Lý do HOSE đưa ra là AMD chậm nộp Báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 37 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31 tháng 03 năm 2022 của Hội đồng Thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Trước đó, ngày 9/9, AMD đã bị cắt margin do chậm nộp Báo cáo tài chính kiểm toán bán niên 2022 quá 5 ngày kể từ thời điểm hết hạn công bố (ngày 31/8/2022).
Tính từ mức đỉnh 10.250 đồng hồi đầu năm, sau 4 nhịp lao dốc mạnh, thị giá cổ phiếu AMD hiện đã giảm hơn 80% về mức 2.120 đồng (kết phiên 14/9). Với 163,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, trung bình giai đoạn này, cổ phiếu AMD có khoảng từ 2.000 - 3.000 lệnh mua/bán trong phiên.
Thậm chí tại thời điểm từ tháng 12/2021 - 1/2022, số lượng lệnh giao dịch trung bình phiên của mã thậm chí dao động trong ngưỡng 10.000 - 20.000 lệnh. Ghi nhận tại biên bản họp ĐHCĐ thường niên 2022 ngày 16/6, FLC Stone ghi nhận gần 20.600 cổ đông nắm giữ tổng cộng 163,5 triệu cổ phiếu AMD.
Cũng liên quan đến cổ phiếu "họ FLC", Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa đưa 2 mã khác là ART, KLF vào diện cảnh báo do các tổ chức niêm yết này đều chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022 quá hạn 15 ngày.
Về kết quả kinh doanh của AMD, quý II/2022, Công ty ghi nhận doanh thu thuần chỉ đạt hơn 34 tỷ đồng - giảm 92% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong kỳ, chi phí quản lý của AMD tăng gấp 10 lần cùng kỳ lên mức 29 tỷ đông. do Công ty đã trích lập dự phòng bổ sung một số khoản nợ phải thu khó đòi.
Kết quả, AMD lỗ ròng gần 24 tỷ đồng, trong khi quý II/2021 ghi nhận lãi gần 6 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên AMD ghi nhận lợi nhuận âm kể từ khi niêm yết. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, AMD lỗ sau thuế hơn 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 7,5 tỷ đồng.