Cú hích đột phá từ Nghị quyết 68: Mỗi doanh nghiệp là một mảnh ghép tạo nên kinh tế thịnh vượng

Nghị quyết 68, với những nỗ lực cải cách, đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, mở ra cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, từ đó kiến tạo một nền kinh tế Việt Nam năng động và bền vững...

Trong bối cảnh thị trường không ngừng chuyển mình, sức khỏe của nền kinh tế quốc gia không chỉ được đo lường bằng sự lớn mạnh của các tập đoàn hàng đầu, mà còn được vun đắp từ sự năng động và đa dạng của vô số doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã và đang được triển khai mạnh mẽ, tựa như một luồng gió mới, khơi thông mọi nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam bứt phá và đóng góp trọn vẹn vào sự phát triển chung của đất nước.

Trao đổi với Thương gia, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính khẳng định Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị đã mở rộng đáng kể không gian hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới

Sau gần 7 năm kể từ Nghị quyết 10 năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời, Nghị quyết 68 đã nâng khu vực tư nhân lên vị thế "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế", tạo "bước ngoặt" trong quan điểm nhận thức. Dưới góc độ chuyên gia, ông cảm nhận như thế nào về sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển ở bối cảnh hiện tại?

Mục tiêu tăng trưởng 8% năm nay và hai con số trong những năm tiếp theo quả thực là một thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế của nước ta. Để đạt được điều này, sự năng động và đổi mới sáng tạo từ các doanh nghiệp là yếu tố then chốt. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nhà nước có đặc thù sở hữu tập thể, đôi khi lại xuất hiện tình trạng "cha chung không ai khóc", dẫn đến sự chậm chạp và tính ì cao.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính

Do đó, để nền kinh tế trở nên năng động hơn, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một hướng đi tất yếu, như kinh nghiệm của nhiều quốc gia đã chứng minh. Bài học từ giai đoạn kế hoạch hóa tập trung cũng cho thấy hệ thống doanh nghiệp nhà nước khó có thể trở thành động lực tăng trưởng chính, dù vẫn cần thiết ở một số lĩnh vực nhất định.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết 68 thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển là một quyết định hoàn toàn hợp lý và kịp thời.

Việc có được một nghị quyết như hiện nay vẫn mang lại hy vọng tạo ra một động lực mới, đưa nền kinh tế bước vào một giai đoạn phát triển khởi sắc hơn.

Có rất nhiều giải pháp nhiệm vụ được Bộ Chính trị đưa ra. Theo ông, đâu là những điểm trọng yếu, điểm mới trong Nghị quyết có thể khai phóng, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân?

Trong Nghị quyết 68, các giải pháp được đề ra mang tính đồng bộ và bổ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, yếu tố cốt lõi, tạo động lực và mở ra không gian phát triển mới cho lực lượng sản xuất, chính là thể chế.

Trước hết, nghị quyết đã mở rộng đáng kể không gian hoạt động cho doanh nghiệp bằng cách cho phép họ thực hiện mọi hoạt động mà pháp luật không cấm. Đây là một bước tiến quan trọng, khơi dậy sự năng động và sáng tạo của các doanh nghiệp.

Thứ hai, nghị quyết hướng tới một môi trường kinh doanh công bằng hơn giữa các thành phần kinh tế, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Sự công bằng này, trước hết là công bằng về mặt pháp luật, loại bỏ những hạn chế và bất bình đẳng về thuế và các quy định khác. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thực thi luật chống độc quyền, nâng cao hiệu quả cạnh tranh là vô cùng cần thiết.

Trong một số lĩnh vực, dù tư nhân được phép tham gia, nhưng sự chi phối thị trường lớn của các doanh nghiệp nhà nước có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Do đó, các chính sách chống độc quyền sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng hơn.

Thứ ba, việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn và các nguồn lực khác cũng cần được đảm bảo một cách công bằng.

