Ngày 12/5, Cục Đăng kiểm đã tạo riêng trên ứng dụng (app) đăng kiểm trực tuyến "TTDK - Đặt lịch đăng kiểm" tính năng đăng ký tài khoản doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các công ty vận tải, nhà xe, garage/salon ô tô hoặc các doanh nghiệp có số lượng lớn phương tiện có thể đăng ký nhiều xe và đặt lịch đăng kiểm.
Theo đó, khi đăng nhập vào app đăng kiểm trực tuyến này, chủ doanh nghiệp vào phần "Doanh nghiệp" và tạo các tài khoản theo trường dữ liệu yêu cầu.
Sau đó, doanh nghiệp có thể đăng ký nhiều phương tiện, và đặt lịch kiểm định cho các phương tiện này.
Thông qua tính năng này, Cục Đăng kiểm kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp quản lý số lượng xe và số lượng lịch hẹn đăng kiểm trong từng thời điểm khác nhau. Đồng thời giúp cả các Trung tâm đăng kiểm và doanh nghiệp chủ động đặt lịch kiểm định trong bối cảnh các trung tâm đang quá tải như hiện nay.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cả nước có hơn 240 trung tâm đăng kiểm với 384 dây chuyền hoạt động. Tổng công suất xe được kiểm định mỗi tháng khoảng 550.000 chiếc. Cũng theo Cục Đăng kiểm, tính đến đầu tháng 5/2023, số xe đến hạn nhưng chưa được kiểm định khoảng 800.000 chiếc trên toàn quốc (chưa tính đến xe phải đăng kiểm lại). Để giải quyết hết số xe đang đến hạn, sẽ mất khoảng 6 tháng.
Trong khi đó, cuối tháng 4 vừa rồi, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP. HCM đã đồng loạt gửi văn bản kêu cứu đến Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, Cục Đăng kiểm vì tình trạng ùn tắc đăng kiểm đang gây khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp vận tải.
Văn bản này cho biết, vì đặc thù doanh nghiệp vận tải có nhiều xe tải nặng, xe container... nên không phải trung tâm cũng có thể nhận kiểm định. Tình trạng xe hết hạn đăng kiểm nhưng không tìm được trung tâm đăng kiểm đúng hạn mà phải chờ 2-3 tuần sau mới đăng kiểm được ngày càng phổ biến.
Do đó, việc xe ở tỉnh này phải đi đến các tỉnh khác để đăng kiểm trở nên phổ biến.
Hoặc, xe phải tạm dừng hoạt động chờ đến ngày đăng kiểm. Tình trạng này gây thiệt hại kép cho doanh nghiệp vì ngoài mất doanh thu, còn phải chịu tiền thuê bến bãi, tiền nhân công, lệ phí đường bộ, lãi vay ngân hàng…
Điều này buộc các doanh nghiệp vận tỉa phải tăng giá dịch vụ để bù đắp thiệt hại. Điều này sẽ khiến giá cước hàng hóa tăng, chi phí hàng hoá cũng sẽ gián tiếp bị kéo tăng theo...