Cuộc đại thanh lọc trên thị trường chứng khoán: Từ xóa tài khoản ảo, tổng rà soát doanh nghiệp đến loại cổ phiếu “xấu”

Để tiến đến gần hơn với mục tiêu nâng hạng của thị trường chứng khoán, cần phải có cuộc những “thanh lọc” từ “xóa sổ” tài khoản chứng khoán ảo đến đưa doanh nghiệp ra “ánh sáng”, hủy niêm yết và đình chỉ cổ phiếu vi phạm… nhằm làm sạch dữ liệu, trả lại sự minh bạch cho thị trường...

chứng khoán a.jpeg
Sàng lọc thị trường vốn: Từ “xóa sổ” tài khoản chứng khoán ảo đến đưa doanh nghiệp ra “ánh sáng”, hủy niêm yết cổ phiếu

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, không ngừng hoàn thiện về cấu trúc, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Song, đến nay, thị trường vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết như: “hàng hóa” khan hiếm khiến nhà đầu tư không có lựa chọn mới; chất lượng quản trị của phần lớn doanh nghiệp niêm yết chưa đáp ứng yêu cầu của khu vực, quốc tế và chưa theo kịp xu hướng chuyển đổi xanh…

Do đó, để tiến đến gần hơn với mục tiêu nâng hạng của thị trường chứng khoán, cần phải có cuộc những “thanh lọc” từ “xóa sổ” tài khoản chứng khoán ảo đến đưa doanh nghiệp ra “ánh sáng”, hủy niêm yết và đình chỉ cổ phiếu… nhằm làm sạch dữ liệu, trả lại sự minh bạch cho thị trường.

XÓA HƠN 880.000 TÀI KHOẢN TRONG 2 THÁNG

Mới đây, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) đã công bố thông tin, riêng trong tháng 11/2023, tổng số tài khoản mở mới là 148.592 tài khoản, số tài khoản thực hiện đóng là 341.393 tài khoản.

Số tài khoản được đóng nhiều nhất được ghi nhận tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), cụ thể là 339.968 tài khoản.

Phía MBS cho biết, công ty vẫn đang trong quá trình rà soát danh sách các tài khoản chứng khoán và chủ động thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không phát sinh giao dịch.

Trước đó, trong tháng 10, số lượng lớn tài khoản chứng khoán thực hiện đóng, là 545.386 tài khoản với phần lớn các tài khoản này đều được mở ở MBS. Như vậy trong 2 tháng liên tiếp, số tài khoản chứng khoán thực hiện đóng tại công ty này là hơn 880.000 tài khoản.

tai-khoan-mo-moi-949.png
Số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới theo các tháng

Những thông tin trên đã gây “chấn động” trong dư luận, khắp các diễn đàn trên mạng xã hội bàn tán sôi nổi, liệu rằng hàng trăm nghìn tài khoản bị đóng cửa có ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung hay không? Song, những nỗ lực của thị trường trong thời gian qua dường như đã gián tiếp đưa ra đáp án.

Trên thực tế, việc hàng trăm nghìn tài khoản bị “xóa sổ” không có tác động đến thị trường. Bằng chứng là, sau khi trải qua chuỗi 2 tháng giảm điểm sâu nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay, VN-Index đã có một nhịp hồi phục khoảng 10% lên cao nhất 1.132 điểm, kể từ mức đáy gần nhất 1.020 điểm được thiết lập vào cuối tháng 10. Sau đó là các nhịp tăng giảm đan xen với cường độ khác nhau và kết phiên giao dịch 30/11 tại mức 1.094,13 điểm.

Thanh khoản thị trường cũng có sự phục hồi với tổng giá trị giao dịch bình quân ở mức 19.292 tỷ đồng/phiên, tăng 14%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân tăng 12,2% lên mức 17.363 tỷ đồng/phiên.

Hồi cuối tháng 9, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử. Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán.

