Cổ phần hóa đất vàng Hà Nội: Khi chủ nhà nhường quyền cho “người lạ"

Nhà máy ô tô Hòa Bình thuộc Tổng công ty công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) đã từng là một trong những thương hiệu đầu tiên của ngành lắp ráp, sản xuất ô tô trong thập niên 1990. Khu đất 4,4 ha đượ
Cổ phần hóa đất vàng Hà Nội: Khi chủ nhà nhường quyền cho “người lạ"
Dự án Pandora có 104 căn nhà vườn liền kề và 1 tòa chung cư 27 tầng. Ảnh - Quang Vững

Từ ô tô "bẻ lái" sang bất động sản

Ngày 19/8/1991, Ủy ban Hợp tác và Đầu tư cấp phép thành lập xí nghiệp liên doanh sản xuất ô tô Hòa Bình (VMC), với đối tác nước ngoài đến từ Philippines và Nhật Bản. Đây cũng là liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam.

Trong liên doanh này, Nhà máy ô tô Hòa Bình - đối tác phía Việt Nam - góp vốn bằng đất đai, nhà xưởng. Tới năm 2007, liên doanh chính thức mang tên Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC).

Sau này, đối tác nước ngoài rút khỏi VMC, thay thế là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phương Nam Việt, và một cá nhân là bà Nguyễn Ngọc Hương. Khi thay đổi người góp vốn trong liên doanh này, Vinamotor đã chủ động đồng ý với tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ thấp, nhường quyền quyết định trong liên doanh cho đối tác mới.   

Cụ thể, sau khi thay thế các đối tác nước ngoài, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phương Nam Việt đã nắm 78,59% trong tổng số 320 tỷ đồng vốn điều lệ của VMC, Vinamotor chỉ nắm 13,91%, phần còn lại 7,5% do cá nhân bà Nguyễn Ngọc Hương góp. Với tỷ lệ này, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Phương Nam Việt mới là chủ thực sự của VMC, chứ không phải Vinamotor.

Với sự xuất hiện của Phương Nam Việt - liên doanh sản xuất ô tô đầu tiên của Việt Nam – đã quyết định bẻ lái sang mảng kinh doanh bất động sản, với dự án đầu tay mang tên Pandora, ngay trên diện tích 4,4ha đất được Nhà nước giao cho VMC quản lý, sử dụng.

Năm 2015, Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình đã khởi công dự án siêu sang đầu tay mang tên Pandora tại 53 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội. Theo công bố của chủ đầu tư, toàn bộ dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2019.

Đây là Dự án gồm tổ hợp công trình trường học và nhà liền kề, nhà ở cao tầng có tổng diện tích 4,4ha. Chủ đầu tư sẽ xây dựng 104 căn nhà vườn liền kề và một tòa chung cư 27 tầng.

Dự án được xây dựng trên khu 4,4ha đất tại 53 Triều Khúc, đây chính là mặt bằng sản xuất trước đây Nhà máy ô tô Hòa Bình - thành viên của Vinamotor thuộc Bộ GTVT.

Đáng lưu ý, theo bảng kê của Bộ Tài chính, giá đất tính thu nghĩa vụ tài chính của dự án này khi chuyển mục đích sử dụng tính theo giá đất 20,791 triệu đồng/m2 và giá đất của mục đích sau khi chuyển tính theo bảng giá nhân (x) hệ số điều chỉnh do UBND thành phố Hà Nội xác định tương đương với khoảng gần 35 triệu đồng/m2, tức cao gấp 1,6 lần khi chưa chuyển đổi.

Tuy nhiên, thực tế cho đến giờ, giá bán sản phẩm tại dự án Pandora vẫn được định vị trong phân khúc siêu sang tại Hà Nội, với mức bình quân từ 80 - 120 triệu/m2. Chừng ấy dường như đã đủ nói về lợi thế địa tô mà liên doanh này thụ hưởng, khi chuyển từ đất sản xuất công nghiệp sang đất đô thị.

