Cơ chế nào khơi thông đường "lên sàn" chứng khoán cho doanh nghiệp?

Trong khi thị trường chứng khoán khởi sắc về cả điểm số và thanh khoản thì số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn lại rất hạn chế. Nhiều chuyên gia đã "hiến kế" nhằm thúc đẩy doanh nghiệp Việt lên sàn chứng khoán...
Cơ chế nào khơi thông đường "lên sàn" chứng khoán cho doanh nghiệp?

Từ đầu năm đến nay, VN-Index ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, trở thành thị trường hồi phục tốt nhất khu vực Đông Nam Á nhờ nhiều chính sách được ban hành nhằm tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành. Tính đến ngày 20/7, VN-Index đạt 1.172 điểm tương ứng tăng 12,2% so với đầu năm. 

Sức hút thị trường gia tăng trở lại là yếu tố tích cực cho việc niêm yết mới cổ phiếu lên sàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên sàn vẫn còn “èo uột”. Thị trường vẫn cần thêm “hàng” mới cho sàn chứng khoán.

Thị trường vẫn khan hiếm “hàng mới”

Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) đã thông báo ngày 1/8 tới đây sẽ hủy đăng ký giao dịch hơn 90,9 triệu cổ phiếu trên UpCOM để chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE. Trước đó, vào ngày 29/6, HOSE đã chấp thuận niêm yết hơn 90,9 triệu cổ phiếu SIP. Ngày giao dịch đầu tiên của SIP trên sàn HoSE dự kiến là 8/8/2023.

Đồng thời, HOSE cũng công bố chấp thuận niêm yết với khối lượng 23 triệu cổ phiếu ADP của Công ty Cổ phần Sơn Á Đông với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá hơn 230 tỷ đồng.

Về phía sàn HNX, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cũng vừa chấp thuận niêm yết đối với Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (Mã: VFS). Số lượng đăng ký là 80,25 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị niêm yết theo mệnh giá đạt trên 802 tỷ đồng.

Gần đây nhất, sàn HNX đã đón nhận hai “tân binh” gồm PPT của Petro Times với 15 triệu cổ phiếu được niêm yết vào ngày 26/6 và cổ phiếu DTG của Dược phẩm Tipharco với 6,3 triệu cổ phiếu niêm yết vào ngày 12/7.

Bên cạnh các đơn vị đã được chấp thuận, nhiều trường hợp vẫn còn chờ quyết định của HOSE, phải bổ sung thêm các giấy tờ hay chưa đáp ứng đủ điều kiện...

Trường hợp điển hình là Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR), hồ sơ niêm yết của doanh nghiệp này đang gặp vướng mắc, liên quan đến kết quả kinh doanh của một doanh nghiệp mà Lọc hóa dầu Bình Sơn góp vốn từ nhiều năm trước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hướng dẫn công ty xin ý kiến Bộ Tài chính để tháo gỡ vấn đề kỹ thuật này, qua đó có căn cứ cấp phép niêm yết mới. Nếu thuận lợi, công ty có thể chuyển sàn trong quý 3/2023.

Theo dữ liệu HOSE, trong hơn một năm nay, Sở đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của 15 đơn vị khác, bao gồm 14 công ty cổ phần và một ngân hàng. Tổng khối lượng đăng ký niêm yết của nhóm đơn vị này đạt tổng cộng gần 2,3 tỷ cổ phiếu. Trong đó, các đơn vị đăng ký khối lượng niêm yết lớn nhất là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (hơn 846 triệu cổ phiếu) và Tập đoàn Bất động sản CRV (hơn 672 triệu cổ phiếu).

 sàn chứng khoán
 Danh sách các đơn vị đã đăng ký niêm yết tại HOSE tính đến ngày 14/7

Trong khi nhiều doanh nghiệp muốn nhanh chóng được HOSE chấp thuận, một số công ty ngược lại quyết định rút hồ sơ, như trường hợp Tôn Đông Á và Chứng khoán Phú Hưng. Được biết, lý do chung của hai công ty này là tình hình kinh doanh không khả quan.

Theo đó, có thể thấy rõ, mặc dù thị trường chứng khoán đang khởi sắc rõ nét trong thời gian qua, nhưng số lượng doanh nghiệp niêm yết mới từ đầu năm đến nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nếu việc khan hiếm “hàng mới” kéo dài, có thể khiến thị trường trở nên kém sôi động.