Việc làm sạch dữ liệu người dùng sẽ giúp đối chiếu thông tin của người dùng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo. Nhiệm vụ này được yêu cầu phải hoàn thành trong tháng 11. Chỉ đạo trên được đưa ra khi thời gian qua nhiều cá nhân bị khởi tố vì thao túng chứng khoán để thu lợi.

TỔNG RÀ SOÁT DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT

Trong vài năm trở lại đây, đã có không ít những vụ án thao túng thị trường chứng khoán bị cơ quan chức năng đưa ra “ánh sáng”, khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp dính vòng lao lý, thậm chí lĩnh án phạt tù chung thân.

thao-tung-gia-co-phieu-flc-4736.jpeg
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị bắt vì tội “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Trong đó, có những vụ việc gây rúng động bằng cách sử dụng nhiều tài khoản để “thổi giá” cổ phiếu tăng mạnh đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như vụ án khởi tố hình sự như Trịnh Văn Quyết và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu FLC; rồi đến Đỗ Thành Nhân và Chứng khoán Trí Việt tại nhóm cổ phiếu Louis; hay Nguyễn Đỗ Lăng và đồng phạm tại nhóm cổ phiếu “họ” Apec... cùng nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính hàng tỷ đồng và đình chỉ giao dịch nhiều tháng. Những sai phạm nêu trên đã tác động mạnh đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư.

louis_triviet_1327-1681027307090
Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Holdings thông đồng với Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt và các đối tượng khác sử dụng nhiều tài khoản giao dịch chứng khoán thực hiện mua, bán và lôi kéo người khác mua, bán chứng khoán để thao túng giá cổ phiếu TGG, cổ phiếu BII và các mã chứng khoán khác trái quy định pháp luật, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng.

Do đó, việc rà soát, xác thực, làm sạch dữ liệu thông tin về người tham gia giao dịch chứng khoán, trong đó có thông tin người thân tham gia giao dịch chứng khoán là điều vô cùng cần thiết.

Bên cạnh đó, một loạt quan chức Uỷ ban chứng khoán Nhà nước cũng bị kỷ luật, sau khi kết luận kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ các lãnh đạo của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước buông lỏng quản lý, dẫn đến thị trường phát triển không lành mạnh và để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.

Không những vậy, trên sàn chứng khoán cũng xuất hiện vô vàn án phạt liên quan đến việc giao dịch cổ phiếu không công bố thông tin theo quy định. Cách đây không lâu, nam ca sĩ Phạm Khánh Phương – chủ nhân bản hit Chiếc khăn gió ấm đã bị phạt tổng cộng 245 triệu đồng do giao dịch cổ phiếu SJC của Công ty Cổ phần Sông Đà 1.01 mà không báo cáo, hoặc báo cáo không đúng thời hạn.

Rồi đến Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (mã chứng khoán: LDG) – ông Nguyễn Khánh Hưng cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị phạt tiền hơn 520 triệu đồng do bán “chui” hơn 2,6 triệu cổ phiếu LDG vào ngày 15/8. Ngoài ra, Chủ tịch LDG còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 4 tháng, kể từ ngày 25/8.

Hay mới đây, Ông Vũ Văn Quân, từng là cổ đông lớn của Công ty Cổ phần Tư vấn điện lực Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán: PPE) vừa bị phạt 100 triệu đồng do mua "chui" 523.000 cổ phiếu PPE từ năm 2021.

Những án phạt nêu trên xuất hiện rất nhiều trên thị trường, dấy lên lo ngại về những vụ việc nghiêm trọng hơn như hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Nỗi khổ cuối cùng luôn là các nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề.

Có thể thấy, dù có được nâng hạng khi thỏa các tiêu chí về mặt kỹ thuật ban đầu và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào, nhưng nếu các hành vi giao dịch nội gián, thao túng giá cổ phiếu, bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin vẫn tồn tại, các doanh nghiệp niêm yết vẫn theo kiểu “ăn xổi ở thì”, thì thị trường không thể nào phát triển bền vững được. Khi đó, niềm tin lại sụt giảm dẫn đến dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài lẫn nội địa khó có thể gắn bó lâu dài.

