Chuyển đổi xanh: Thách thức năm 2024

Hiện nay, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu phải được coi là bắt buộc đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu...

anh-11-5846.jpg
Chuyển đổi xanh: Thách thức năm 2024

Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2023 nhưng kết quả xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 ước tính đạt khoảng 355 tỷ USD, thấp hơn 4,5% so với cùng kỳ năm 2022. Và kết quả này không đạt mục tiêu tăng 6% của năm 2023 do Bộ Công Thương đã đề ra.

THIẾU ĐƠN HÀNG

Anh Trí Thích, Giám đốc một nhà máy sản xuất các sản phẩm nhựa tại Nam Định thở dài: “6% hay bao nhiêu % tôi không biết nhưng tôi chỉ mong năm 2024 tới sẽ tốt hơn năm nay. Không có đơn hàng nên hơn nửa năm đầu nhà máy gần như hoạt động cầm chừng để bảo đảm cuộc sống cho công nhân viên. Mãi nửa cuối năm có một vài đơn hàng thì bị ép đủ đường nhưng vẫn phải chấp nhận, cố gắng để duy trì nhà máy, duy trì sản xuất.”

Trao đổi thêm về cơ hội hỗ trợ xúc tiến thương mại, Trí Thích lắc đầu: “Nói hay lắm…nhưng ….”. Anh cho biết, anh đã không ít lần lên những cơ quan xúc tiến các loại khác nhau để tìm kiếm thông tin, cơ hội xúc tiến trao đổi xuất khẩu nhưng kết quả là “thân ai người đó tự lo.”. Đáng buồn hơn, anh chia sẻ: “Không ai tiếp, không ai quan tâm và… được biết sự thật là ở trong những nơi đó, rất nhiều người có thể giúp doanh nghiệp nhưng không ai thấy lý do để giúp cả ??!”

Ngành nhựa của anh Trí Thích giảm sâu cũng tương tự như ngành gỗ Việt Nam. Lần đầu tiên trong 25 năm từ khi bắt đầu xuất khẩu đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên mà ngành gỗ không có tăng trưởng. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) đánh giá đây là năm mà xuất khẩu gỗ giảm sâu nhất. Theo dự tính, xuất khẩu gỗ cả năm 2023 đạt khoảng 13,5 tỷ USD, giảm 15,5% so với năm 2022.

Ngành xuất khẩu nào cũng giảm. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trong nghề 43 năm, nhưng 2023 là năm đầu tiên ông cảm thấy khó khăn, thách thức vô cùng lớn với các doanh nghiệp dệt may. Quá nhiều áp lực, về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức… Ngành dệt may dự kiến giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022.

Dù đã có sự tăng tốc những tháng cuối năm, nhưng quy mô xuất khẩu năm nay chưa thực sự phục hồi khi kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước tính chỉ đạt 354,5 tỷ USD, giảm khoảng 4,6% so với năm 2022.

Theo nhiều chuyên gia, sự tăng tốc xuất khẩu của Việt Nam cuối năm 2023 chưa có dấu hiệu bền vững, những đơn hàng gia tăng này là số đơn hàng bổ sung thời vụ, bù vào giảm tồn kho của các đối tác lớn nhất như Mỹ, EU để phục vụ cho dịp lễ Noel, Tết Dương lịch.

anh-man-hinh-2024-02-04-luc-182437-8560.png
Vải thiều là loại hoa quả đặc biệt được ưa thích tại thị trường Nhật Bản, Châu Âu và Châu Mỹ nhưng hiện nay số lượng vải thiều xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn

Điểm sáng trong năm 2023 là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm đạt kỷ lục mới. Ngoài các sản phẩm thực phẩm quen thuộc, kết quả xuất khẩu rau quả, trái cây của Việt Nam sau 11 tháng, xuất khẩu rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay.

XU THẾ TẤT YẾU 2024

Theo TS.Nguyễn Phương Nam, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường nhập khẩu phải được coi là bắt buộc đối với các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu, bên cạnh vai trò của quản lý nhà nước thì sự chủ động phải từ chính các doanh nghiệp.

Hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia vào hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm là cốt lõi. Ông cũng chia sẻ: “Việt Nam có đến 50.000 doanh nghiệp có các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên thì chỉ có khoảng 160 - 200 doanh nghiệp có được những sản phẩm hữu cơ, trong đó, mỗi doanh nghiệp cũng chỉ có một vài sản phẩm là hữu cơ...".

Nói cách khác, nếu sản phẩm không đáp ứng (hoặc được chứng nhận) những tiêu chuẩn xanh như không tàn phá môi trường tự nhiên, nguyên sinh (với sản phẩm cà phê đến hết năm 2024), hoặc không đạt chuẩn khí thải carbon sẽ không được nhập khẩu hoặc phải bị áp thuế, phí bảo vệ môi trường cao. Kết quả là giá thành sẽ bị đẩy lên cao, mất tính cạnh tranh và việc xuất khẩu sẽ không còn ý nghĩa kinh tế.

