Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị loạt cổ phiếu dầu khí tiềm năng, dự báo giá dầu tiếp tục leo thang

Những cổ phiếu như PVD, PVS có sự phát triển tốt trong trung hạn. Thời gian tới, kết quả kinh doanh quý 4/2023 và quý 1/2024 của những doanh nghiệp này sẽ tạo ra những con số ấn tượng. Nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu như vậy, thì mức độ đầu tư trung và dài hạn an toàn hơn...

dầu khí.jpeg
Chuyên gia Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị loạt cổ phiếu dầu khí tiềm năng, dự báo giá dầu tiếp tục leo thang

Dầu khí là một trong những nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường, với nhiều “ông lớn sừng sỏ” như BSR, PVD , PVS, GAS, PLX... Cùng với sự khởi sắc của kết quả kinh doanh và bối cảnh thị trường chứng khoán thuận lợi trong những tháng đầu năm 2023, cổ phiếu trong ngành đã có nhịp tăng khả quan, đạt đỉnh trong tháng 8 và tháng 9.

Tuy nhiên, khi thị trường đảo chiều, VN-Index liên tục đánh rơi các mốc 1.200 điểm và 1.100 trong tháng 9 và tháng 10, nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận đảo chiều. Sang đến tháng 11, đồng qua với diễn biến chung của thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu này đã quay đầu hồi phục.

Song, với tính chất "thất thường" của giá dầu, rất nhiều nhà đầu tư băn khoăn có nên "xuống tay" đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành này hay không? Đâu là những mã cổ phiếu "sáng" triển vọng trong thời gian tới?...

GIÁ DẦU TIẾP TỤC TĂNG TRONG KHOẢNG 70-90 USD/THÙNG

Mới đây, Thương gia đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty Cổ Phần ViCK về diễn biến giá dầu trong thời gian tới. Ông Điệp cho rằng, sự biến động của giá dầu phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố. Trước hết là nội tại của nền kinh tế. Do sự phục hồi của nền kinh tế có thể thúc đẩy cao hơn nhu cầu về dầu, kéo theo là sự biến động về giá.

nguyễn hồng điệp .jpeg
Ông Nguyễn Hồng Điệp, CEO tại Công ty Cổ Phần ViCK

Bên cạnh đó, dầu là một loại hàng hoá được rất nhiều nhà đầu tư, cũng như giới đầu cơ quan tâm. Cho nên, giá dầu cũng gắn liền với một vài yếu tố mang tính ngắn hạn do vấn đề cung, cầu. Đồng thời, những điểm nóng từ các cuộc xung đột liên quan đến chính trị luôn luôn kéo theo biến động về giá dầu.

Ông Điệp dự báo: “Thời gian tới, giá dầu có lẽ tiếp tục dao động trong khoảng 70-90 USD/thùng. Đây là một mức độ dao động rất phù hợp, vì mức giá này không quá cao để đẩy áp lực lạm phát lên cao, gây khó khăn cho tất cả những chính sách. Nhưng nó cũng không quá thấp để phản ánh nhu cầu dầu yếu, thể hiện sự hấp thụ của nền kinh tế yếu kém”.

Vị CEO của công ty ViCK cũng chia sẻ thêm, cứ mỗi khi giá dầu tăng lên ở vùng 90 USD/thùng thì nhiều quốc gia sẽ ban hành hàng loạt chính sách can thiệp. Điển hình như Mỹ có thể cung lượng hàng dầu dự trữ, làm cho giá dầu hạ nhiệt. Ngược lại, nếu giá dầu giảm xuống dưới mức 70 USD/thùng thì các nước trong khối Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ cắt giảm sản lượng.

Được biết, cuối tháng 11 tới đây, một cuộc họp quan trọng của OPEC sẽ diễn ra. Trong khi đó, nhóm OPEC+ đã bắt đầu có những động thái khơi mào cho việc cắt giảm sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày. Hiện nay, mức độ cắt giảm sản lượng của khối OPEC+ đang vào khoảng 5 triệu thùng/ngày.

