Cổ phiếu dầu khí “rủ nhau” áp sát đỉnh lịch sử

Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng nóng với nhiều mã lập đỉnh lịch sử khi giá dầu thô lên mức cao nhất từ đầu năm. Siêu dự án Lô B-Ô Môn được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tác động mạnh đến ngành dầu khí…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/9, giá xăng dầu tiếp tục đà tăng. Giá dầu Brent tăng 7 cent, tương đương 0,07%, lên mức 94 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu WTI của Mỹ tăng 15 cent, tương đương 0,17%, lên mức 90,92 USD/thùng. Điều này đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến cổ phiếu dòng dầu khí ở thị trường chứng khoán trong nước.

CỔ PHIẾU “NÓNG” CÙNG GIÁ DẦU

Nhận được tín hiệu tích cực từ giá dầu thế giới, các cổ phiếu của nhóm này đồng loạt tăng mạnh trong vài tuần gần đây với nhiều mã lên đỉnh lịch sử trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm.

Cụ thể, cổ phiếu PVS của Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) đã leo lên mức 39.700 đồng/cổ phiếu, mức giá cao lịch sử mới. Thời gian qua, PVS cũng là cổ phiếu “khỏe” nhất nhóm dầu khí với mức tăng vượt trội gần 25% sau chưa đầy một tháng.

Cùng diễn biến, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng nhẹ lên 40.300 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ đầu năm. Cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu cũng vươn lên mức 27.350 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong năm 2023 và chỉ còn thấp hơn chút ít so với giá kỷ lục (30.260 đồng/cổ phiếu ghi nhận trong phiên 9/3/2022).

Tương tự, cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí gần đây cũng tăng mạnh, đã chạm đến mức 26.400 đồng/cổ phiếu. Kể từ cuối tháng 8, cổ phiếu này đã tăng khoảng 21%. PVT còn hưởng lợi từ việc lãi suất giảm và giá cước vận tải biển liên tục tăng cao cũng như hoạt động mở rộng đội tàu.

Hay cổ phiếu BSR của Công ty Cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn tăng mạnh trong vài tuần gần đây và lên vùng đỉnh trong một năm, ở mức hơn 22.500 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi so với hồi cuối năm 2022...

Ảnh chụp Màn hình 2023-09-18 lúc 23.41.13.png
Cổ phiếu nhóm dầu khí đồng loạt tăng nóng

Theo đánh giá của giới phân tích, sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí có ảnh hưởng một phần từ hiệu ứng giá dầu thế giới, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Cụ thể, cuộc xung đột Nga – Ukraine dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dầu khí toàn cầu và an ninh năng lượng. Thêm vào đó, những động thái cắt giảm nguồn cung đến từ hai trong những nước có nguồn dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia và Nga, đang giúp cho giá dầu có động lực trở lại đỉnh trung hạn, xa hơn còn có thể lên cao hơn nữa.

Theo nhận định của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), thị trường dầu mỏ sẽ gặp khó khăn hơn về nguồn cung so với dự báo trước đó. Ngoài ra, hoạt động kinh tế của Trung Quốc đang phục hồi và phát triển tốt, báo hiệu sự mở rộng nhu cầu dầu toàn cầu. Mặt khác, sự trượt giá của đồng USD giữa tuần qua cũng là một yếu tố tác động đến sự tăng của giá dầu.

Đáng chú ý, Libya, một thành viên của OPEC, đã phải đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông đất nước do một cơn bão mạnh. Không những vậy, Kazakhstan, thành viên của OPEC và các đối tác (OPEC+) thông báo cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì hệ thống nên ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường dầu mỏ thế giới.

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng Bank of America (Mỹ) cho rằng, việc tiếp tục cắt giảm nguồn cung của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh (OPEC+) có thể đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng vào cuối năm nay.

So sánh giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

So sánh giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Nhìn lại lịch sử, thời điểm giá dầu thế giới được neo cao ở vùng 80 - 110 USD/thùng khoảng từ 2012 - 2014, các cổ phiếu của nhóm dầu khí đều có 1 nhịp tăng rất mạnh từ 3 - 4 lần. Gần hơn, thời điểm giá dầu thế giới hồi phục khi bùng nổ đại dịch Covid-19 đến 130 USD/thùng khoảng thời gian 2020 - 2022, tốc độ tăng trưởng của cổ phiếu nhóm này cũng chóng mặt. Các cổ phiếu top đầu như GAS tăng 2 lần, PVS, PVD gần 5 lần, mạnh hơn nữa có PVC với mức tăng 8 lần.

