CII phát hành khủng 140 triệu CP để tránh "rớt" khỏi VN30 và thỏa "cơn khát" vốn

Cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu được tự do chuyển nhượng trong khi chào bán riêng lẻ bị hạn chế một năm. Sau chào bán và phát hành riêng lẻ, dự kiến vốn điều lệ CII đạt 4.206 tỷ đồng.
CII phát hành khủng 140 triệu CP để tránh "rớt" khỏi VN30 và thỏa "cơn khát" vốn

Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (Mã: CII) vừa công bố tài liệu Đại hội cổ đông bất thường năm 2017.

Theo đó, CII dự kiến chào bán 123,12 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện quyền mua 2:1.

Cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu được tự do chuyển nhượng. Cổ đông sở hữu quyền mua chỉ được chuyển nhượng quyền mua một lần, người nhận chuyển nhượng quyền mua không được chuyển nhượng tiếp cho bên thứ ba.

Tỷ lệ chào bán thành công tối thiểu hoặc số tiền tối thiểu thu được từ đợt chào bán là 50% hoặc 923,4 tỷ đồng để đảm bảo nhu cầu vốn phục vụ cho các dự án như BOT cầu đường Bình Triệu 2, Cụm cao ốc số 152 Điện Biên Phủ, trả nợ vốn ngân hàng và góp vốn vào các công ty.

Sau khi chào bán thành công cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, CII còn thực hiện chào bán 17,71 triệu cổ phần riêng lẻ cho quỹ RAM. Giá chào bán 26.040 đồng/cổ phiếu với tổng vốn huy động dự kiến 461,3 tỷ đồng. Thời gian chào bán trong quý I/2018.

Trường hợp RAM không mua hoặc mua không hết số lượng cổ phiếu mới chào bán riêng lẻ cho RAM thì phần cổ phiếu còn lại sẽ bị hủy bỏ.

Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán. RAM không được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu phát hành từ đợt chào bán riêng lẻ này.

Số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ sẽ được sử dụng vào việc đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT Thủ Thiêm do CII làm chủ đầu tư.

Sau chào bán và phát hành riêng lẻ, dự kiến vốn điều lệ CII đạt 4.206 tỷ đồng.

Nói về nguyên nhân tăng vốn, theo CII, trong thời gian tới, việc giải ngân vốn đầu tư sẽ chỉ tập trung vào một số dự án quy mô lớn, mang lại hiệu quả như Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội, Cụm cao ốc 152 Điện Biên Phủ, các dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2... Công ty cũng sẽ thực hiện mua cổ phiếu CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R) và CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) để duy trì tỷ lệ sở hữu.

Về quy mô Công ty, với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ngày càng nhiều đơn vị có quy mô lớn niêm yết HOSE nên nếu CII không nâng cao năng lực vốn chủ sở hữu thì khó đảm bảo cổ phiếu CII tiếp tục nằm trong nhóm VN30.

Đồng thời, theo thông tư số 55 của Bộ Tài chính, nhà đầu tư phải đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng vốn đầu tư theo quy định. Trường hợp tại cùng một thời điểm, nhà đầu tư tham gia nhiều dự án thì phải đảm bảo tổng số vốn chủ sở hữu đáp ứng đủ cho toàn bộ số vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết thực hiện cho tất cả các dự án theo quy định.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/6/2017 của CII là 2.861 tỷ đồng. Với các dự án BOT, BT đang triển khai, phần vốn chủ sở hữu còn lại hiện nay của Công ty không đủ để tiếp tục đầu tư vào các dự án mới theo quy định về nguồn vốn chủ sở hữu.

Mới đây, Thủ tướng vừa chấp thuận chủ tưởng cho CII bổ sung một số công trình xây dựng hạ tầng vào Dự án BT Thủ Thiêm. Do đó, nếu CII không thực hiện tăng vốn thì CII sẽ không được điều chỉnh bổ sung, tăng quy mô đầu tư cho hợp đồng BT này.

Theo Khổng Chiêm/NDH

>> CII hợp tác với Hongkong Land đầu tư dự án 400 triệu USD tại Thủ Thiêm

Có thể bạn quan tâm