Có nên bỏ trần lãi suất huy động?

Việc huy động vốn ngắn hạn bằng VND của hệ thống ngân hàng trong 5 năm qua bị khống chế bởi mức trần lãi suất. Qua từng năm, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng đã được giảm dần từ mức 14%, xuống 11%
Có nên bỏ trần lãi suất huy động?

Đến nay, vấn đề gỡ bỏ trần lãi suất huy động lại được đặt lên bàn cân soi xét…

Tại phiên họp thường kỳ ngày 30/9 vừa qua, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế, thị trường tiền tệ trong 9 tháng của năm 2016. Sau khi nghe ý kiến từ các thành viên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng đã lưu ý các bộ, ngành nghiên cứu xem xét dỡ bỏ trần lãi suất huy động 6 tháng của ngân hàng. 

Từ cam kết bỏ trần lãi suất

Trong quá khứ, các ngân hàng đã chạy đua tăng lãi suất huy động vốn rất căng thẳng, “vượt trần” lãi suất, gây rối loạn, méo mó thị trường. Từ năm 2011 trở về trước, các chiêu trò như khuyến mại, tặng thêm lãi suất… đã khiến cho lãi suất tiền gửi VND bị đẩy lên tới 17-20%/năm, dẫn tới lãi suất cho vay đắt đỏ tới 20-27%/năm.

Hồi tháng 9/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khi ấy đã cam kết sẽ dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi ngay khi đủ điều kiện. Tuy nhiên, nhiều năm sau đó vẫn duy trì quy định này dù mặt bằng lãi suất huy động từng bước được kéo giảm dần trong nỗ lực giải cứu doanh nghiệp và căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát giảm thấp, “kìm cương” tín dụng và nợ xấu…

Hiện, mức trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng tối đa là 1%/năm, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tối đa là 5,5%/năm. Còn tiền gửi bằng USD của cá nhân, doanh nghiệp tối đa 0%/năm, giảm dần từ mức 2%/năm được duy trì suốt nhiều năm.

Trên bề mặt, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn tuân thủ đúng quy định về trần lãi suất huy động vốn, tuy nhiên, biểu niêm yết lãi suất luôn ở trong tình trạng “kịch khung”. Trước đây, ngày 8/9/2011, NHNN ban hành chỉ thị 02 kiên quyết xử lý ngân hàng huy động vượt trần lãi suất 14%/năm, thì các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất từ mức 18,5%/năm về đúng quy định.

Song, với những món tiền gửi lớn, khách hàng vẫn được nhận thêm quà tặng, tiền mặt chi ngoài… như một khoản lãi suất “lách” trần. Hiện nay, mức trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng là 5,5%/năm, nên để thu hút được vốn từ dân cư, các ngân hàng đều niêm yết lãi suất cao nhất từ 5,2-5,5%/năm.

Chiêu “lách” trần lãi suất phổ biến là tặng ngay tiền mặt, lãi suất 0,1-0,5% cho những món tiền gửi lớn… hay các chiêu thức tinh vi, kín đáo hơn mà có lẽ, cơ quan chức năng cũng khó có thể phát hiện, xử lý được.

Nhức nhối “đi đêm” lãi suất

Hiện tượng các ngân hàng “đi đêm” lãi suất vẫn diễn ra âm thầm suốt mấy năm qua, mà rất ít trường hợp nhà băng bị xử lý vi phạm, công khai... Những vụ việc vi phạm vượt trần lãi suất chỉ được phanh phui, đưa ra ánh sáng khi xảy ra các vụ án sai phạm cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây ra thiệt hại nghiêm trọng.

Mới đây, cơ quan công an vừa khởi tố vụ án Nguyễn Thị Lam, nguyên cán bộ của ngân hàng Eximbank- PGD Đô Lương (Nghệ An) đã huy động tiền gửi của nhiều khách hàng với lãi suất tới 7-12%/năm, vượt mức quy định từ 4,5-5%/năm.

Từ đây, lợi dụng lòng tham của người gửi tiền và kẽ hở quản lý của ngân hàng, Lam đã “rút ruột” tới 48 tỷ đồng. Trước đó, năm 2015, vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên cán bộ của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè cũng gây chấn động thị trường tài chính.

Trong đó, có nhiều công ty, ngân hàng có dư thừa tiền đã đem gửi tiền vào Vietinbank thông qua Như để ăn chênh lãi suất ngoài quy định. Hệ quả là, nhiều khách hàng đã bị chiếm đoạt tới 5.000 tỷ đồng, khiến ngân hàng phải tốn kém chi phí dự phòng rủi ro…

Từ năm 2015 đến nay, theo đánh giá của NHNN và các ngân hàng thương mại, thanh khoản của hệ thống ở trạng thái dồi dào, huy động vốn thuận lợi với mức lãi suất thấp. Thị trường liên ngân hàng cũng không còn căng thẳng như giai đoạn trước.

Mặt bằng lãi suất huy động vốn đã giảm xuống mức thấp, dù có thời điểm nhích nhẹ, song niêm yết ở mức 4,2-5,5%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng, kỳ hạn 6-12 tháng là từ 5,6-6,5%/năm…

Ở thời điểm này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đề cập việc xem xét gỡ bỏ trần lãi suất song có bỏ hay không, khi nào bỏ trần lại còn phụ thuộc vào những điều kiện phù hợp. Nhất là lãi suất tiền gửi quá cao đã đẩy lãi suất vay lên mức ngất ngưởng, trở thành gánh nặng khiến nhiều doanh nghiệp bị “kiệt sức”, thua lỗ nặng…

Theo ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng KH&ĐT, lạm phát 9 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 chỉ tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như đề ra.

Trên cơ sở diễn biến kinh tế và dự báo, đầu năm nay, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng khuyến cáo nên sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.

Thu Hằng 

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...