Có hơn 30 doanh nghiệp đạt lãi trên nghìn tỷ năm 2017

Hàng loạt doanh nghiệp không những lãi nghìn tỷ, còn có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.
Có hơn 30 doanh nghiệp đạt lãi trên nghìn tỷ năm 2017

Mùa báo cáo tài chính năm 2017 đã dần khép lại, hầu hết các doanh nghiệp đã hoàn tất công tác công bố kết quả kinh doanh năm 2017. Ngoài những "ông lớn" thường xuyên đạt lãi trên nghìn tỷ, năm 2017 vừa qua chứng kiến thêm hàng loạt cái tên mới gia nhập câu lạc bộ lãi trên nghìn tỷ.

Nhóm các ông lớn thường xuyên góp mặt trong top các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ hàng năm lại "thể hiện" theo một cách khác. LNST năm 2017 của Vinamilk đạt 10.278 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2016. Doanh thu đạt trên 51.000 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, trong đó riêng doanh thu hàng nội địa đạt 43.572 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.

Doanh thu cả năm 2017 của Vingroup (VIC) đạt trên 90.355 tỷ đồng tăng 57% so với năm trước đó còn lợi nhuận sau thuế đạt 5.440 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ và vượt 81% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

LNST các doanh nghiệp năm 2017

Ấn tượng của Hòa Phát (HPG) năm 2017 là đã lập mức kinh doanh cao kỷ lục vớ 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, tăng 25% so với năm 2016, trong đó riêng thép xây dựng đạt 2,2 triệu tấn. Đây là lần đầu tiên Hòa Phát vượt mốc 2 triệu tấn/năm.

Doanh thu cả năm đạt 46.162 tỷ đồng, tăng trưởng 43% so với năm 2016 và vượt 11,5% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 8.015 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng mức tăng trưởng trên 21% và vượt 33,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Nhắc đến Tập đoàn Hòa Phát thường làm nhà đầu tư nhớ luôn đến Tập đoàn Hoa Sen (HSG) – hai doanh nghiệp thường xuyên chiếm thị phần lớn trong lĩnh vực thép xây dựng, tôn các loại và phôi thép. Doanh thu năm 2017 của Hoa Sen đạt 26.148 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng trên 52% so với năm 2016. Tuy nhiên do chi phí cho giá vốn và chi phí bán hàng cao nên lợi nhuận sau thuế còn 1.331 tỷ đồng, giảm 11,5% so với năm 2016.

Ngành bia, Sabeco (SAB) công bố chi phí cho quảng cáo, tiếp thị, hỗ trợ trong năm vừa qua giảm 100 tỷ đồng so với năm trước đó nhưng doanh thu vẫn được cải thiện, đạt 34.165 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với năm 2016, trong đó riêng quý 4 doanh thu đạt 10.467 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2017 Sabeco lãi sau thuế 5.137 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 10,35% so với năm 2016, vượt 9,2% chỉ tiêu lợi nhuận được giao, trong đó lợi nhuận thuộc về công ty mẹ 4.840 tỷ đồng; EPS đạt 7.147 đồng/cổ phiếu.

Trái với Sabeco, Habeco (BHN) đã đẩy mạnh công tác quảng cáo trong quý 4/2017, làm chi phí quảng cáo tăng 44%, lên mức 232 tỷ đồng, song song với đó là giảm chi phí nhân viên, chi phí nguyên vật liệu và chi phí bốc xếp, vận chuyển. Tuy vậy doanh thu quý 4 vừa qua vẫn giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016, đạt 2.597 tỷ đồng.

Tổng doanh thu thuần cả năm đạt 9.800 tỷ đồng, giảm sút 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 754 tỷ đồng, không thể chen chân vào câu lạc bộ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ như "đối thủ" sabeco.

Hầu hết các doanh nghiệp đều lãi tăng trưởng mạnh so với năm 2016

Năm 2017 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành xây dựng, địa ốc... Coteccons (CTD) đạt 27.153 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 16% so với cùng kỳ, đạt 1.653 tỷ đồng. EPS đạt 20.436 đồng/cổ phiếu. Coteccons là một trong những doanh nghiệp thường xuyên lọt top những doanh nghiệp đạt EPS cao nhất thị trường.

