Cổ đông ngân hàng “bội thu” cổ tức

Thời gian qua, nhiều ngân hàng đã hoàn tất thực hiện chi trả cổ tức bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu cho cổ đông để đẩy mạnh tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính…

Cổ đông ngân hàng “bội thu” cổ tức

Ngày 6/8, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHB) đã thực hiện chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 500 đồng.

Với hơn 3,66 tỷ cổ phiếu đang được lưu hành trên thị trường, ước tính SHB đã chi khoảng 1.830 tỷ đồng để thanh toán cổ tức đợt này. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau 10 năm SHB thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, SHB đã thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2023 là 16%, gồm 5% bằng tiền mặt và 11% bằng cổ phiếu, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% trong quý 3/2024.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP.HCM (HDBank – mã chứng khoán: HDB) cũng vừa hoàn tất chi trả cổ tức bằng tiền mặt vào ngày 26/7/2024. Theo đó, tỷ lệ thực hiện là 10% (cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu).

Đồng thời, HDBank cũng đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 20%, tương đương cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới. Thời điểm chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến trong quý 3/2024.

Tương tự, vào ngày 11/7 vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank – mã chứng khoán: TPB) đã triển khai thanh toán cổ tức bằng tiền mặt năm 2024 với tỷ lệ 5%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng.

Kế hoạch này đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua vào tháng 4/2023. Với hơn 2,2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, TPBank dự kiến đã chi hơn 1.100 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Ngoài việc chia cổ tức bằng tiền mặt, trong năm nay, TPBank cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Cụ thể, TPBank sẽ phát hành tối đa 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng thêm hơn 4.403 tỷ đồng, lên 26.419 tỷ đồng.

ban-sao-cua-dsc00795-1714-2412.jpeg
TPBank cũng đang triển khai kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

Trước đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (mã chứng khoán: ACB) cũng hoàn tất đợt trả cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng).

Đồng thời, ACB cũng có kế hoạch phát hành 582,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ thực hiện 100:15, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 15 cổ phiếu mới. Tuy nhiên, phía ngân hàng chưa công bố thời điểm thực hiện đối với phương án này.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng công bố kế hoạch chi trả cổ tức hấp dẫn cho cổ đông trong thời gian qua. Đơn cử, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã chấp thuận về việc triển khai tăng vốn điều lệ năm 2024 thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (mã chứng khoán: MSB).

Theo đó, ngân hàng dự kiến phát hành thêm tối đa 600 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 30 cổ phiếu mới. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của MSB sẽ tăng từ 20.000 tỷ đồng lên 26.000 tỷ đồng.

MSB cho biết, mục đích phát hành cổ phiếu nhằm củng cố vị thế cạnh tranh của ngân hàng nhờ tăng quy mô vốn điều lệ, củng cố bộ đệm vốn và nâng cao các chỉ tiêu an toàn tài chính, hỗ trợ nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn, nâng cấp cơ sở vật chất và đầu tư hệ thống cho ngân hàng.

ngan-hang-msb-2066.jpeg
MSB đã được chấp thuận về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức

Tương tự, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank – mã chứng khoán: EIB) cũng đã nhận được văn bản chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc triển khai phát hành cổ phiếu trả cổ tức để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, Eximbank dự kiến phát hành thêm 121,9 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 100:7, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận 7 cổ phiếu mới. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024. Sau phát hành, vốn điều lệ của Eximbank sẽ nâng lên mức 18.688 tỷ đồng.

Song song với đó, Eximbank cũng lên phương án trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 3% (mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 300 đồng). Với hơn 1,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến Eximbank sẽ phải chi gần 522,3 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức trên.

Như vậy, cổ đông Eximbank sẽ nhận được cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên sau 10 năm Eximbank thực hiện chia cổ tức tiền mặt. Lần gần nhất là vào năm 2014, Eximbank chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 4%, tương đương 400 đồng/cổ phiếu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Agriseco gọi tên 7 cổ phiếu hứa hẹn sinh lời cao trong tháng 9

Agriseco gọi tên 7 cổ phiếu hứa hẹn sinh lời cao trong tháng 9

Agriseco Research khuyến nghị danh mục đầu tư tiềm năng trong tháng 9 với các doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh, đang có mức định giá phù hợp hoặc có kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 và các tháng cuối năm 2024 tăng trưởng tốt, bao gồm: ACB, HPG, POW, PVS, VHM, VNM, VSC…

Choáng với thu nhập "khủng" của dàn lãnh đạo doanh nghiệp đại chúng

Choáng với thu nhập "khủng" của dàn lãnh đạo doanh nghiệp đại chúng

Những phân tích trong báo cáo dựa trên số liệu công khai của công ty đại chúng như: cơ sở hạch toán và thuyết minh thu nhập, số liệu không bao gồm các phúc lợi từ cổ phiếu thưởng hay chương trình ESOP, các vị trí lãnh đạo có thu nhập tượng trưng sẽ không được đưa vào dữ liệu phân tích...

Lợi nhuận ngành chứng khoán có thể sẽ đi ngang trong 2 quý cuối năm 2024

Lợi nhuận ngành chứng khoán có thể sẽ đi ngang trong 2 quý cuối năm 2024

Sự sôi động của thị trường đang dần hạ nhiệt so với đầu năm, cũng như việc chỉ số vẫn chưa thực sự bứt phá, Kirin Capital cho rằng khả năng cao lợi nhuận ngành chứng khoán trong 2 quý sắp tới sẽ đi ngang và khó giữ vững được đà tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn hồi phục vừa qua...