Theo đó, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm định hướng toàn diện, từ cấu trúc, hướng phát triển không gian đô thị, xác định quy mô dân số và đất đai, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội - kĩ thuật - môi trường, tạo ra công cụ quản lý vĩ mô, cơ sở pháp lý để thành phố Hải Phòng thực hiện thành công Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị.
Mục tiêu trọng tâm quy hoạch chung thành phố là cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, cửa ngõ hướng ra biển Đông trên vịnh Bắc Bộ. Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng được lập trên toàn bộ địa giới hành chính với tổng diện tích hơn 1.526 km2, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Quy hoạch xác định tính chất của Hải Phòng là đô thị loại I trực thuộc trung ương, một trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm giáo dục, y tế và khoa học công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ. Đồng thời là thành phố cảng xanh, văn minh, hiện đại; là đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế; có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Quy mô phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030 có khoảng 2,8-3 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa 74 - 76%; đến năm 2040 khoảng 3,9 - 4,7 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 80 - 86%.
Theo đó, thành phố sẽ có hai vành đai kinh tế gồm: Vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; Vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Ba hành lang cảnh quan gồm: Hành lang sông Cấm; Hành lang sông Lạch Tray và Hành lang sông Văn Úc.
Ba trung tâm đô thị gồm: Đô thị sân bay Tiên Lãng; Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm thương mại, tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh. Ngoài ra còn có các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn.
Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng cũng xác định, xây dựng thành phố Hải Phòng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao, bền vững, hoàn thiện đô thị loại I và đáp ứng tiêu chí đô thị đặc biệt năm 2030. Còn đến năm 2040, đất cây xanh – thể dục thể thao đô thị khoảng 14.200-15.000ha, chiếm 20-21% diện tích đất xây dựng đô thị.
Tiếp đó, duy trì và phục hồi đa dạng sinh học các khu vực: Khu dự trữ sinh quyển thế giới và Vườn quốc gia Cát Bà - Long Châu. Bảo tồn phát huy giá trị không gian văn hoá trên dòng sông Bạch Đằng; khu di tích quốc gia đặc biệt Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; khu di chỉ Cái Bèo, Tràng Kênh.
Đến năm 2030, công nghiệp Hải Phòng có khoảng 13.000ha, du lịch đủ đáp ứng cho 30-35 triệu lượt khách/năm; đến năm 2040 công nghiệp có khoảng 17.500-18.500ha, du lịch đáp ứng khoảng 35-40 triệu lượt khách/năm. Riêng Đồ Sơn và Cát Bà thành trung tâm du lịch biển quốc tế.
Đồng thời, phát triển hạ tầng xã hội để thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.
Phát triển Hạ tầng kỹ thuật để thành phố Hải Phòng có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế. Riêng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, thành phố sẽ âng cấp mở rộng theo quy hoạch, công suất đạt khoảng 13 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 16,6 triệu hành khách/năm vào năm 2040.