Chuyên gia lý giải về nghịch lý thiếu điện dù được cảnh báo trước 2 năm

Việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nhưng cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển....
thiếu điện
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Đó là nhận xét của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương tại tọa đàm "Giải quyết bài toán thiếu điện: Cách nào?".

Cung ứng điện khó khăn, nguy cơ thiếu điện vẫn cao

Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO), Nguyễn Quốc Trung cho biết, từ tháng 4 đến nay, việc cấp điện gặp nhiều khó khăn, sản lượng điện toàn hệ thống có sự thay đổi rất mạnh, tăng phụ tải lên tới hơn 453 triệu kWh, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nắng nóng sẽ đạt đến cực hạn. Khoảng đầu tháng 7 hàng năm, tần suất lũ về cao, nước về thượng nguồn sông Đà nhiều hơn nên nếu không có gì thay đổi, căng thẳng cấp điện tại miền Bắc mùa hè năm nay sẽ được giải tỏa.

thiếu điện
Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (AO), ông Nguyễn Quốc Trung

Nhưng, ông Trung còn cho hay, hiện tượng El Nino tái diễn vào năm nay, cộng với năm nay là năm nhuận, mùa khô sẽ có thêm 1 tháng, điều này khiến áp lực cấp điện gia tăng. Vì vậy đến tháng 8 cấp điện được giải tỏa khi qua giai đoạn mùa khô và các nhà máy điện được vận hành ổn định.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc cung ứng điện, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, miền Bắc tăng trưởng nhanh điện thương phẩm, nhanh hơn cả miền Trung và miền Nam, trung bình đạt 9,9%. 

Vừa qua, miền Bắc có một số dự án điện công suất lớn được đưa vào vận hành là nhà máy nhiệt điện Hải Dương và Nghi Sơn 2 với công suất lần lượt là 1.300MW và 1.200MW, bên cạnh đó còn nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với công suất 1.200MW. Tuy nhiên, do mới đưa vào vận hành nên Nhiệt điện Thái Bình 2 chỉ vận hành 600MW. Hơn nữa, từ năm 2016 đến nay, miền Bắc chưa có thêm dự án nguồn điện nào khởi công.

thiếu điện
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)

Bình thường các nhà máy nhiệt điện vận hành 6.000 giờ/năm phải nghỉ để bảo dưỡng, sửa chữa nhưng đợt vừa rồi do huy động cao nên xác suất sự cố tăng, thời gian bị hỏng kéo dài. EVN cố gắng tăng cường nguồn than cho nhà máy nhiệt điện để đảm bảo khả năng cung ứng điện.

Ông Lâm cho biết thêm, bởi vì các dự án thủy điện chậm tiến độ từ 2016 đến 2020 nên thời điểm hiện tại, miền Bắc đang bị hụt 5.600MW thủy điện. EVN đang có đề xuất với Bộ Công Thương về việc mở rộng các nhà máy thủy điện sẵn có để bổ sung, đảm bảo một phần công suất thiếu hụt và đây sẽ là nguồn bổ sung rất ổn định.

Ngoài ra, EVN cũng đã tính đến việc nhập khẩu điện song nguồn này cũng khó khăn do Trung Quốc cũng đang cắt giảm điện. Tổng lượng điện nhập khẩu rất bé, gần như không đáng kể trong tổng sản lượng miền Bắc.

Huy động điện kiểu "giật gấu vá vai"

Nói về tình trạng thiếu điện hiện nay, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, cho hay, tình trạng thiếu điện đã được cảnh báo cách đây 2 năm và được nhắc nhiều hơn từ năm 2022, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc. Các tính toán đều nói rủi ro lớn trong cung ứng điện cho miền Bắc trong năm 2023-2024. Nguyên nhân là do miền Bắc gần như không có nguồn mới nào cả. Ngay nhiệt điện Thái Bình 2 xây dựng gần 10 năm mới được hòa lưới thành công, thủy điện thì trong 3,4 năm qua đã đều xây dựng hết.

thiếu điện
Chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn

Để giải tỏa tình trạng thiếu điện hiện nay, hơn 200 nhà máy thủy điện nhỏ ở khu vực miền Bắc phải vận hành vào đúng lúc khách hàng cần để hạn chế tối thiểu việc tiết giảm. Việc này làm lợi cho miền Bắc hơn 1.000MW.

Cùng chung quan điểm với ông Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung phân tích, miền Bắc với tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng theo nhu cầu về điện trong khi không có nguồn nào được bổ sung. 

