Tập đoàn Đạt Phương là doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện và có mối quan hệ mật thiết với nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam. Nhất là khi, doanh nghiệp này luôn dễ dàng lọt vào những gói thầu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
ÔNG LỚN ĐẠT PHƯƠNG LÀ AI?
Mặc dù đáng gờm là vậy, nhưng Tập đoàn Đạt Phương chỉ được chú ý hơn khi dàn lãnh đạo của Tập đoàn Thuận An bị bắt, vì người ta nhìn thấy sự xuất hiện của Tập đoàn Đạt Phương bên cạnh "ông trùm" xây dựng Tập đoàn Thuận An trên cương vị là nhà thầu phụ, cùng liên danh góp sức làm nên những gói thầu vài nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương được thành lập vào ngày 12/3/2002, tiền thân là Công ty cổ phần xây dựng và vận tải Đạt Phương. Chủ tịch HĐQT là ông Lương Minh Tuấn (sinh năm 1970).
Ông Tuấn là một trong 5 cổ đông sáng lập nên Tập Đoàn Đạt Phương, các thành viên còn lại bao gồm: Ông Phạm Văn Đích, ông Lương Tuấn Minh, bà Trần Thị Hà và bà Nguyễn Thị Chinh. Sau đó, vào năm 2017, ông Phạm Văn Đích, bà Trần Thị Hà và bà Nguyễn Thị Chinh đã thoái toàn bộ vốn tại đây. Và vốn điều lệ chuyển đổi dần thành cổ phần phổ thông, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
Hiện, đại gia đình Chủ tịch Lương Minh Tuấn là những người đang nắm giữ tập đoàn này, trong đó, ông Tuấn nắm tới 15,942% vốn điều lệ, còn các thành viên còn lại trong gia đình như: Chị gái Lương Thị Thanh, Lương Thị Lan, Lương Thị Liên (nắm giữ lần lượt 5,27% - 1% - 0,05%), vợ Trần Thị Thuý Hằng (nắm giữ 4,48%), hai anh trai Lương Tuấn Minh - Lương Xuân Mẫn (nắm giữ lần lượt là 2,28% - 1,6%), chị dâu Huỳnh Thị Phương Dung (nắm giữ 0,15% vốn),...
Giúp đỡ công việc điều hành cho ông Tuấn, còn có Tổng giám đốc ông Trần Anh Tuấn (sinh năm 1969), một doanh nhân sinh sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, đồng thời cũng chính là thành viên HĐQT Tập đoàn Đạt Phương.
Hiện nay, Tập đoàn Đạt Phương đang có 8 công ty con: Công ty Cổ phần Đạt Phương Hội An (góp 88,89% vốn), Công ty Cổ phần Kính Đạt Phương (góp 73% vốn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 1 (góp 70% vốn), Công ty Cổ phần Xây dựng Đạt Phương số 2 (góp 70% vốn), Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đạt Phương Sông Bung (góp 61,32% vốn), Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà (góp 68,3% vốn), Công ty TNHH Thực phẩm Bee (góp 100% vốn) và Công ty TNHH Fukunana (góp 73% vốn).
Mặc dù được biết đến là doanh nghiệp vận tải, nhưng sau đó, doanh nghiệp này đã chuyển mình sang các lĩnh vực khác và thành tập đoàn đa ngành với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng, bất động sản, năng lượng và nghỉ dưỡng.
Được biết, trong lĩnh vực xây dựng, Tập đoàn Đạt Phương đã làm hàng loạt những công trình giao thông, thuỷ lợi, hạ tầng dân dụng lớn trên khắp cả nước như: Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Cao tốc Khánh Hoà - Buôn Mê Thuật giai đoạn 1, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cửa Đại, cầu Thủ Thiêm 2, đê chắn sóng cảng Chân Mây, kè Cửa Đại,
Trong lĩnh vực đầu tư thuỷ điện, Đạt Phương đang vận hành 4 nhà máy gồm: Thuỷ điện Sông Bung 6 – Tổng công suất lắp máy 29MW (Quảng Nam); Dự án thuỷ điện Sơn Trà 1A, 1B với tổng công suất lắp máy 60MW (Quảng Ngãi) và thủy điện Sơn Trà 1C với công suất là 9MW (Quảng Ngãi).
Ngoài ra, đại gia Lương Minh Tuấn còn đang sở hữu tới 3 dự án bất động sản gồm Khu đô thị cao cấp Casamia (15,6 ha), Khu đô thị Casamia Calm Hội An (6,4ha) và Khu đô thị Cồn Tiến (31,1 ha).