Cuối cùng, để hệ thống thể chế thực sự hiệu quả, tính minh bạch và rõ ràng là yếu tố then chốt. Luật pháp cần tránh những "vùng xám", những quy định mơ hồ có thể diễn giải theo nhiều cách khác nhau hoặc chứa đựng quá nhiều ngoại lệ. Sự rõ ràng và nhất quán của thể chế sẽ tạo ra sự tin tưởng và động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển.

Trước đó, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi nguồn lực lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng hoặc đủ khả năng thực hiện. Vậy, theo ông cần định hướng như thế nào để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể khai thác tốt tiềm năng này?

Mặc dù khoa học và công nghệ thường được nhắc đến cùng nhau, nhưng bản chất và cơ chế hỗ trợ của chúng cần được phân biệt rõ ràng.

Khoa học, đặc biệt là khoa học cơ bản và nghiên cứu nền tảng, mang tính chất khám phá tri thức chung cho toàn xã hội. Những phát minh và kiến thức từ lĩnh vực này thường có giá trị to lớn nhưng lại khó định giá và thương mại hóa trực tiếp. Do đó, vai trò tài trợ chính của Nhà nước là vô cùng quan trọng để thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản này, mang lại lợi ích lâu dài cho toàn bộ cộng đồng.

Ngược lại, công nghệ thường gắn liền với các bí quyết, quy trình sản xuất cụ thể, có khả năng tạo ra sản phẩm và dịch vụ mang lại lợi nhuận. Các doanh nghiệp có thể kiếm tiền từ việc bán bản quyền công nghệ, ứng dụng chúng vào sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ. Trong bối cảnh này, vai trò tài trợ trực tiếp của Nhà nước có thể giảm bớt. Thay vào đó, điều quan trọng là tạo ra một môi trường khuyến khích sự đổi mới và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ là nền tảng cho doanh nghiệp phát triển

Một điểm tiến bộ là việc Nhà nước chấp nhận rủi ro trong đầu tư vào các dự án khoa học, công nghệ. Điều này có nghĩa là nếu một bài toán nghiên cứu không đạt được kết quả như mong đợi, các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu cũng không phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đây là một sự thay đổi tích cực, khuyến khích các nhà khoa học mạnh dạn theo đuổi những ý tưởng đột phá, ngay cả khi chúng tiềm ẩn nhiều thách thức.

Việc chấp nhận rủi ro trong đầu tư khoa học công nghệ cần có những giới hạn nhất định để đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước. Ví dụ, nếu một nhà nghiên cứu hoặc một tổ chức liên tục không thành công trong nhiều đề tài liên tiếp, có thể cần có những quy định về việc tạm dừng hoặc hạn chế tài trợ trong một khoảng thời gian nhất định. Điều này nhằm đảm bảo tính trách nhiệm và khuyến khích sự nghiêm túc trong quá trình nghiên cứu.

Cần có sự giám sát chặt chẽ, đánh giá định kỳ và các biện pháp điều chỉnh kịp thời để đảm bảo rằng nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất và mục tiêu chung của chính sách vẫn đạt được.

Dưới góc độ phát triển kinh tế hiện tại, khi thế hệ lãnh đạo thứ hai (F2) của các tập đoàn lớn như Vingroup, T&T… đang ngày càng khẳng định năng lực, đồng thời chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông, liệu các doanh nghiệp này có những cơ hội cụ thể nào để thu hẹp khoảng cách và bắt kịp đà phát triển của các "ông lớn" trên thị trường hay không?

Hoàn toàn không nên có cái nhìn nghi ngại về năng lực của thế hệ lãnh đạo kế cận. Thế hệ lãnh đạo đời đầu đã tạo dựng được những thành tựu to lớn, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh, nhân tài luôn xuất hiện ở mọi thời đại. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, trong thế hệ F2 và các thế hệ sau này, luôn có những người đủ năng lực và tâm huyết để tiếp nối và phát triển sự nghiệp của cha anh. Đối với những doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững, việc chuẩn bị đội ngũ kế cận tài năng luôn là một ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, tôi tin tưởng vào tiềm năng của các thế hệ lãnh đạo tương lai.