Vị chuyên gia này cũng dự báo: “Theo quan điểm cá nhân tôi, giá dầu trong thời gian tới đang được hỗ trợ bởi khối OPEC+ và khả năng cao là sẽ tăng. Khi giá dầu tăng thì áp lực lên các chỉ số lạm phát sẽ có. Nhưng hiện nay chúng ta nhận thấy rằng, vấn đề lạm phát của Mỹ bắt đầu hạ nhiệt, cho nên việc giá dầu cao chưa ảnh hưởng lớn lắm”.

GIÁ DẦU GIẢM LÀ CƠ HỘI ĐỂ NHÀ ĐẦU TƯ MUA VÀO, KHÔNG NÊN HOẢNG SỢ BÁN RA

Đánh giá về triển vọng của nhóm ngành dầu khí trong thời gian tới, ông Điệp cho rằng, tại thị trường Việt Nam, ngành dầu khí được chia ra thành nhiều nhóm khác nhau.

Nhóm đầu tiên là những doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp bởi biến động của giá dầu. Tức là khi giá dầu có thay đổi thì lợi nhuận của những doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng ngay, cho nên tiềm năng của nhóm này không nhiều, điển hình như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR).

Nhóm thứ hai là những doanh nghiệp tác động bởi giá dầu nhưng mức độ ảnh hưởng diễn ra rất lâu. Về mặt bản chất, giá dầu tăng hay giảm sẽ ngấm vào những thay đổi nội tại của doanh nghiệp khá lâu và mất nhiều thời gian hơn, bao gồm Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS)...

Nhìn vào kết quả kinh doanh mới công bố, những doanh nghiệp trên đã chuyển từ lỗ của năm ngoái trở thành lãi năm nay, và mức độ lãi càng ngày càng lớn. Ngoài ra, mức độ sử dụng tài chính của những doanh nghiệp này rất mạnh. Tiêu biểu như PVS là doanh nghiệp có lượng dư tiền mặt cao.

Trong hoàn cảnh khủng hoảng toàn cầu như hiện nay thì việc có lượng dư tiền mặt lớn đồng nghĩa với khả năng phát triển kinh doanh rất dễ dàng. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, đây là nhóm ngành có tiềm năng tăng trưởng và cổ phiếu vẫn còn hấp dẫn.

Nhóm thứ ba là những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi những chính sách liên quan đến giá dầu. Việc áp giá đầu vào sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến biên lợi nhuận của các doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, nhóm này lại được hưởng lợi từ những dự án như điện khí, khi mà triển khai dự án lớn này thì nhóm được hưởng lợi trực tiếp cả về doanh thu, công việc, lợi nhuận. Tiêu biểu như Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), các công ty phân bón (DPM, DCM)…

Khái quát lại, ông Nguyễn Hồng Điệp vẫn đánh giá, nhóm ngành dầu khí là nhóm ngành có nền tảng phát triển và tiềm năng tốt nhất trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhóm ngành dầu khí lại không được sự chú ý của giới đầu tư, bởi giá dầu có mức độ biến động rất khó lường, nên họ rất e ngại xuống tiền.

Do đó, ông Nguyễn Hồng Điệp khuyến nghị, nhà đầu tư nên phân tích kỹ hơn nhóm cổ phiếu nào của ngành dầu khí sẽ bị ảnh hưởng tức thì bởi biến động giá dầu, và cổ phiếu nào về mặt trung và dài hạn vẫn sẽ hưởng lợi.

“Tôi nghĩ rằng những cổ phiếu hàng đầu như PVD, PVS có sự phát triển tốt trong trung hạn. Tôi tin rằng thời gian tới, kết quả kinh doanh quý 4/2023 và quý 1/2024 của những doanh nghiệp này sẽ tạo ra những con số ấn tượng. Vì lẽ đó, nhà đầu tư nên chọn những cổ phiếu như vậy, thì mức độ đầu tư trung và dài hạn an toàn hơn là những cổ phiếu bị tác động trong ngắn hạn”.