Các chuyên gia nhận xét, những thông tin tích cực về giá dầu sẽ giúp nhóm cổ phiếu dầu khí “bay cao” do sóng cổ phiếu dầu khí tại Việt Nam hiện nay phụ thuộc khá nhiều vào giá dầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, nếu chỉ đầu tư theo giá dầu thì sóng ngắn và khó bền, thậm chí còn khiến nhà đầu tư từ lãi thành lỗ nhanh chóng, bởi sự khó đoán của giá dầu là rủi ro lớn nhất có thể làm thay đổi triển vọng ngành nhanh hơn kỳ vọng.

Do đó, việc đầu tư cổ phiếu dầu khí không đơn thuần là “soi” giá dầu trong ngắn hạn, mà cần đánh giá, cân nhắc các triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn, cũng như những yếu tố có thể tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

“CÚ HUÝCH” TỪ SIÊU DỰ ÁN LÔ B - Ô MÔN

lô b.jpg
Nhiều chuyên gia cho rằng, dự án Lô B - Ô Môn đã tác động đến đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí

Không chỉ hưởng lợi từ giá dầu thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp nhóm ngành dầu khí được đánh giá hưởng lợi với khối lượng công việc khổng lồ từ siêu dự án Lô B - Ô Môn. Bộ phận phân tích chiến lược tại Chứng khoán Yuanta đã xác định 6 mã cổ phiếu trong ngành dầu khí sẽ hưởng lợi hàng đầu từ dự án khí Lô B - Ô Môn, bao gồm: PVS, PVD, PVB, PVC, PXS và GAS.

Theo Yuanta, Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ dự án Lô B - Ô Môn. Lĩnh vực cơ khí và xây lắp của công ty này sẽ nhận được một lượng công việc đáng kể từ dự án, trong giai đoạn ban đầu có thể đạt hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra, việc cung cấp tàu chở và xuất khẩu dầu thô cho dự án Lô B cũng có tiềm năng lớn.

Về phía các chuyên gia của Chứng khoán KIS cho rằng chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn với mức đầu tư 10 tỷ USD dự kiến có thể được cấp giấy quyết định đầu tư (FID) vào năm 2023. Theo KIS, với vai trò là nhà đầu tư chính cho đường ống dẫn khí của dự án (51% tổng vốn đầu tư), GAS sẽ là đơn vị được hưởng lợi chính nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và thu cước vận chuyển khí.

Thêm nữa, các doanh nghiệp đầu ngành có nhiều cơ hội tham gia và hưởng lợi hơn từ dự án, bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn như PVS và PVD. Việc thi công hơn 700 giếng khai thác tại dự án Lô B - Ô Môn có thể mang lại nhiều lợi ích cho các đơn vị cung cấp dịch vụ khoan trong những năm tới.

Tuy nhiên, đội ngũ phân tích của VNDirect cũng đưa ra cảnh báo những rủi ro trong ngành dầu khí như việc triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí có thể bị chậm trễ, đặc biệt là đối với các dự án lớn như Lô B - Ô Môn, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khối lượng công việc tiềm năng cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn cũng như nguồn cung dầu khí trong nước trong dài hạn.

Theo ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích ngành của Chứng khoán VPBank, giá cổ phiếu của ngành dầu khí hiện đang được định giá thấp hơn so với VN-Index, cả về chỉ số P/E và chỉ số P/B. Một số cổ phiếu như PVD, PVC, OIL và PVG có chỉ số PE cao do các nhà đầu tư kỳ vọng vào sự phục hồi của doanh thu và lợi nhuận doanh nghiệp sau một giai đoạn thấp điểm.

Trong khi đó, các cổ phiếu có chỉ số P/B cao như GAS và PGD vượt trội so với trung bình của VN-Index và VN30, do có dòng doanh thu và lợi nhuận tương đối ổn định và biến động phù hợp với giá dầu và giá khí tự nhiên.

Đây sẽ là những tín hiệu hết sức tích cực dành cho nhóm cổ phiếu dầu khí và thời điểm cuối năm giá dầu thường có những biến chuyển tích cực nên dự kiến sắp tới đây sẽ có một làn sóng tăng điểm mạnh mẽ dành cho nhóm này.

Có thể bạn quan tâm