Có thể khẳng định sớm về sự thành công của phiên IPO Hapro?

346 nhà đầu tư gồm cả các tổ chức và cá nhân đã đăng ký mua vượt số cổ phần chào bán tại phiên IPO của Hapro, gần như một sự đảm bảo chắc chắn rằng phiên đấu giá này sẽ thành công tốt đẹp.
Có thể khẳng định sớm về sự thành công của phiên IPO Hapro?

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa cho biết, tính đến thời điểm chiều ngày 23/3 – thời điểm “chốt” đăng ký mua cổ phần Công ty mẹ - Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đã có 2 tổ chức và 344 nhà đầu tư cá nhân đăng ký tham gia phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Hapro.

Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt trước đó, Hapro sẽ đấu giá 75,93 triệu cổ phần, tương đương 34,5% vốn điều lệ của công ty này. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ đồng.

Kết quả, 346 nhà đầu tư nói trên đã đăng ký mua tổng cộng 93,18 triệu cổ phần, vượt cao hơn con số cổ phần được chào bán. Trong đó, 344 nhà đầu tư cá nhân đăng ký mua vào 92,48 triệu cổ phần, trong khi 2 tổ chức chỉ đăng ký mua tổng cộng 700.000 cổ phần.

Như vậy, phiên đấu giá sáng ngày 30/3 tới đây gần như “cầm chắc” thành công khi số lượng chào mua vượt số lượng cổ phần chào bán.

Sau khi xác định giá trung bình thành công tại phiên IPO, UBND TP. Hà Nội sẽ dựa trên kết quả này để bán 65% vốn cho đối tác chiến lược đã được lựa chọn của Hapro là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) - một doanh nghiệp có liên quan mật thiết với BRG Group.

Đợt thoái vốn nhà nước tại Hapro nhận được sự quan tâm của giới đầu tư bởi câu chuyện “muôn thuở” là đất vàng. Tuy nhiên, trả lời trên nhiều tờ báo, đại diện của Vinamco lại cho rằng, lợi thế khiến Vinamco quan tâm tới Hapro nằm ở giá trị cốt lõi là lĩnh vực xuất nhập khẩu và bán lẻ.

Sau cổ phần hóa, Hapro được tiếp tục quản lý sử dụng 114 địa điểm, trong đó có 96 cơ sở nhà, đất tại TP. Hà Nội. 63 địa điểm kinh doanh khác mà công ty đang khai thác sẽ phải trả lại cho nhà nước. Phần lớn các địa điểm mà Hapro đang khai thác là bất động sản có diện tích nhỏ, phù hợp với lĩnh vực bán lẻ.

Tuy nhiên, “mỏ vàng” của Hapro còn là phần vốn góp trên 51% tại 10 công ty con, đầu tư vào 19 công ty liên doanh, liên kết với tỷ lệ sở hữu từ 20 - 49%. Một vài tên tuổi lớn có thể kể đến như Công ty CP Thủy Tạ, Công ty CP Thực phẩm Hà Nội, Công ty CP Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Công ty CP Thương mại dịch vụ Thời trang Hà Nội, Công ty CP Siêu thị VHSC (sở hữu chuỗi siêu thị SeikaMart), Gốm Chu Đậu, Vang Thăng Long…

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...