Gói thầu số 17 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (Quốc lộ 1A cũ), quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.
Giá trúng thầu là 560,395 tỷ đồng, giảm 2,749 tỷ đồng so với giá gói thầu, đạt tỷ lệ tiết kiệm gần 0,5%; thời gian thực hiện hợp đồng 30 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh. Gói thầu số 17 là gói thầu chính của Dự án (có tổng mức đầu tư 778,393 tỷ đồng, sử dụng ngân sách thành phố Hà Nội).
Được biết, trong Liên danh trúng thầu, Công ty CP Tập đoàn Cienco4 đảm nhận gần 94% khối lượng công việc; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình 3 đảm nhận hơn 6% còn lại. Hiện nay, Liên danh nhà thầu đang chuẩn bị để khởi công công trình vào ngày 10/10/2022.
Trước đó, tại dự án ngàn tỷ đảo chè Cầu Cau (Thanh Chương, Nghệ An), năm 2017 Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 lên kế hoạch triển khai dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” với tổng kinh phí lên đến 1.532 tỷ đồng, quy mô hơn 449 ha nằm trên địa phận hành chính của 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh.
Tập đoàn này vẽ lên khung cảnh hết sức hào nhoáng của một khu nghỉ dưỡng trong mơ với 83,9 ha mặt hồ, 280 ha khu vực trồng cây xanh, phần còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng riêng biệt (khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện).
Theo lộ trình, dự án “khủng” sẽ thực hiện trong 5 năm, từ 2017 đến 2022. Trong đó, giai đoạn 1 (2017 – 2018) sẽ tiến hành xây dựng khu đón tiếp và hạ tầng thiết yếu làm điểm nhấn nhằm kết nối các phân khu khác. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng gồm khu sinh thái số 1 và số 2 (2018 – 2019), từ 2020 – 2022 sẽ hoàn thiện các phân khu chức năng còn lại. Khi hoàn thành dự án đạt tiêu chuẩn 4 sao, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, khai thác tiềm năng của huyện Thanh Chương và tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, thực tiễn không đúng như lộ trình đã đặt ra, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2017 tại Quyết định 550/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 vào 12/2017… phía Cienco 4 chỉ tỏ ra rốt ráo trong thời gian đầu, sau đó thì bỏ bẵng hoàn toàn, công tác đền bù, hỗ trợ GPMB gần như bằng không.
Động thái trên khiến cho các bên liên quan không khỏi hoang mang, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, xã, những cơ quan phải lao tâm khổ tứ, ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành suốt thời gian dài. Nay doanh nghiệp chơi “bài nhầy” tức thì đẩy họ vào thế gọng kìm “trên đe dưới búa”.
5 năm kể từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, nay mọi thứ vẫn ở dạng sơ khai, đảo chè Cầu Cau vẫn vẹn nguyên như những gì vốn có, điều này đang để lại muôn vàn hệ lụy. Rõ nhất là niềm tin của hàng trăm hộ dân liên đới bị “xói mòn” trầm trọng. Không muốn kéo dài tình cảnh đêm dài lắm mộng, tất thảy mong mỏi một câu trả lời dứt khoát nhưng chủ đầu tư đáp lại chỉ là thái độ hờ hững đến cùng cực.
Tại dự án chậm tiến độ cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (cao tốc Bắc - Nam) có tổng vốn đầu tư là 11.157,82 tỷ đồng, Cienco4 cũng góp mặt cùng Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2.
Đặc biệt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 đưa dự án Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) vào tình trạng theo dõi đặc biệt vì thi công chậm.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, nhà thầu xây lắp là Cienco4 cũng bị Bộ Giao thông Vận tải phê bình do thi công thường xuyên chậm tiến độ; không bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc để thực hiện công việc theo đúng hợp đồng.