Bên cạnh đó, vấn đề cũ, vấn đề muôn năm cũ nhức nhối quay lại vì vẫn chưa được giải quyết và quan tâm đúng mức: “Thương hiệu và quảng bá sản phẩm”. Các sản phẩm, đặc biệt nông sản và thực phẩm Việt Nam có mặt rải rác trên thị trường (dù số lượng xuất khẩu rất lớn) nhưng đa số chỉ là xuất xứ sản phẩm Việt Nam, phần lớn gia công, sản xuất đứng dưới tên, thương hiệu của các công ty nhập khẩu và chế biến địa phương.

TẠO LẬP KÊNH XUẤT KHẨU BỀN VỮNG

Theo ông Nguyễn Thành Nam, hai khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp đang hoặc muốn xuất khẩu là nhận thức và khả năng tài chính.

Về nhận thức, điển hình, một trong những điều rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm là “bảo vệ” nhãn hiệu và các quyền sở hữu trí tuệ khác giúp ngăn chặn việc sao chép sản phẩm và giữ cho thương hiệu không bị làm giả mạo. Hầu như những người Việt Nam ở nước ngoài đều biết rằng những chai nước mắm ở siêu thị Châu Á có tên Phú Quốc không phải nước mắm Việt Nam vì mọi nhãn hiệu, thương hiệu liên quan tới Phú Quốc đã được các công ty bên Thái Lan đăng ký từ rất lâu rồi.

Nói đến thương hiệu, nhãn hàng phần nhiều các doanh nghiệp hiểu chỉ là tên, nhãn hàng (logo) nhưng chưa để ý tới tính tổng thể. Để tạo dựng uy tín một sản phẩm bao gồm ngoài những giá trị nội tại của sản phẩm như chất lượng, tính an toàn v.v. còn có chiến lược quảng bá, truyền thông, nguồn cung nguyên liệu, chỉ dẫn đại lý, chứng chỉ v.v và v.v.

Bên cạnh đó, tình trạng nợ và rủi ro tín dụng từ phía các đối tác Châu Âu có thể là một vấn đề, đặc biệt là trong ngữ cảnh của thương mại quốc tế. Đem hàng ra chợ bán thu tiền ngay, còn xuất khẩu là một quá trình phức tạp và lâu dài. Các doanh nghiệp có xu hướng bán hàng tại chỗ và đẩy trách nhiệm cho những công ty xuất nhập khẩu để rồi than phiền là họ vất vả nhưng quyền lợi người khác hưởng.

Rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể gặp khó khăn trong việc có đủ nguồn lực và vốn đầu tư để mở rộng quy mô xuất khẩu.

Nhưng các doanh nghiệp sản xuất quên (hoặc không biết) rằng xúc tiến thương mại cũng cần chi phí, thời gian và phức tạp không kém quá trình sản xuất. Chi phí tham gia hội chợ chỉ vài ngày ở Châu Âu không dưới hàng trăm triệu, bằng số tiền bán hàng tấn cà phê !

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể thiếu chiến lược quảng bá hiệu quả để giới thiệu sản phẩm của mình trên thị trường quốc tế. Sự thiếu hụt này có thể dẫn đến việc ít người biết đến các thương hiệu Việt Nam. Không biết, không thử làm sao dám mua, dám dùng?

Gần như không có chiến lược truyền thông để phản ánh những giá trị đặc biệt và tính năng nổi bật của sản phẩm Việt Nam, cũng như cam kết của doanh nghiệp đối với chất lượng và đổi mới, việc xây dựng và quản lý thương hiệu đôi khi không được ưu tiên đúng mức.

Một số doanh nghiệp có thể không nhận ra tầm quan trọng của việc có một thương hiệu mạnh mẽ khi tham gia thị trường quốc tế. Một số doanh nghiệp khác cảm nhận thấy sự cần thiết có nhãn hàng, thương hiệu nhưng không chấp nhận chi phí (không nhỏ) để xây dựng những “thứ không tên” và “chưa thực tế” đó.

Nguồn cung nguyên liệu, sản phẩm là vấn đề tiếp theo. Đây cũng là chuyện “Khổ lắm, biết rồi, nói mãi…” Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định và đáng tin cậy để đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là khi cần đảm bảo chất lượng và số lượng lớn. Một quốc gia Châu Phi cần mua cho quỹ dự trữ một số lượng gạo không nhỏ cho đến tháng 4 năm 2024, nhưng phía các đối tác Việt Nam không ai dám vào cuộc vì sợ “không gom đủ” khối lượng với giá ổn định.