Ông Cung cho rằng, khi không có nguồn điện dự phòng, thời điểm này chúng ta buộc phải huy động theo kiểu "giật gấu vá vai", trong khi truyền tải điện dư thừa ở miền Trung và miền Nam ra gặp nhiều khó khăn. 

Trên thực tế, miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước, ngưỡng 9,3% một năm trong giai đoạn 2016-2020, tương ứng gần 6.000MW. Nhưng theo chuyên gia này, tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600MW giai đoạn này, tức khoảng 4,7% một năm. Ngược lại, ở miền Trung và miền Nam tăng trưởng nguồn điện cao hơn nhiều so với tăng trưởng nhu cầu. Chính vậy mà, việc truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc đang nhận được nhiều kỳ vọng.

Bàn luận tới khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết thêm, lưới truyền tải Bắc-Nam đã có 2 đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, và đã xây dựng mạch 3 từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi vào phía Nam. Trong 27 tỉnh miền Bắc, Hà Tĩnh hưởng lợi đường dây này nên tình hình cung ứng điện tốt hơn.

Ngoài ra ông Lâm cũng nói, tổng sơ đồ điện 8 đã đặt ra kế hoạch làm đường dây 500kV mạch 3 từ Hà Tĩnh trở ra miền Bắc kết nối đến Hưng Yên để khép kín mạch vòng này, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030. Đây là vấn đề cấp thiết nên EVN đang giao Tổng công ty truyền tải điện quốc gia báo cáo bộ ngành thực hiện ngay dự án này. Nếu dốc sức làm thì có thể có thêm 1.000-1.500MW kết nối mạch vòng đưa điện từ Nam ra Bắc.

Thiếu điện, chỉ nhìn vào EVN là không đúng

Để giải bài toán thiếu điện, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng trước tiên phải biết nguyên nhân của thiếu điện là gì, ông cũng khẳng định tình trạng thiếu điện hiện nay là do hạn hán, nắng nóng, đây là yếu tố con người không thể quyết định.

thiếu điện
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung

Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương cũng cho rằng, việc thiếu điện hiện nay có tính hệ thống, thiếu điện đã được cảnh báo nhưng lại không có hành động rõ ràng. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt từ các cấp cao nhất câu chuyện sẽ rất khó giải quyết. Bên cạnh việc thiếu điện, cần có cơ chế để nhà đầu tư nhìn thấy thiếu điện là cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển thay vì nhìn nó như một nút thắt, kìm hãm sự phát triển.

Nói thêm về câu chuyện cơ chế, ông Hà Đăng Sơn cũng cho biết, Việt Nam đang trong một giai đoạn rất khó khăn để lựa chọn trong những năm tới sẽ chọn phương án nào để đầu tư và phân bổ nguồn điện ở các vùng.

"Việt Nam đang phải làm một quy hoạch điện quá xa nên không sát với thực tế. Theo quy định của Luật Quy hoạch phải sau 10 năm mới có sự điều chỉnh. Nếu theo Luật Quy hoạch, chỉ có 4 điều được quy định liên quan đến quy hoạch điện và không có bất kỳ hướng dẫn nào đi kèm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hướng dẫn các bộ liên quan đến việc triển khai các quy định về quy hoạch với ngành điện. Tôi chưa nhìn thấy vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở đâu", ông Sơn nói.

Một giải pháp chống thiếu điện, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, phải hành động để thị trường vận hành, không thể can thiệp bằng mệnh lệnh. Như vậy mới giải quyết được vấn đề. Với thiếu điện hiện tại, cần tập trung giải quyết. Như các nhà máy nào đang triển khai xây dựng, đầu tư, phải cấp tập hoàn thành càng sớm càng tốt.

Ông Cung cũng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất trong giải bài toán thiếu điện chính là nếu tiếp tục để EVN lỗ như hiện nay, duy trì mức giá bán điện thấp hơn giá mua thì ngân sách phải bù lỗ. Nếu không nhìn đúng bản chất, không sòng phẳng thì sẽ không giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, mọi quyết định lúc này vượt xa thẩm quyền và trách nhiệm của EVN.

Cũng bàn luận về vấn đề tài chính của EVN, chuyên gia Hà Đăng Sơn cho rằng, nếu như tình trạng quá tải điện còn tiếp diễn, câu chuyện lúc này chính là năng lực tài chính của EVN phải ứng phó tình huống này ra sao, theo ông, tình trạng khẩn cấp này cần có sự can thiệp lớn nhất của Chính phủ, Quốc hội. 

Có thể bạn quan tâm