Dự án thực hiện trên khuôn viên 4,4ha đất trước đây do Nhà máy ô tô Hòa Bình quản lý, sử dụng. Ảnh - Quang Vững
Dự án thực hiện trên khuôn viên 4,4ha đất trước đây do Nhà máy ô tô Hòa Bình quản lý, sử dụng. Ảnh - Quang Vững

“Chủ mới” là người nhà?

Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phương Nam Việt được thành lập năm 2004. Sau các lần thay đổi đăng ký kinh doanh, công ty này hiện có trụ sở tại TP.HCM, vốn điều lệ 150 tỷ đồng, với 2 cá nhân góp vốn. Đó là bà Nguyễn Thị Hằng và bà Trần Thị Lan Hương.

Trên giấy tờ, bà Lan Hương và bà Hằng đều là những cá nhân có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. Tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phương Nam Việt, hiện bà Nguyễn Thị Hằng nắm giữ trên 86% vốn góp, tương đương với 130 tỷ đồng, còn bà Lan Hương góp trên 13%, tương đương với 20 tỷ đồng.

Điểm khá lạ trong “lịch sử” hoạt động 12 năm với 10 lần thay đổi đăng ký kinh doanh của công ty này, là bà Hằng và bà Hương đều thay nhau nắm giữ tỷ lệ áp đảo. Cả hai người đều có hộ khẩu trước đây ở Hà Nội, nhưng sau đó là tại TP.HCM.

Trong đó, trước khi chuyển vào TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hằng có hộ khẩu tại Ngõ 128C Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Khá “tình cờ”, đây cũng chính là nơi đăng ký hộ khẩu của ông Trần Quang Thành – Tổng giám đốc hiện nay của Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình.

Trước đây, ông Trần Quang Thành là cán bộ kỳ cựu, làm việc nhiều giai đoạn tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình từ những ngày đầu tiên thành lập liên doanh này. Năm 2008, ông Trần Quang Thành thi tuyển và trúng làm Tổng giám đốc Vinamotor. Chưa đầy 2 năm sau đó, ông Thành rời vị trí này để rồi quay lại làm việc tại Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình.

Quan hệ làm ăn của bà Nguyễn Thị Hằng với bà Trần Thị Lan Hương cũng không chỉ có tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Phương Nam Việt với việc góp vốn vào Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình và dự án Pandora. Mà còn tiếp tục tại nhiều doanh nghiệp khác như Công ty TNHH Phương Mỹ, Công ty TNHH thương mại Phương Á….

Về cá nhân bà Trần Thị Lan Hương, hiện bà Hương giữ vai trò quan trọng tại nhiều doanh nghiệp khác, như Công ty TNHH dịch vụ tư vấn giáo dục Sài Gòn, Công ty TNHH dịch vụ thực phẩm Heartz Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Sài Gòn, Công ty TNHH Hãng phim Nam Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Toyota Phú Mỹ Hưng, Công ty TNHH nhịp sống đô thị, Công ty TNHH phát triển Sài Gòn Home, Công ty TNHH Phương Nam Việt Đà Lạt, Công ty TNHH Southern Cross Việt Nam, Công ty TNHH tư vấn phát triển Sài Gòn.

Tương tự là trường hợp của bà Nguyễn Ngọc Hương, ngoài vai trò Phó Tổng giám đốc của Công tyTNHH Liên doanh ô tô Hoà Bình, hiện bà Hương đang là Giám đốc của Công ty TNHH MTV dịch vụ ô tô VMC – một công ty con của Công ty TNHH liên doanh ô tô Hòa Bình nhưng chuyên mảng kinh doanh ôtô.

Chúng tôi sẽ phân tích cơ cấu cổ phần và mối quan hệ tài chính giữa Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Phương Nam Việt và Công ty VMC trong bài viết tiếp theo.

Theo Minh Quang-Quốc Dũng/Viettimes

>> Fecon muốn "lướt sóng" dự án nghỉ dưỡng tại Phú Quốc

Có thể bạn quan tâm