Về hoạt động kinh doanh, theo tìm hiểu của Thương gia, kết thúc năm tài chính 2023, tổng tài sản của Tập đoàn Đạt Phương là 6.689 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả là 4.439 tỷ đồng (nợ ngắn hạn là 2.186 tỷ đồng và nợ dài hạn là 1.590 tỷ đồng) và vốn chủ sở hữu là 2.349 tỷ đồng. Với việc nợ phải trả chiếm phần lớn đã khiến hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu là 1,6 lần.
Doanh thu năm 2023 đạt 3.450 tỷ đồng, sau khi trừ hết các chi phí, lãi sau thuế của Đạt Phương là 282 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với năm 2022.
Đáng chú ý, trong cơ cấu tài sản của Tập đoàn Đạt Phương, hàng tồn kho của ghi nhận ở mức khá cao lên tới 1.183 tỷ đồng và tăng mạnh trong 2 (năm 2021- 2022) từ 557 tỷ đồng lên 1.092 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng (548 tỷ đồng) và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (410 tỷ đồng).
Hiện, cổ phiếu DPG đang có giá trị là 53.700 đồng/cổ phiếu.
CAO THỦ TRÚNG THẦU
Tập đoàn Đạt Phương được xem như một hiện tượng với danh xưng "kép phụ" trong lĩnh vực trúng thầu. Tham gia chỉ 60 gói thầu nhưng doanh nghiệp này đã ghi nhận tới 50 thầu thành công, cùng với 5 gói trượt và 5 gói vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Tổng giá trị trúng thầu của Tập đoàn này đã vượt mốc hơn 27.000 tỷ đồng đồng (trong đó hơn 4.000 tỷ đồng đến từ các gói chỉ định thầu; hơn 4.000 tỷ đồng là các gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không có thông báo mời thầu).
Với vai trò độc lập, tổng giá trị trúng thầu của tập đoàn này là hơn 7.000 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị của các gói thầu tham gia và trúng thầu liên danh là hơn 20.000 tỷ đồng. Tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia vào khoảng hơn 65%, và tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là hơn 95%.
Tập đoàn này đã tham gia thầu tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, từ Hà Nội đến TP.Hồ Chí Minh, cùng các địa phương như Trà Vinh, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, và nhiều nơi khác.
Với mối quan hệ mật thiết, Tập đoàn Đạt Phương đã liên kết với 46 bên mời thầu, và từng đấu với 37 nhà thầu trong 17 gói thầu. Trong số đó, DPG đã giành chiến thắng trong 9 gói, thua 5 gói, và 3 gói chưa có kết quả. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã liên danh với 46 nhà thầu trong 28 gói thầu và thắng tới 25 gói, chỉ thua 2 gói, và 1 gói chưa có kết quả.
Điều đáng nói, trong dải gói thầu xây dựng "khổng lồ" làm nên tên tuổi của Tập đoàn Đạt Phương nói chung và cá nhân ông Lương Minh Tuấn nói riêng, phải kể đến hai gói thầu mà doanh nghiệp này bắt tay với Tập Đoàn Thuận An.
Đó là "Gói thầu XL5: Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua thành phố Thủ Đức (từ Km23+550 đến Km25+985)" của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Liên doanh Tập đoàn Thuận An là nhà thầu duy nhất tham gia gói thầu này và trúng với giá 2.303 tỷ đồng.
Được biết, gói thầu này thuộc Dự án thành phần 1: Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Kênh Thầy Thuốc) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh.
Gói thầu thứ hai là "Gói thầu số 11-XL: Thi công xây dựng công trình cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công; đảm bảo an toàn hàng hải)" của Ban Quản lý dự án 85.
Liên danh Tổng Công ty xây dựng số 1, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn, Công ty cổ phần Tập đoàn Đạt Phương và Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trúng với giá 1.727 tỷ đồng.
Việc Tập đoàn Đạt Phương liên tục trúng thầu với tỷ lệ cao và quy mô khủng, cùng với việc đấu "một mình một sân", đã khiến nhiều người khá bất ngờ về khả năng đấu thầu của ông chủ Lương Minh Tuấn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi sự minh bạch, công bằng và đạo đức trong quá trình đấu thầu trở thành tiêu chí hàng đầu trong thị trường xây dựng và đấu thầu.