tập đoàn Đạt Phương đã thu về tay mình hai gói thầu quan trọng. Gói đầu tiên là gói "Xây mới cầu Cửa Lấp 2 và sửa chữa tăng cường cầu Cửa Lấp cũ" do Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức.

Nổi bật trong đợt đấu thầu này, liên danh giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương và Công ty Cổ phần SBTECH đã trúng với mức giá cao hơn so với giá của chính chủ đầu tư đưa ra lên tới hơn 39 tỷ đồng. Cụ thể, giá gói thầu là 347,050 tỷ đồng, nhưng giá trúng thầu cuối cùng là 350,985 tỷ đồng.

Gói thứ hai là gói thầu "Xây lắp đoạn từ đầu tuyến đến cuối nút giao QL51" của Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Liên danh Công ty Cổ phần Công trình Giao thông tỉnh BR-VT và Công ty Cổ phần tập đoàn Đạt Phương trúng với giá hơn 414 tỷ đồng.

tap-doan-dat-phuong-9605.jpeg
Sản phẩm Bất động sản đầu tiên của Tập đoàn Đạt Phương là dự án Khu đô thị cao cấp Casamia

Ngoài ra, khả năng đấu thầu đáng kinh ngạc của Tập đoàn Đạt Phương không chỉ dừng lại ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mà còn lan rộng tới cả tỉnh Nam Định và Thừa Thiên Huế. Ở Nam Định, tập đoàn này đã trúng gói thầu "Thi công xây dựng công trình" do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định tổ chức, với giá trị hơn 1.174 tỷ đồng.

Còn ở tỉnh Thừa Thiên Huế, liên danh giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Đại An trúng "Gói thầu số 16: Toàn bộ phần xây dựng công trình" của Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đây tiếp tục là một gói thầu "đặc biệt" khi giá trúng thầu cao hơn so với giá gói thầu tới 909 triệu đồng. Cụ thể, giá gói thầu chỉ có hơn 140,050 tỷ đồng, nhưng giá trúng là 140,959 tỷ đồng.

CHỈ ĐỊNH THẦU

Theo thông tin mà Thương gia tìm hiểu được, năm 2023 đã chứng kiến được sự "vượt trội" hơn hẳn của Tập đoàn Đạt Phương và liên doanh của mình bất ngờ được chỉ định thầu cho hai dự án lớn, với tổng trị giá hơn 4.205 tỷ đồng, gây chấn động và không khỏi khiến dư luận xôn xao.

Đầu tiên là "Gói thầu XL03: Thi công xây dựng đoạn Km54+500 - Km68+854,48 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công)" của Ban quản lý dự án 6. Gói thầu này thuộc Dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuột giai đoạn 1.

Theo đó, vào ngày 14/6/2023, Ban quản lý dự án 6 đã ra quyết định số 222/QĐ-BQLDA phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu trên với nhà thầu trúng chỉ định thầu là liên doanh do Tập đoàn Đạt Phương đứng đầu. Cụ thể gồm 4 công ty là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương - Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty Cổ phần 484.

Giá trúng chỉ định thầu là hơn 2.974 tỷ đồng.

Tiếp đó là vào ngày 28/9/2023, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ đã ra quyết định số 139/QĐ-BQLDA "Về việc phê duyệt kết quả chỉ định thầu: Gói thầu số 13: Thi công xây dựng XL3 đoạn từ Km77+500 đến Km85+550 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công). Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ".

Hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu của gói thầu này là chỉ định thầu, 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Nhà thầu trúng chỉ định thầu là Liên doanh Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương, với giá trúng thầu là hơn 1.231 tỷ đồng.

Như vậy, việc liên tiếp trúng thầu thông qua việc chỉ định thầu và đấu "một mình một sân" với tỷ lệ trúng thầu gần tuyệt đối đã khiến nhiều người ngỡ ngàng và không khỏi đặt dấu hỏi nghi vấn. "Có chăng Đạt Phương đang được Ban Quản lý các dự án "ưu ái" hay chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên về năng lực đấu thầu mạnh mẽ của doanh nghiệp này?

Đồng thời những nghi ngờ về tính minh bạch và công bằng của quá trình đấu thầu đang dấy lên mạnh mẽ trong dư luận, đòi hỏi câu trả lời rõ ràng từ các cơ quan chức năng khi mà thời gian qua có rất nhiều vụ việc về "thông thầu" đã bị các cơ quan chức năng điều tra và vạch tội.

Dù có như thế nào thì hiện nay, Tập đoàn Đạt Phương vẫn duy trì vị thế mạnh mẽ và nổi bật trong giới kinh doanh, tiếp tục thu hút sự quan tâm và tranh luận sôi nổi từ cả giới chuyên môn và đông đảo công chúng.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).