Ngay cả khi dòng tiền đang dần trở lại với chứng khoán từ kênh tiết kiệm ngân hàng, nếu không có nhiều “tân binh”, cũng làm giảm sức hấp dẫn của thị trường. Từ đó, những giai đoạn sóng lớn, bùng nổ không thể xuất hiện trên thị trường. Bởi lẽ nhìn lại quá khứ, những "con sóng thần" của chứng khoán Việt Nam thường gắn liền với làn sóng các “bom tấn” IPO lên sàn, bên cạnh việc tham gia các tổ chức, Hiệp định thương mại quan trọng…

Theo ý kiến từ nhiều chuyên gia, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn hạn chế trong 6 tháng đầu năm xuất phát từ nhiều yếu tố khách quan (thị trường) lẫn chủ quan (doanh nghiệp).

Trong 3 năm trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đối diện với nhiều thách thức, từ dịch bệnh cho đến chiến tranh, suy thoái toàn cầu. Bản thân doanh nghiệp đang chật vật đối phó với những khó khăn về tài chính để tồn tại. Bên cạnh đó, các điều kiện lên sàn đang được kiểm soát chặt chẽ hơn, đòi hỏi chất lượng của doanh nghiệp phải thuộc dạng tốt, với báo cáo tài chính sạch sẽ, có lợi nhuận tối thiểu 1-2 năm.

Theo phân tích của ông Phan Quốc Huỳnh, Phó Chủ tịch thường trực VASB: "Chung quy, nội tại sức khỏe của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tình trạng doanh nghiệp niêm yết trên sàn đang ở mức hạn chế như hiện nay”.

Khơi thông đường lên sàn chứng khoán

Để thúc đẩy các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng, đầu tiên là phải truyền thông rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp để những "ông chủ" nhận thức rõ ràng được những cơ hội và thách thức, trách nhiệm khi lên sàn chứng khoán. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ nâng cao tính minh bạch hướng tới sự phát triển bền vững.

sàn chứng khoán

Bà Hồ Thị Phương Tú, Giám đốc phòng quản lý niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết, sau khi Luật Chứng khoán sửa đổi, hoạt động của mảng thị trường niêm yết đã có bước tiến đáng kể. Trong tiêu chí niêm yết, điều kiện bắt buộc là doanh nghiệp phải đi qua thị trường UPCoM, là sự sàng lọc khắt khe hơn trước rất nhiều, và tạo ra sự thay đổi đặc biệt cho thị trường chứng khoán.

Bởi vậy, các doanh nghiệp niêm yết trong thời gian gần đây đều có tối thiểu 2 năm đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Thêm vào đó, điều kiện vốn điều lệ cũng được quan tâm đúng mức với quy định ít nhất 30 tỷ đồng vốn tự có.

Theo bà Tú, mặc dù chỉ là giá trị tương đối nhỏ, song cũng góp phần tạo dựng lượng hàng hóa có chất lượng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ hơn. Cuối cùng là tiêu chí về năng lực của các Chủ tịch, lãnh đạo của doanh nghiệp khi niêm yết, họ không được vi phạm Luật Chứng khoán trong quá trình điều hành doanh nghiệp.

Đối với trường hợp doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp sẽ có một năm để giao dịch trên UPCoM và nếu không đủ điều kiện giao dịch đại chúng thì thì sẽ bị loại khỏi sàn UPCoM.

Có trường hợp bị trả lại hồ sơ, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp chưa để đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết. Vấn đề thường thấy là tình hình tài chính không đáp ứng, và là nguyên nhân chính dẫn tới việc hồ sơ của các doanh nghiệp bị trả lại. Theo thống kê, có tới 70% số lượng hồ sơ bị trả lại là do không đáp ứng đủ các yêu cầu này.

Ông Nguyễn Trung Đức, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, thời gian qua, Hiệp hội đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là định hướng, hỗ trợ tư vấn pháp lý trong hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp hội viên, nhằm nâng cao khả năng về vốn, tiệm cận đến việc niêm yết trên thị trường chứng khoán. Đặc biệt sau hai năm Covid-19 bùng phát, gây ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp. Hiệp hội cũng thường xuyên làm việc cơ quan chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, huy động vốn.

Dưới góc độ kiểm toán, bà Hoàng Thúy Nga, Trường phòng kiểm toán 5 - Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC nhìn nhận, khi các doanh nghiệp đã tham gia vào thị tường niêm yết, các doanh nghiệp còn cần phải hiểu rõ về quy định pháp lý cũng như quy định về tài chính, nếu không cũng chưa đủ điều kiện được niêm yết.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...