Cúm Vũ Hán, Covid-19 hay SARS-CoV-2? Sự phức tạp xung quanh việc đặt tên cho virus mới

Chủng mới của virus Corona gây ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp đang hoành hành cả thế giới hiện đã được đặt tên, và những cái tên đó đang gây nên rắc rối.
Cúm Vũ Hán, Covid-19 hay SARS-CoV-2? Sự phức tạp xung quanh việc đặt tên cho virus mới

Kể từ khi virus corona, lần đầu tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) và bắt đầu lan rộng, nó đã được gán cho đủ các loại tên gọi, chẳng hạn như “cúm Vũ Hán”, “virus corona Vũ Hán”, “nCoV”, và thậm chí cả một cái tên dài ngoằng “virus viêm phổi chợ hải sản Vũ Hán”.

Ngày 11/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức họp báo, công bố tên chính thức của căn bệnh là Covid-19 (viết tắt của cụm từ “dịch bệnh do chủng virus Corona năm 2019 gây ra”). Nhưng trước khi phiên họp báo kết thúc, Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus lại công bố một bài viết, theo đó đề xuất đặt tên theo đúng bản chất của virus là: “Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng do virus Corona lần thứ 2”, viết tắt là Sars-CoV-2. Tên gọi này phản ánh mối liên hệ “họ hang” gần gũi với virus gây bệnh SARS trước đây. Tuy nhiên, một phát ngôn viên của WHO tiết lộ với tạp chí Science rằng họ không muốn sử dụng cái tên này bởi lo ngại từ “Sars” có thể sẽ gây thêm hoảng loạn. Trong khi đó, một số báo đài vẫn gọi là “virus corona”, và một số khác lại coi tên dịch bệnh và tên chủng virus là như nhau, sử dụng cả hai khái niệm.

Những vấn đề phức tạp xung quanh

Trình tự đặt tên chính thức cho một chủng virus thường có các bước như sau: khi có xác nhận một chủng virus mới đã được phát hiện, các nhà khoa học có trách nhiệm đưa ra một vài gợi ý đặt tên cho nó và gửi những gợi ý tới Ủy ban Quốc tế về Phân loại Virus. Ủy ban này sẽ chọn một trong số những gợi ý đó và công bố tên chính thức.

Tuy nhiên, việc này không phải lúc nào cũng đơn giản. Một trong số những lý do là mặc dù ngày nay có đến 7.111 ngôn ngữ trên thế giới, bao gồm hàng triệu từ, nhưng lại rất khó để tìm ra một lựa chọn mà không làm mếch lòng ai đó. Nếu dùng từ sai, cái tên có thể làm ô danh cả một khu vực, hủy hoại một ngành công nghiệp hoặc thậm chí gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao.

Jens Kuhn, chuyên gia về virus độc tính cao tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết: “Đây là một điều phức tạp mà mọi người ít khi suy nghĩ cẩn trọng. Có rất nhiều điều trong cuộc sống dễ gây tranh cãi, đặc biệt khi nói đến việc đặt tên, con người ta thường nhảy dựng lên ngay lập tức”.

Và khi càng mất nhiều thời gian để tìm một cái tên hợp lý thì càng có nhiều khả năng virus đó sẽ được gắn chặt với cái tên phổ biến nhất - giống như cách mà bệnh cúm H1N1 thường được gọi là cúm lợn.

Theo nhà nghiên cứu Jens Kuhn, cách tốt nhất để đảm bảo thế giới sử dụng cùng một tên gọi để chỉ một loại virus nào đó, đó là gọi tên theo chủng virus. Vậy cái tên lý tưởng thường có những đặc trưng gì?

Đầu tiên, nó phải độc đáo. Gọi virus mới là virus corona Vũ Hán sẽ gây vấn đề. Hiện đã tồn tại ít nhất là 17 loại virus tương tự như loại “Vũ Hán” này, từ “virus dế” đến “virus muỗi”, và hầu hết đều không gây nguy hiểm cho con người. Bất kỳ cái tên nào gắn những chủng virus này với sự bùng phát dịch bệnh ở người cũng đều có thể làm phức tạp vấn đề và làm rối cho việc nghiên cứu. Tên gọi cũng cần phải ngắn gọn và “hợp tai”. Và nếu một cái tên quá lằng nhằng thì công chúng sẽ không buồn sử dụng. Cuối cùng, và có lẽ là điều quan trọng nhất, cái tên xúc phạm đến càng ít người càng tốt.

Mặc dù virus corona chủng mới mới nhất hiện đã được đặt tên, nhưng những tổn thất phát sinh từ các tên gọi khác nhau có lẽ đã xảy ra rồi. Được cho là rõ ràng có liên hệ tới thành phố Vũ Hán, với hàng nghìn tít báo đăng tải trên toàn cầu trong vài tuần, và thậm chí TT Hoa Kỳ Donald Trump còn nhiều lần cố tình nhắc tới, thì thật khó để loại virus này được công chúng biết đến với cái tên nào khác ngoài tên gọi “virus Vũ Hán”.

Để tránh tất cả những chỉ trích và tranh cãi về sự cố tương tự trong tương lai, WHO đã công bố một số hướng dẫn, trong đó đề nghị tránh hoàn toàn tên người, tên động vật hoặc địa danh. Tên sẽ chỉ đơn giản là mô tả các triệu chứng mà virus gây ra. Song thật đáng kinh ngạc, thậm chí hệ thống này cũng vẫn có khả năng gây xúc phạm.

Bởi dựa trên bản phúc trình “Cấu trúc xã hội của dịch Sars: Nghiên cứu về khủng hoảng truyền thông y tế,” các quan chức Hong Kong mô tả sự bùng phát dịch năm 2002 bằng thuật ngữ “viêm phổi không điển hình” trong một thời gian, sau khi nhận thấy sự tương đồng giữa tên gọi bệnh Sars với “Hong Kong SAR”- cụm từ viết tắt của Đặc khu Hành chính Hong Kong (Hong Kong Special Administrative Region). Nếu như tên gọi “SARS-CoV-2” được dùng, thì Hong Kong có lẽ cũng sẽ không hài lòng.

Nguồn: BBC

Có thể bạn quan tâm