Chuyển giá ở Việt Nam (Bài cuối): Bài học kinh nghiệm từ Mỹ, Pháp và những hướng dẫn của OECD

Từ thực tiễn những kinh nghiệm chống chuyển giá của Mỹ, Pháp và những hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng những quy định luật pháp về chống chuyển giá.
Chuyển giá ở Việt Nam (Bài cuối): Bài học kinh nghiệm từ Mỹ, Pháp và những hướng dẫn của OECD

Mỹ, Pháp chống chuyển giá như thế nào?

Tại Mỹ, các quy định về giá chuyển giao đã trở thành một phần trong luật thuế kể từ thời Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Mỹ rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát chuyển giá của các công ty đa quốc gia.

Theo đó, đất nước này quan tâm đến khung pháp lý điều chỉnh định giá chuyển nhượng trong nội bộ tập đoàn, theo đó hướng dẫn các phương pháp định giá chuyển nhượng căn bản dựa trên phương pháp lợi nhuận. Phương pháp này xem xét giới hạn lợi nhuận ròng trong mối quan hệ với các chỉ tiêu: Giá, phí, doanh số bán hàng, lợi nhuận mà đối tượng nộp thuế thực hiện từ hoạt động chuyển giao kiểm soát được.

Đi đôi với việc xây dựng khuôn khổ pháp lý, Mỹ cũng đã xác định rõ đối tượng áp dụng điều chỉnh chuyển giá là các công ty liên kết tham gia kinh doanh quốc tế. Tác dụng của việc xác định đối tượng là nhằm giới hạn phân vùng các doanh nghiệp trong quá trình xem xét điều tra và đồng thời được coi là biện pháp để chống lại hình thức chuyển giá với mục đích giảm nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh đó, đất nước này sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp điều chỉnh giá chuyển nhượng. Những phương pháp mà Mỹ thường sử dụng là: Phương pháp so sánh giá thị trường tự do; Phương pháp dựa vào giá bán ra; Phương pháp cộng chi phí vào giá vốn phương pháp phân chia lợi nhuận; Phương pháp so sánh lợi nhuận.

Song song đó, Mỹ cũng ban hành các quy tắc điều chỉnh hoạt động nghiệp vụ của các bên liên kết. Theo đó, các quy tắc này đòi hỏi công ty phải xuất trình các tài liệu minh chứng cần thiết để xác định kết quả các nghiệp vụ chuyển giao giữa các công ty liên kết.

Ở Mỹ rất coi trọng các biện pháp xử lý khi có bằng chứng vi phạm. Khi cơ quan thuế chứng minh được có sự vi phạm trong việc định giá chuyển giao nhằm trốn thuế thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh lại thu nhập của đối tượng nộp thuế và áp dụng mức phạt từ 20-40% số thuế khai thiếu bị phát hiện do gian lận qua định giá chuyển giao. Công tác thanh tra chuyển giá cũng được thực hiện trong 5 nhóm ngành chính là: Thông tin liên lạc, công nghệ và truyền thông, nhóm ngành bán lẻ, thực phẩm, dược và nhóm ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe.

Cũng như Mỹ, ở Pháp việc điều chỉnh định giá chuyển giao của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đều được quy định trong Bộ Luật thuế của Pháp. Trong Bộ Luật thuế có quy định: Trường hợp hai doanh nghiệp phụ thuộc một nằm trên lãnh thổ Pháp một nằm trên lãnh thổ ngoài nước Pháp thỏa thuận lợi ích gây thiệt hại cho quốc gia thông qua lợi dụng định giá chuyển nhượng thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh tất cả giá chuyển nhượng bất thường giữa các công ty cùng một tập đoàn.

Các phương pháp áp dụng định giá chuyển giao ở Pháp dựa trên nguyên tắc giá thị trường khách quan hoặc giá giao dịch giữa các doanh nghiệp không liên kết. Cụ thể là phương pháp so sánh giá thị trường tự do; Phương pháp dựa vào giá bán ra; Phương pháp cộng chi phí vào giá vốn; Phương pháp phân chia lợi nhuận.

So với Mỹ việc áp dụng các phương pháp định giá chuyển giao ở Pháp có hai điểm nổi bật là coi trọng các phương pháp dựa vào giao dịch được ưu tiên hơn phương pháp dựa vào lợi nhuận; Đối tượng nộp thuế được tự do lựa chọn phương pháp định giá, song phải giải trình rõ lý do lựa chọn, không bắt buộc phải áp dụng nhiều phương pháp.

Về xuất trình các tài liệu minh chứng, cơ quan thuế Pháp không đòi hỏi người nộp thuế phải giải trình khi nộp tờ khai thuế về các tài liệu liên quan đến việc định giá chuyển giao. Chỉ trong trường hợp thanh tra về giá chuyển nhượng thì cơ quan thuế mới yêu cầu người nộp thuế phải trả lời các câu hỏi và xuất trình các tài liệu minh chứng có liên quan về những vấn đề về thông tin của tập đoàn về mạng lưới sản xuất, phân phối trên thế giới, thông tin chi tiết giá vốn hàng bán và chi phí marketing, các tài liệu phân tích rủi ro….

Pháp coi trọng các biện pháp xử lý khi phát hiện những vi phạm. Khi cơ quan thuế kiểm tra phát hiện những vi phạm có đủ bằng chứng mà người nộp không giải trình được thì cơ quan thuế có quyền điều chỉnh lại thu nhập và áp dụng mức phạt từ 40-80% số thuế trốn lậu do thủ thuật định giá chuyển giao.

Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng những quy định luật pháp về chống chuyển giá ở Mỹ và Pháp
Việt Nam có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng những quy định luật pháp về chống chuyển giá ở Mỹ và Pháp

Những hướng dẫn của OECD về chuyển giá

Trên bình diện toàn cầu, để hạn chế tình trạng tránh thuế quốc tế làm xói mòn cơ sở thu thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố, cập nhật hàng năm hướng dẫn về chuyển giá nhằm hạn chế hành vi tránh thuế của các công ty đa quốc gia bằng việc khai thác các lỗ hổng và sự thiếu đồng bộ trong các quy định về thuế để làm giảm tối đa phần lợi nhuận chịu thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các địa bàn khác có ít hoặc không có hoạt động kinh tế thực chất. Nhưng lại là nơi có thuế thấp hoặc được miễn thuế, nhằm mục tiêu giảm thiểu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Những xu hướng thay đổi trong khung khổ quy định gần đây đặt ra các thách thức và tác động đến việc thanh tra, kiểm toán, kiểm tra chuyển giá. Các nguyên tắc dẫn đến những sự thay đổi đó có thể kể đến như: Hiện nay mức lợi nhuận phân bổ phù hợp cho đơn vị liên kết được đánh giá theo nguyên tắc giá thị trường tự do, và thông qua mối quan hệ tương xứng với các tài sản đang nắm giữ và mức rủi ro mà doanh nghiệp chấp nhận trong hoạt động kinh doanh. Cách tiếp cận này mang tính một chiều, chỉ tập trung vào việc định giá các giao dịch, hợp đồng của doanh nghiệp liên kết nội địa mà chưa tính đến vai trò tương ứng của các doanh nghiệp liên kết khác trong cả chuỗi giá trị của tập đoàn đa quốc gia.

Nguyên tắc mới khuyến khích việc đánh giá chuyển giá dựa trên một bối cảnh lớn hơn, trong đó các tập đoàn xác định chính sách phân bổ lợi nhuận cho từng đơn vị liên kết xét theo mức độ đóng góp tương xứng trong chuỗi giá trị của tập đoàn. Điều này đòi hỏi các cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyển dịch từ cách đánh giá một chiều đi sâu vào xem xét thêm các thông tin, giả định và bối cảnh chung để đánh giá phù hợp về vị trí của doanh nghiệp liên kết địa phương.

Bên cạnh đó, Chính phủ nhiều nước đang tăng cường áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) đa phương. Với cơ chế trao đổi thông tin và áp dụng APA ngày càng rộng rãi, cơ quan thuế sẽ có thêm thông tin về các giao dịch chuyển giá cụ thể tại các quốc gia khác, cho phép cơ quan thuế đánh giá doanh nghiệp sở tại có được phân bổ ít lợi nhuận hơn so với doanh nghiệp tương tự trong cùng tập đoàn hay không.

Những bài học cho Việt Nam

Từ những phân tích nêu trên, để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả, có thể rút ra một số bài học sau để áp dụng trong điều kiện Việt Nam: Nghiên cứu hướng dẫn của OECD để hoàn thiện khung chính sách quốc gia tùy theo điều kiện cụ thể của Việt Nam. Chính sách thuế phù hợp với tình hình trong nước đồng thời đáp ứng với yêu cầu của hội nhập và xu thế chung của khu vực và thế giới, đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách đồng thời kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cần xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc hệ thống chế tài đối với những hành vi không tuân thủ kê khai về giá chuyển giao khi có giao dịch với các bên có quan hệ liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật.

Trong kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần đặc biệt chú trọng đến quy định về trách nhiệm kê khai thông tin liên quan về các mối quan hệ kinh tế liên kết, việc xuất trình các tài liệu minh chứng; tạo lập các cơ sở dữ liệu về thông tin thuế, hải quan để so sánh đối chiếu trong nội bộ quốc gia, cũng như tăng cường trao đổi thông tin quốc tế. Đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, đảm bảo sự kết nối và trao đổi thông tin tự động giữa cơ quan thuế và các cơ quan quản lý nhà nước khác.

Chuẩn bị nguồn nhân lực với chất lượng cao nhằm phục vụ cho việc quản lý nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Nguồn nhân sự này phải được thường xuyên cập nhật kiến thức về kinh tế, kinh nghiệm quản lý kinh tế, kinh nghiệm về hoạt động chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia tại các quốc gia trên thế giới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...