Cũng trong ngành xây dựng, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) mạnh về mảng xây dựng hạ tầng. Doanh thu năm 2017 đạt 2.030 tỷ đồng, tăng trưởng 68% so với năm trước đó, tuy nhiên chi phí giá vốn tăng cao, cộng thêm gánh nặng chi phí lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh nên cả năm CII còn lãi thuần từ hoạt động kinh doanh 1.511 tỷ đồng.

Nhờ 200 tỷ đồng phân bổ khoản hỗ trợ của Nhà nước ghi nhận vào khoản thu nhập khác nên lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 1.620 tỷ đồng, tăng trưởng 62% so với lợi nhuận đạt được năm 2016. Tổng cộng tài sản công ty đến cuối năm đạt 20.766 tỷ đồng, tăng 10.625 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tuy nhiên nợ phải trả cũng tăng gần 7.300 tỷ đồng so với đầu năm, lên mức 13.127 tỷ đồng.

Vinaconex (VCG) đạt mức tăng trưởng doanh thu 30% so với cùng kỳ, đạt trên 11.000 tỷ đồng. Nhờ khoản thu nhập tài chính trên 905 tỷ đồng nên Vinaconex khép lại năm 2017 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.633 tỷ đồng, tăng trưởng 129% so với năm 2016, đây cũng là mức lãi kỷ lục công ty đạt được trước đó, trong đó riêng quý 4 đạt trên 1.010 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế cả năm ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 1.412 tỷ đồng.

Ngành xây dựng phát triển cũng kéo theo các ngành vật liệu xây dựng phát triển theo. Vicostone (VCS) sau những tái cơ cấu mạnh mẽ đã gặt hái nhiều thành quả. Doanh thu cả năm tăng 34,5% so với năm 2016, đạt 4.352 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.122 tỷ đồng, tăng trưởng 65% so với lợi nhuận đạt được năm 2016. EPS đạt 13.461 đồng/cổ phiếu – thuộc vào top những doanh nghiệp đạt EPS cao trên thị trường.

Cơ điện lạnh REE lãi sau thuế gần 1.523 tỷ đồng năm 2017, tăng trưởng gần 30% so với năm 2016. Doanh thu thuần đạt gần 5.000 tỷ đồng, cũng đạt mức tăng trưởng trên 36% so với năm 2016.

Cặp đôi doanh nghiệp của "Bầu Đức" – Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và HAGL Agrico (HNG) lại là những doanh nghiệp gây nhiều bất ngờ cho nhà đầu tư. Mảng trái cây đã giúp HAGL đưa về 392 tỷ đồng doanh thu ngay trong quý 4 trong khi doanh thu từ bò giảm mạnh còn hơn 100 tỷ đồng. Dù quý 4 lỗ gần 60 tỷ đồng nhưng cả năm HAGL cũng báo lãi sau thuế 1.032 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với số lỗ gần 2.200 tỷ đồng năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ gần 630 tỷ đồng, cũng tăng trưởng mạnh so với số lỗ gần 1.600 tỷ đồng năm trước đó.

Chưa chính thức chạm ngưỡng lãi nghìn tỷ, nhưng "cặp đôi" HAGL Agrico (HNG) cũng đáng được nhắc đến với số lãi sau thuế 918 tỷ đồng trong năm 2017, tăng đột biến so với số lỗ 1.711 tỷ đồng trong năm 2016, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ cũng lên đến gần 927 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối năm lên 1.317 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trước đó ngay từ giữa năm HAGL Agrico đã bất ngờ công bố lãi trước thuế trên 1.054 tỷ đồng. Tuy nhiên do quý 4 lỗ dẫn đến lợi nhuận sau thuế cả năm còn trên 918 tỷ đồng – bị "đánh bay" ra top các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ chỉ trong gang tấc.

Cái tên bất ngờ gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ còn phải kể đến Vinafor (VIF) với lợi nhuận sau thuế hợp nhất cả năm đạt gần 1.100 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.082 tỷ đồng.

Đây cũng là tín hiệu vui cho Vinafor đánh dấu năm đầu tiên đưa cổ phiếu lên sàn. Với kế hoạch thưởng – phạt phân minh đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 thì với việc hoàn thành vượt 187% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm, dự kiến năm nay cán bộ, nhân viên Vinafor sẽ được thưởng lớn như kế hoạch.

Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX) cũng là gương mặt mới gia nhập câu lạc bộ lãi nghìn tỷ năm 2017. Mới gia nhập, Gelex đã tạo dấu ấn với mức lợi nhuận sau thuế trên 1.307 tỷ đồng, gấp đôi lợi nhuận đạt được năm 2016 và là mức lãi kỷ lục công ty từng đạt được.

Riêng quý 4 doanh thu gần gấp đôi cùng kỳ, đạt 3.317 tỷ đồng, nâng tổng doanh thu cả năm lên gần 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến so với năm 2016. Tổng tài sản tăng gần 5.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, đạt trên 13.900 tỷ đồng.

Dù lợi nhuận sau thuế giảm 28% so với năm 2016 do lợi nhuận từ đường giảm sâu, nhưng năm 2017 Đường Quảng Ngãi (QNS) vẫn đứng vững trong top những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ khi LNST đạt 1.017 tỷ đồng, gấp 5,5 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phí. Lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ 1.017 tỷ đồng.

FPT công bố số lãi sau thuế năm 2017 đạt 3.522 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2016, trong đó lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ 2.927 tỷ đồng. Nhắc đến FPT thì cũng nhớ tới Thế giới di động (MWG). Năm 2017 MWG cũng báo lãi sau thuế tăn trưởng 40% so với năm trước đó, đạt 2.206 tỷ đồng.

Về phía các công ty chứng khoán, Chứng khoán Sài Gòn (SSI) góp mặt trong câu lạc bộ những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ với số lãi sau thuế 1.161 tỷ đồng, tăng trưởng 22,8% so với năm 2016. Đây cũng là công ty chứng khoán duy nhất góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ năm 2017.

Nhóm ngành ngân hàng đang chiếm ưu thế vượt trội trong số các doanh nghiệp đạt lãi nghìn tỷ năm 2017. Vietcombank (VCB) vừa báo lãi kỷ lục hơn 11.300 tỷ đồng trước thuế. Lợi nhuận sau thuế đạt 9.107 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với năm 2016, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty đạt 9.087 tỷ đồng.

Viettinbank (CTG) cũng đạt mức lãi trước thuế hơn 9.200 tỷ đồng năm 2017. Lợi nhuận sau thuế thu về gần 7.460 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 10,2% so với năm 2016. Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) cũng báo lãi sau thuế 3.490 tỷ đồng trong năm 2017, tăng trưởng 21% so với lợi nhuận đạt được năm 2016.

VPBank (VPB) lãi sau thuế 6.438 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) công bố lãi sau thuế gần 7.060 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Sacombank (STB) bất ngờ báo lãi 1.172 tỷ đồng sau thuế, tăng đột biến so với số lãi trên 88 tỷ đồng đạt được năm trước đó.

Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng bất ngờ báo lãi trước thuế 1.405 tỷ đồng, vượt 87% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.125 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với lợi nhuận đạt được năm 2016. HDBank (HDB) cũng lãi sau thuế đến 1.954 tỷ đồng, tăng trưởng 112% so với cùng kỳ.

Ngành ngân hàng năm 2017 được xem là ngành tăng trưởng mạnh mẽ, hầu hết những "ông lớn" không những vẫn luôn nằm trong top những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ mà còn đạt sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước đó.

Ngành bảo hiểm, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) lãi sau thuế cả năm trên 1.600 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2016. Ngành tiêu dùng, Masan Group cả năm lãi ròng trên 3.100 tỷ đồng.

Ngành hàng không, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lãi sau thuế trên 4.200 tỷ đồng năm 2017; Vietnam Airline (HVN) lãi sau thuế 2.666 tỷ đồng; còn Hãng hàng không Vietjet (VJC) lãi sau thuế cả năm trên 4.500 tỷ đồng.

Năm 2017 khép lại với nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ và vượt xa kế hoạch đặt ra. Câu lạc bộ lãi nghìn tỷ trong năm cũng gọi thêm khá nhiều cái tên mới. Năm 2018 đã bắt đầu, hầu hết các doanh nghiệp hiện đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị công bố kế hoạch mục tiêu kinh doanh trong cả năm.

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…