ĐỐI MẶT VỚI CẠNH TRANH KHỐC LIỆT

Quy định chống phá rừng Châu Âu (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định này, các doanh nghiệp sẽ phải chứng minh nguồn gốc “sạch” (không gây mất rừng) của 7 mặt hàng, gồm: gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, cao su và gỗ, cùng các sản phẩm được làm từ 7 nguyên liệu chính nêu trên như: thịt bò, đồ nội thất, giày da, chocolate. Các doanh nghiệp sẽ có thời gian 24 tháng (đến cuối năm 2024) chuẩn bị để đáp ứng quy định này.

Đặc biệt cuối năm 2024, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam sẽ đối mặt khốc liệt với chính sách hạn chế tàn phá rừng nguyên sinh của EU. Nhưng hiện nay chúng ta chưa thấy nhiều cơ quan và doanh nghiệp quan tâm cả trong khi các nhà nhập khẩu EU bắt đầu rục rịch hạn chế nhập khẩu từ các nông trại nhỏ của Châu Phi để chuẩn bị phù hợp với chính sách này. Và họ cũng sẽ phải làm như vậy với những nhà cung cấp từ các nước khác.

Thách thức thường trực lớn nhất là thế giới không chỉ có Việt Nam. Châu Âu là một trong những thị trường quốc tế cạnh tranh nhất. Hàng nghìn công ty đang cạnh tranh để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, vì vậy, làm sao nổi bật, được chú ý và tạo ra ưu thế cạnh tranh là một công việc không dễ.

Rào cản tiếp theo với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi xuất khẩu là quy trình xuất khẩu đôi khi rất phức tạp, bao gồm thủ tục hải quan, kiểm tra chất lượng, và các vấn đề liên quan đến xuất khẩu đặc biệt là sau khi Hiệp định Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.

Chưa hết, giao tiếp hiệu quả và hiểu biết văn hóa là quan trọng để xây dựng mối quan hệ kinh doanh.

anh-man-hinh-2024-02-04-luc-182455-9471.png

Sự khác biệt ngôn ngữ và văn hóa có thể tạo ra thách thức trong việc tiếp cận và duy trì quan hệ với đối tác Châu Âu. Hy Lạp là quê hương của hải sản và có rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Ẩm thực Hy Lạp được đánh giá là những nền ẩm thực có tiếng nhất nhưng hầu như tất cả khách Việt Nam (và rất nhiều khách Châu Á khác) luôn thấy thiếu và tìm kiếm gì đó khi ăn: Tương ớt.

Sau một lần được thử tương ớt Việt Nam, chính đầu bếp của một nhà hàng truyền thống Hy Lạp cũng công nhận: Khác, mới và hấp dẫn hơn so với thói quen dùng hạt tiêu xay vắt chanh vàng. Hiểu biết và quảng bá văn hóa là chìa khóa mở cửa cho việc xúc tiến thương mại.

Công ty Healthy Way (Gia An Phát) đã đầu tư vào mẫu mã sản phẩm phù hợp với từng vùng xuất khẩu khác nhau và đã gây ấn tượng tốt với khách hàng tại Châu Âu. Tuy nhiên, chi phí tiếp cận văn hóa cũng đã gây ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh các sản phẩm của công ty, đặc biệt về giá cả trong hoàn cảnh các nhà nhập khẩu đơn lẻ tìm mọi biện pháp để chiều khách hàng.

Các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì các đối tác kinh doanh đáng tin cậy và có uy tín tại Châu Âu. Phần lớn do rào cản tài chính hoặc visa, các doanh nghiệp Việt Nam ít có cơ hội chủ động tìm kiếm các đối tác và thường bị động khi được các đối tác mua hàng tìm tới.

Đó cũng là bắt nguồn của nhiều vụ “lừa đảo” thương mại đã xảy ra. Ngay quá trình thẩm định đối tác cũng gần như rất khó thực hiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Việc các doanh nghiệp “Tự thân mà lo…” cũng là những cản trở, khó khăn lớn để đảm bảo quy trình xuất khẩu diễn ra mượt mà.

Xem thêm

15 chuyên gia mách nước giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh

15 chuyên gia mách nước giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Sử dụng năng lượng hợp lý kết hợp xanh hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh được cho là giải pháp để doanh nghiệp góp phần khắc phục vấn đề thiếu hụt năng lượng trước mắt, hướng tới tương lai phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm phân tích các động lực tăng trưởng trong năm 2025

Cơ sở để hiện thực hóa mục tiêu GDP 8%

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là nhiệm vụ rất quan trọng không chỉ Việt Nam thực hiện mà rất nhiều nước trên thế giới cũng triển khai...

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư 22.000 tỷ đồng "đặt cược" lớn vào MIG: Kỳ vọng tăng trưởng thị trường bảo hiểm

Quỹ đầu tư Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản quản lý lên đến 815 triệu EUR (khoảng 22.000 tỷ đồng), vừa thông báo kế hoạch mua thêm gần 2,6 triệu cổ phiếu MIG của Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC).