Chuyên gia Thái Lan: Ngân hàng cần 'dũng cảm' hơn trong cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản nếu không gỡ được nút thắt về vốn.
Chuyên gia Thái Lan: Ngân hàng cần 'dũng cảm' hơn trong cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Khó tiếp cận vốn tín dụng

Mặc dù chiếm số lượng lớn với gần 98% trên 700.000 doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), tuy nhiên hoạt động của khu vực doanh nghiệp này hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Trong đó, một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là khả năng tiếp cận vốn tín dụng từ các ngân hàng.

Theo thống kê, hiện chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, hơn 70% các doanh nghiệp còn lại buộc phải sử dụng nguồn vốn vay khác với chi phí rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Về vấn đề này, tại Hội thảo “Nâng cao năng lực toàn diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng” do Bộ Kế Hoạch và đầu tư phối hợp với Ngân hàng KasikornBank (Thái Lan) tổ chức, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đã chỉ rõ những khó khăn của doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa có vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể cạnh tranh phát triển. Đặc biệt, tiếp cận nguồn tín dụng là một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp tích cực, từng bước điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát hoạt động tín dụng của các ngân hàng theo hướng tập trung phục vụ nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp nhỏ và vừa qua hệ thống các ngân hàng thương mại còn hạn chế, tỷ lệ dư nợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trung bình khoảng 22 - 25% tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế trong giai đoạn 2012 - 2017.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngày càng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản, ông Hiếu nhấn mạnh.

Lý giải thực trạng này, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân chính là do hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa không có báo cáo tài chính chuẩn để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng.

Các doanh nghiệp này thường có thời gian thành lập ngắn, trong khi đó tiêu chí của ngân hàng khi cấp tín dụng là doanh nghiệp phải thành lập từ 2 – 3 năm trở lên và đạt lợi nhuận tăng trong nhiều năm liên tiếp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có vốn mỏng, không có tài sản đảm bảo khi vay vốn. Do tiềm ẩn nhiều rủi ro nên mức lãi xuất các ngân hàng áp dụng cho các doanh nghiệp này thường rất lớn. Giả sử có vay được vốn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng khó có khả theo kịp việc trả lãi xuất cho ngân hàng.

Một khía cạnh khác, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng BIDV cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp vướng mắc trong tiếp cận vốn do thiếu hoạt động minh bạch, quản trị điều hành chưa bải bản, nhiều doanh nghiệp chưa có chiến lược hoạt động cụ thể khiến các ngân hàng chưa yên tâm cấp tín dụng.

Mặt khác, do quy mô nhỏ, các doanh nghiệp này cũng không có đủ tài sản thế chấp để vay tiền tại các ngân hàng. Trong trường hợp cho vay, các ngân hàng sẽ gặp rủi ro rất lớn về nợ xấu.

Đâu là lời giải?

Trước bài toán làm thế nào để hỗ trợ các doanh nghiệp nhở và vừa có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, từ bài học kinh nghiệm thực tế của Thái Lan, ông Suwanchai Lohawatanakul, Tổng giám đốc Cơ quan xúc tiến doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái Lan (OSMEP) cho biết, với mỗi giai doạn phát triển của nền kinh tế, các cơ quan nhà nước cần liên tục cập nhật chính sách, ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, tăng cường yếu tố nội lực, làm động lực phát triển của nền kinh tế.

Để làm được điều này, ông Suwanchai cho rằng, các cơ quan quản lý cần lắng nghe doanh nghiệp, hỏi xem họ đang gặp vấn đề gì lớn để hỗ trợ họ.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đang phải vay với lãi suất cao bởi hoạt động của họ tiềm ẩn nhiều rủi ro, ngân hàng phải tối ưu hoá lợi nhuận của mình. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào có thể vừa hỗ trợ doanh nghiệp có khoản vay, vừa giúp ngân hàng tối ưu hoá lợi nhuận.

"Trong trường hợp này, nếu ngân hàng sợ rủi ro, sợ nợ xấu sẽ không thể thực hiện được. Tại Thái Lan, 20 năm trước, chúng tôi cũng đặt mục tiêu ưu tiên giảm nợ xấu và thực tế đã chứng minh hướng đi đó là sai, là thất bại. Do đó, tôi cho rằng, Nhà nước cần khuyến khích các ngân hàng dũng cảm hơn trong việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp, giúp họ từng bước phát triển, chia sẻ những khó khăn với họ. Nếu không, các doanh nghiệp này sẽ không thể tồn tại", ông Suwanchai cho hay.

Tất nhiên, theo ông Suwanchai, các doanh nghiệp cũng cần tự nỗ lực để phát triển bản thân và cho ngân hàng thấy được sự khả thi trong kế hoạch kinh doanh của mình.

Ở đây thách thức lớn nhất là lòng tin, sự tin cậy của ngân hàng và doanh nghiệp. Nếu làm đươc điều này, những khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được giải quyết, Tổng giám đốc OSMEP nhận định.

Ở khía cạnh cơ quan Nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cũng cho rằng, cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đối với cả hai phía ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, mở rộng quy mô vốn vay của các doanh nghiệp

Trước hết, cần có cơ chế chia sẻ thông tin của các bên liên quan, bao gồm cả các cơ quan thuế, đăng ký doanh nghiệp, thông tin tín dụng ngân hàng. Qua đó, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ, minh bạch thông tin; phục vụ việc đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn.

Bên cạnh đó, theo bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và đầu tư), để nâng cao cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để tiết giảm các thủ tục về giao dịch đảm bảo.

Không bắt buộc phải làm nhiều thủ tục và công chứng nhiều tài liệu như hiện nay.

Ngoài ra, tập trung phân cấp giao quyền cho chính quyền cơ sở xác nhận tình trạng tài sản, đất đai của người dân và doanh nghiệp làm cơ sở để làm tài sản đảm bảo vay vốn.

Cùng với đó là việc nâng cao năng lực của cán bộ tín dụng, tập trung cho việc đánh giá được các dự án có tính khả thi cao làm cơ sở cho vay, tài sản đảm bảo. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ tín dụng cần phải có các tiêu chí rõ ràng, dễ hiểu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể thực hiện hiệu quả.

Theo TheLeader 

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...