Trong ngắn hạn, ông Điệp đưa ra quan điểm, biên tăng giảm của giá dầu sẽ không quá lớn, chỉ chạy trong mức 70 - 90 USD/thùng. Theo đó, nếu như giá giảm thì đó là cơ hội để nhà đầu tư mua vào và không nên hoảng sợ bán ra. Đồng thời, vị CEO của Công ty Cổ phần ViCK khuyến nghị, nhà đầu tư hãy phân bổ hợp lý, trong danh mục luôn phải có tỷ trọng cho nhóm ngành dầu khí.

NHỮNG GAM MÀU TƯƠI SÁNG NGÀNH DẦU KHÍ

Theo thống kê từ báo cáo tài chính quý 3/2023 của hơn 30 doanh nghiệp dầu khí, có thể nhận thấy rõ, nhóm ngành này đã ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối “tươi sáng”.

Đóng góp nhiều nhất cho sự khởi sắc của ngành là Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR). Trong quý 3, doanh nghiệp đạt gần 37.756 tỷ đồng doanh, giảm 5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn giảm tới 13%, ghi nhận gần 34 ngàn tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp tăng gấp 5,8 lần.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng tăng lên 420 tỷ đồng, tăng 22%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế lãi hơn 3.235 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lãi 455 tỷ đồng.

Theo đó, lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu đạt 105.490 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.939 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.186 tỷ đồng, giảm lần lượt 49% và 52% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, "ông lớn" kinh doanh xăng dầu Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã chứng khoán: PLX) đạt 72.414 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 3/2023. Lợi nhuận sau thuế đạt 729 tỷ, gấp 3,8 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần Petrolimex giảm 9% xuống 205.596 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cao gấp 4,6 lần cùng kỳ năm 2022 lên 2.288 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán: PVD) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.381 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, ghi nhận gần 296 tỷ đồng tương ứng tăng 153% so với quý 3/2022. Biên lãi gộp cũng gia tăng từ 9% lên 21% trong quý này.

Trong quý này, doanh thu tài chính của công ty tăng mạnh do lãi tiền gửi, tiền cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá tăng, đạt 43 tỷ đồng. Ngoài ra các chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng nhẹ tuy nhiên doanh nghiệp còn có khoản thu nhập khác lên đến hơn 79 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chưa đến 4 triệu đồng. Do đó, doanh nghiệp lãi ròng 133 tỷ đồng trong quý 3, trong khi cùng kỳ lỗ 52 tỷ đồng.

Theo đó, lũy kế 9 tháng năm 2023, doanh thu của PV Drilling đạt 4.033 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh lên mức 432 tỷ đồng, khả quan hơn nhiều so với số lỗ 169 tỷ trong 9 tháng đầu năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 344 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 202 tỷ đồng, mức lãi ròng nhận về là 381 tỷ đồng.

Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTVS, mã chứng khoán: PVS) doanh thu thuần quý 3/2023 đạt 4.175,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi sau thuế hợp nhất 143,6 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2023, PVS mang về 12.591 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, công ty lãi sau thuế 606,2 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Sắc tím bao phủ nhóm đầu tư công

Sắc tím bao phủ nhóm đầu tư công

Nhóm cổ phiếu đầu tư công đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/12, trong đó nhiều mã trần như SMC, FCM, HVX, HHV, TV2, FCN, NO1, KSV, PLC, MTA, HBC, KCB...

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

“Ông già Noel” mang sắc xanh tới Phố Wall

Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều kết thúc phiên thứ Ba trong sắc xanh, với đà tăng trưởng của các cổ phiếu công nghệ lớn là động lực chính trong phiên giao dịch rút ngắn dịp Giáng sinh…

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ

Việc xuất hiện lực cầu gia tăng khi chỉ số quay về vùng 1.250-1.260 điểm cho thấy đây là mốc hỗ trợ đáng tin cậy của thị trường trong ngắn hạn. Chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy và hồi phục nhẹ với kháng cự gần nhất là vùng 1.280 điểm...

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

2025 sẽ đầy thử thách với kinh tế và chứng trường Việt Nam

Nửa đầu năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự báo sẽ đối mặt với nhiều biến động do tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND chịu áp lực. Tuy nhiên, triển vọng tích cực hơn được kỳ vọng vào cuối năm khi các yếu tố này có thể đảo chiều, mở ra cơ hội phục hồi...