Còn về khía cạnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đương nhiên họ phải đối mặt với những thách thức nhất định, đặc biệt là về quy mô vốn, dẫn đến những hạn chế trong việc đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô. Tuy nhiên, điểm mạnh nổi bật của họ chính là sự năng động, khả năng nắm bắt xu hướng mới một cách nhanh nhạy và thích ứng linh hoạt với những thay đổi của thị trường.

Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể ở Việt Nam còn rất lớn, nhưng các hộ kinh doanh này thường gặp phải những rào cản về vốn, trình độ quản lý chưa chuyên nghiệp, hạn chế trong đầu tư công nghệ và phạm vi hoạt động thường giới hạn trong một số lĩnh vực nhất định. Trong khi đó, nhiều ngành kinh tế khác đòi hỏi nguồn vốn lớn, nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, là những yếu tố mà các doanh nghiệp nhỏ có thể chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, một nền kinh tế khỏe mạnh cần sự đa dạng của các loại hình doanh nghiệp, từ lớn đến vừa và nhỏ. Vấn đề không nằm ở việc phân định hơn thua giữa quy mô, mà quan trọng là mỗi loại hình đều có những lợi thế riêng. Điều cốt yếu là tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ cho tất cả các doanh nghiệp. Lực đẩy này bao gồm một môi trường kinh doanh thông thoáng, nơi họ được tự do tham gia vào mọi lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Do đó, cần có một tư duy cởi mở hơn, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm và phát triển những ý tưởng mới, ngay cả khi chưa có khung pháp lý hoàn chỉnh. Chính sự chấp nhận này sẽ tạo ra những đột phá và động lực mới cho toàn bộ nền kinh tế.

Thưa ông, rủi ro từ trái phiếu doanh nghiệp luôn hiện hữu. Với việc Chính phủ thúc đẩy hành lang pháp lý để đa dạng nguồn vốn cho doanh nghiệp tư nhân, theo ông, cần có những kiến nghị cụ thể nào để giảm thiểu rủi ro cho người dân khi mua trái phiếu doanh nghiệp?

Thực tế, kinh doanh luôn đi kèm với rủi ro, và đầu tư cũng vậy. Để người mua trái phiếu an tâm, điều tiên quyết là sự công khai và minh bạch từ phía doanh nghiệp phát hành. Nhà đầu tư cần được cung cấp đầy đủ thông tin về mục đích phát hành trái phiếu, triển vọng của dự án, khả năng trả nợ và tình hình tài chính hiện tại của doanh nghiệp. Khi có bức tranh tài chính rõ ràng, họ mới có thể đánh giá được tiềm năng thành công và khả năng trả nợ của doanh nghiệp, từ đó cân nhắc mức lãi suất đưa ra có phù hợp với mức độ rủi ro hay không.

Thứ hai, do nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, có thể hạn chế về khả năng phân tích và đánh giá rủi ro, cần có một hệ thống cảnh báo rủi ro hiệu quả. Hệ thống này có thể đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các công ty xếp hạng tín nhiệm hoặc các tổ chức trung gian tài chính. Việc các tổ chức này đưa ra những đánh giá và cảnh báo khách quan, dù có thể phát sinh chi phí, là vô cùng cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư.

Tóm lại, chìa khóa để hạn chế rủi ro cho người mua trái phiếu doanh nghiệp nằm ở hai yếu tố then chốt: sự minh bạch thông tin từ doanh nghiệp phát hành và một hệ thống cảnh báo rủi ro đáng tin cậy. Khi nhà đầu tư được tiếp cận thông tin đầy đủ và nhận thức rõ ràng về các rủi ro tiềm ẩn, họ mới có thể đưa ra quyết định đầu tư một cách tỉnh táo và an tâm hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm