Cổ phiếu công nghệ tăng bốc, S&P 500 và Nasdaq lại lập đỉnh lịch sử

Nasdaq và S&P 500 một lần nữa đạt mức đóng cửa cao kỷ lục vào thứ Hai nhờ động lực từ các cổ phiếu ngành công nghệ. Giới đầu tư hiện đang chờ đón thêm các dữ liệu kinh tế mới trong tuần này, bao gồm một báo cáo việc làm quan trọng vào thứ Sáu…

Cổ phiếu công nghệ tăng bốc, S&P 500 và Nasdaq lại lập đỉnh lịch sử

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Dow Jones giảm 128,65 điểm (-0,29%) xuống 44.782,00 điểm, S&P 500 tăng 14,77 điểm (+0,24%) lên 6.047,15 điểm và Nasdaq Composite thêm 185,78 điểm (+0,97%) thành 19.403,95 điểm.

Trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P 500, công nghệ, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu đều dẫn đầu với đà tăng hơn 1%; còn những lĩnh vực khác lại đi xuống.

Super Micro Computer “nhảy vọt” 28,7% sau khi có thông tin công ty đang mở cuộc tìm kiếm giám đốc tài chính mới dựa trên khuyến nghị của một ủy ban đặc biệt được thành lập để xem xét các hoạt động kế toán.

Cổ phiếu Tesla tăng 3,5% khi Stifel nâng mục tiêu giá đối với cổ phiếu này.

Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ đạt 13,64 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 14,74 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch gần đây.

“Thị trường đang ở trong một giai đoạn hoạt động mạnh mẽ theo mùa. Đây cũng là thời điểm mà các nhà đầu tư khó có thể rời khỏi thị trường; nhưng đồng thời, tôi cũng chưa thấy được khả năng bứt phá lớn bởi còn có quá nhiều điều bất định về hướng đi kinh tế dưới thời chính quyền mới”, ông Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments nhận xét.

Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai và Đảng Cộng hoà giành quyền kiểm soát Quốc hội đã tạo động lực lớn cho thị trường chứng khoán vào giai đoạn tháng 11. Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận mức tăng phần trăm hàng tháng lớn nhất trong vòng một năm.

Giới chiến lược gia nhận định rằng các kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp và nới lỏng quy định của ông Trump có thể là tin tốt cho chứng khoán, nhưng đề xuất đánh thuế nhập khẩu lại là yếu tố tiêu cực.

Hiện tại, thị trường đang phân tích các nhận xét từ Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller khi ông cho biết bản thân nghiêng về việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/12 vì chính sách tiền tệ hiện nay vẫn mang tính kiềm chế. Fed đã bắt đầu hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9, sau đó tiếp tục giảm thêm 0,25% vào tháng 11. Hiện nay, các nhà đầu tư vẫn nuôi hy vọng về một đợt cắt giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng cuối năm 2024, nhưng một số dữ liệu lạm phát gần đây lại làm dấy lên lo ngại rằng tiến trình kiểm soát lạm phát có thể đã bị đình trệ.

Ngoài báo cáo việc làm được mong đợi vào thứ Sáu, thị trường cũng đang chờ đón dữ liệu tăng trưởng việc làm khu vực tư nhân, báo cáo dịch vụ ISM và số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ.

GIÁ DẦU ĐI NGANG

Trên thị trường năng lượng, giá dầu gần như “bất động” vào thứ Hai khi hy vọng nhu cầu tăng mạnh trở lại đã bị lu mờ bởi nghi vấn Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong tháng 12.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1 cent xuống còn 71,83 USD/thùng. Giá dầu thô West Texas Intermediate của Mỹ tăng 10 cent, tương đương 0,15%, lên 68,10 USD/thùng.

Hoạt động sản xuất tại các nhà máy Trung Quốc trong tháng 11 đã mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng, thúc đẩy tâm lý lạc quan về tình hình kinh doanh của Trung Quốc ngay cả khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đe dọa thuế quan. Điều này gợi mở cho khả năng nhu cầu nhiên liệu sẽ sớm tăng trở lại.

Tuy nhiên, giá dầu cũng đã chịu áp lực khi chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic nói rằng ông vẫn để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 12, bởi dữ liệu việc làm sắp tới sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quyết định này. Trên thực tế, lãi suất cao làm tăng chi phí vay vốn, từ đó có thể làm chậm hoạt động kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.

Thêm vào đó, chỉ số US Dollar Index tiếp tục đi lên khi ông Trump đe doạ áp thuế 100% đối với liên minh BRICS nếu họ tạo ra đồng tiền mới hoặc ủng hộ đồng tiền khác thay thế đồng USD. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác và tác động đến nhu cầu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Nhiều thương vụ IPO hứa hẹn bùng nổ trong năm 2025

Nhiều thương vụ IPO hứa hẹn bùng nổ trong năm 2025

Bước sang năm 2025, giới đầu tư kỳ vọng hoạt động phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ sôi động trở lại, mang đến một “làn gió mới” trong bối cảnh thị trường chứng khoán sau nhiều năm thiếu "hàng chất lượng" lên sàn...

Khu công nghiệp Becamex Bàu Bàng của BCM

Becamex IDC bị xử phạt do công bố thông tin sai

Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) bị phạt tiền 150 triệu đồng do công bố thông tin sai về tình hình sử dụng số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu...

Chứng khoán Mỹ đột ngột đảo chiều, giá dầu tăng

Chứng khoán Mỹ đột ngột đảo chiều, giá dầu tăng

Phố Wall bất ngờ đảo chiều giảm điểm vào thứ Sáu, với cả ba chỉ số chính đều đóng cửa trong sắc đỏ. Nhóm cổ phiếu công nghệ và cổ phiếu tăng trưởng vốn hoá lớn - yếu tố chính thúc đẩy thị trường trong những phiên trước - cũng chịu ảnh hưởng…

Công ty chứng khoán gợi ý các chủ đề đầu tư tiềm năng năm 2025

Công ty chứng khoán gợi ý các chủ đề đầu tư tiềm năng năm 2025

Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2025 đầy tiềm năng nhờ bất động sản hồi phục, đầu tư công tăng tốc, và các dự án dầu khí trọng điểm. BVSC khuyến nghị tập trung vào nhóm hạ tầng, khu công nghiệp, dầu khí, bất động sản và ngân hàng với định giá hấp dẫn, tạo cơ hội đầu tư sinh lời hiệu quả...

Chỉ số Dow Jones “ăn mừng” 5 phiên tăng liên tiếp

Chỉ số Dow Jones “ăn mừng” 5 phiên tăng liên tiếp

Chỉ số Dow Jones tăng điểm vào thứ Năm, kéo dài chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, dù cho khối lượng giao dịch thấp và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ ở mức cao gây áp lực lên một số cổ phiếu công nghệ lớn…

Sắc tím bao phủ nhóm đầu tư công

Sắc tím bao phủ nhóm đầu tư công

Nhóm cổ phiếu đầu tư công đồng loạt tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 25/12, trong đó nhiều mã trần như SMC, FCM, HVX, HHV, TV2, FCN, NO1, KSV, PLC, MTA, HBC, KCB...