HÀNG LOẠT CỔ PHIẾU “LĨNH ÁN” HỦY NIÊM YẾT

Câu chuyện cổ phiếu trên các sàn chứng khoán bị hủy niêm yết vẫn được ví như “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng có lẽ, sau hai thập kỷ trôi qua, chưa có lúc nào, Sở Giao dịch Chứng khoán lại đưa ra nhiều “án” rời sàn đối với nhiều doanh nghiệp như vậy. Chỉ trong tháng 11, hàng loạt mã cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc hoặc có nguy cơ bị hủy niêm yết trên sàn HOSE và HNX.

shark-thuy-1
Ông Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thuỷ), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings

Mới đây nhất, 83,1 triệu cổ phiếu IBC của Công ty Cổ phần Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy (shark Thuỷ) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị đã bị HOSE huỷ niêm yết bắt buộc. Nguyên nhân bị huỷ niêm yết do đến nay công ty chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022; báo cáo tài chính quý 1, quý 2 và soát xét bán niên năm 2023; báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm 2023. Thêm vào đó, Apax Holdings cũng chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Tương tự, HOSE cũng thông báo sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TGG của The Golden Group vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023.

Cuối tháng 11 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành quyết định về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với 11,5 triệu cổ phiếu BLF của Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu do cổ phiếu này không có giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng.

Trước đó, HNX cũng cho biết sẽ hủy đăng ký giao dịch đối với 20 triệu cổ phiếu SGO của Công ty Cổ phần Dầu thực vật Sài Gòn kể từ ngày 10/11/2023, do công ty đã bị hủy tư cách công ty đại chúng kể từ ngày 2/10.

Đáng nói, với hàng loạt lỗi vi phạm về công bố thông tin, toàn bộ số cổ phiếu trên đã bị đình chỉ giao dịch và hạn chế giao dịch từ tháng 2/2023. Thêm vào đó, tình hình kinh doanh sa sút nghiêm trọng khiến Dầu thực vật Sài Gòn không còn công bố báo cáo tài chính kể từ lần cuối vào quý 4/2018 và không tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên từ năm 2018 đến nay.

Theo quy định, cổ phiếu của một công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết nếu kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp; công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán báo cáo tài chính năm gần nhất; công ty vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng như liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị; công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng.

Căn cứ vào những quy định nêu trên, nhiều cổ phiếu khác cũng đang đối mặt với nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trong năm 2023 do có kết quả kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp 2020, 2021 và 2022. Điển hình như: cổ phiếu HOT của Du lịch Dịch vụ Hội An; HVN của Vietnam Airlines, L35 của Cơ khí lắp máy Lilama; SII của Hạ tầng nước Sài Gòn; TKC của Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ …

Bên cạnh đó, còn nhiều trường hợp bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước thông báo huỷ tư cách công ty đại chúng như DPN của Đường sắt phía Nam, THI của Thiết bị điện, DPD của Cao su Đồng Phú – Đắk Nông, SHX của Sài Gòn Hỏa Xa...

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa cho biết cơ quan này sẽ đình chỉ giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp UPCoM không thực hiện công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm từ 3 năm tài chính liên tiếp trở lên.

Thị trường chứng khoán luôn diễn ra quá trình sàng lọc, chỉ có những doanh nghiệp hoạt động tốt, tuân thủ pháp luật mới có thể tồn tại lâu dài. Có thể thấy, việc hàng loạt các doanh nghiệp niêm yết phải rời sàn chứng khoán đến huỷ tư cách công ty đại chúng do vi phạm các quy định cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật, giúp cho nhà đầu tư tránh mua phải hàng hóa kém chất lượng, giảm thiểu rủi ro, nhất là trong bối cảnh các cơ quan quản lý, tổ chức phát hành và trung gian đang chung tay thúc đẩy nhanh quá trình nâng hạng thị trường.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...