Có 20 tỉnh có nguy cơ “sốt” đất sau đấu giá

Vấn đề sốt đất và nội dung liên quan đến vụ đấu giá đất bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại Thủ Thiêm thời gian qua thu hút sự quan tâm của các đơn vị thông tin.

Tại cuộc họp báo ngày 21/1 của Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, thời gian qua, sau khi TP HCM đấu giá đất ở Thủ Thiêm, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đánh giá cụ thể tác động của vụ đấu giá đất cao bất thường đến thị trường bất động sản (BĐS).

Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ TN&MT và có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể giá đất thay đổi thế nào sau hàng loạt vụ đấu giá đất tại các địa phương, trong đó có vụ đấu giá đất giá 2,4 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm.

Theo ông Khởi, đã có 20 địa phương báo cáo bộ này về nguy cơ “sốt” đất ảnh hưởng tới thị trường BĐS sau khi đấu giá đất .Ở góc độ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, ông Khởi cho rằng, giá đất chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như nguồn cung, giao dịch, phát triển hạ tầng, trong đó có đấu giá đất...

Theo ông Khởi, thị trường BĐS năm 2018, 2019 có đi xuống nhưng năm 2020, một số cơ chế, văn bản pháp luật đã tháo gỡ như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, các nghị định… nên thị trường khởi sắc.

Cụ thể, giá giao dịch trên thị trường tăng ở một số trường hợp như: Căn hộ cao cấp tăng 0,5%; đất nền tăng 3-5% (một số nơi tăng trên 10% trong đó có TPHCM). “So với 2 năm trước, giá nhà đất có tăng nhưng đây là xu hướng chung, trong 2 năm 2019-2020 nguồn cung hạn chế, nhiều dự án chưa hoàn thành sản phẩm, chưa bán hàng, trong khi nhu cầu vẫn tăng”, ông Khởi nói.

Thừa nhận giá nhà đất tăng đang ảnh hưởng tới chiến lược phát triển nhà ở thương mại giá thấp, cơ hội tiếp cận nhà ở của người dân. Để tăng cơ hội tiếp cận nhà cho người dân, hiện Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp để giúp các đối tượng không tiếp cận được nhà ở xã hội có thể tiếp cận nhà ở. Cơ chế này sẽ được Bộ Xây dựng lồng ghép vào nội dung sửa Luật Nhà ở thời gian tới.

Một số giải pháp khác được đề xuất nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực của việc sốt đất gồm: quản lý chặt tài chính, tín dụng bất động sản; tăng nguồn cung nhà ở xã hội; quản lý việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.

Cùng đó, Bộ Xây dựng cho rằng, cần điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án bất động sản, tránh tập trung đầu tư nhà ở cao cấp; tăng cường kiểm tra, nhất là công khai nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, dự án bất động sản.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tăng cường khâu kiểm tra, giám sát các dự án bất động sản; đồng thời, quản lý môi giới để kiểm soát giá bất động sản, không để tiếp diễn tình trạng “đẩy giá”.

Vừa qua, cả Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó đề nghị các địa phương kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng đã ban hành công điện chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng; UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.

Có thể bạn quan tâm