Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có những phát triển vượt bậc, nhất là về khối lượng phát hành cũng như gia tăng số nhà đầu tư, đóng góp thiết thực cho sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch.
NGHỊ ĐỊNH 08 GIÚP DOANH NGHIỆP “THỞ PHÀO”
Tại tọa đàm "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" được tổ chức vào ngày 4/12, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và các tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) đã có những nhận định về thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian qua.
Cụ thể, ông Dương cho biết, từ sau các vụ việc trên thị trường tài chính vào tháng 10/2022, cùng với diễn biến xấu thị trường tài chính trong và ngoài nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bị tác động nặng nề, nhà đầu tư mất niềm tin, doanh nghiệp bị áp lực phải mua lại trái phiếu đã phát hành cũng như không phát hành được trái phiếu mới để huy động nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh các chính sách duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh, Nghị định 08/2023-NĐ-CP (ban hành ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung các quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu) được đánh giá là khẩn trương và kịp thời, với các điểm nhấn liên quan đến hoãn thực hiện một số quy định của Nghị định 65, cũng như cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư có các cơ chế đàm phán, giãn, hoãn và hoán đổi trái phiếu đã phát hành trên tinh thần rủi ro chia sẻ, lợi ích hài hòa giữa các bên.
Nghị định 08 đã tạo ra những dấu hiệu tích cực hơn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu trở lại. Ông Nguyễn Hoàng Dương lấy dẫn chứng, trong năm 2023, tính đến hết tháng 11, có 77 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với khối lượng khoảng 220.000 tỷ đồng, đáng nói, kể từ quý 2, khối lượng phát hành tháng sau đều cao hơn tháng trước, thay vì hầu như không có đợt phát hành nào như trong quý 1.
Bên cạnh đó, kết quả đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn cho thấy khoảng 40% khối lượng trái phiếu chậm trả của 68 doanh nghiệp đến nay đã có phương án đàm phán. Tỷ lệ đàm phán thành công tăng từ 16% vào tháng 2/2023 lên 63% vào tháng 10/2023. Cho thấy doanh nghiệp và nhà đầu tư đã rất nỗ lực thực hiện đàm phán thanh toán trái phiếu đến hạn.
“MỚ BÒNG BONG” CÒN TỒN TẠI TRÊN THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU
Mặc dù nhiều chính sách đã được ban hành nhưng thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn được đánh giá còn nhiều hạn chế, bất cập; nhất là những vấn đề về minh bạch thông tin; tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp phát hành; việc thực hiện các cam kết với nhà đầu tư; hay khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế tiếp tục khó khăn...
Bình luận về vấn đề này, Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đã chỉ rõ, rào cản lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là hình thức phát hành. Theo thống kê, khoảng 90% là phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và chỉ 10% là phát hành ra công chúng. Đối với phát hành riêng lẻ, thông thường quy trình đơn giản hơn và chỉ chủ yếu phát hành cho một nhóm các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đáp ứng các điều kiện Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra. Vì vậy cấu trúc này đang rất mất cân đối.
Rào cản tiếp theo là cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân ban đầu chỉ chiếm khoảng 5%, nhưng sau đó lên thị trường thứ cấp thì tăng lên 28,5%. Do đó, vẫn có rất nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự chuyên nghiệp, còn thiếu hiểu biết, thiếu năng lực đánh giá rủi ro nhưng vẫn tham gia sôi động tới gần 30%.
“Ngoài ra, tính công khai, minh bạch vẫn còn hạn chế và quy trình thủ tục phát hành ra công chúng vẫn tương đối phức tạp. Đây là vấn đề chúng tôi phải kiến nghị để cải tiến hơn nữa quy trình, thủ tục, cũng như quá trình duyệt hồ sơ nhanh hơn đối với phát hành trái phiếu ra công chúng, nhằm mục đích doanh nghiệp phát hành ra công chúng nhiều hơn thay vì việc chỉ có 10% như hiện nay”, ông Lực phân tích.
Cuối cùng, ông Cấn Văn Lực cho rằng, rào cản của thị trường trái phiếu trong thời gian qua còn là tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật của doanh nghiệp và của một số nhà đầu tư, chính vì vậy mới xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.
Bàn luận về vấn đề này, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nhìn từ góc độ tham mưu và làm chính sách, việc vi phạm pháp luật như thời gian vừa qua là các trường hợp rất đáng tiếc.
Có những giai đoạn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin, đến việc phát hành và thanh khoản của thị trường, đồng thời tác động xấu đến cả hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế nói chung. Việc xử lý nghiêm, nhanh, kịp thời là yếu tố quan trọng nhất.
Tuy nhiên nếu nhìn ở chiều hướng tích cực, chính các trường hợp vi phạm như vừa qua, cộng với một số hạn chế có đặc điểm riêng đã mang đến cho người làm chính sách và cả người đầu tư rất nhiều bài học quý giá.
Đối với người làm chính sách, từ các vụ vi phạm, có thể rút được một số kinh nghiệm từ việc vi phạm pháp luật, thì đầu tiên phải hiểu nguyên nhân là do thực thi pháp luật. Từ đó cần tập trung nhiều hơn vào việc cải thiện thực thi, giám sát chính sách chứ không phải sửa đổi chính sách.
“Trong thời gian tới, từ những sự kiện vừa qua, nhu cầu hoàn thiện pháp luật có thể có, ví dụ như có thể chúng ta cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, của người phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu bị vi phạm. Như vậy, nhà đầu tư biết khi xảy ra trường hợp này, họ có quyền và lợi ích gì và khi không thanh khoản được trái phiếu do rủi ro của thị trường thì quyền và lợi ích của nhà đầu tư như thế nào. Nhờ đó, nhà đầu tư có thêm kênh để quyết định” ông Hiếu gợi ý.
Đối với nhà đầu tư, bản thân mỗi người phải tự rút ra bài học khi đưa ra quyết định đầu tư bằng cách nâng cao chuyên môn của mình, chứ không hoàn toàn dựa vào việc mua theo phong trào hay mong muốn có lợi ích cao.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI nhìn nhận, đối với thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào đều trải qua sự phát triển và những va vấp, để sau đó chỉnh sửa lại các quy định, chính sách hướng đến chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển của mình.
Đây cũng là những cú vấp tương đối tất yếu. Khi nhìn sang các nước xung quanh, trước khi họ đi đến một thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển hoàn thiện thì cũng đã trải qua những vấn đề tương tự.
Trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm đi vay và cho vay, nếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nhất định thì thị trường này cũng vận động theo nguyên tắc chung như vậy. Tuy nhiên ở khía cạnh nhà đầu tư, cần có kiến thức đầy đủ, được tiếp cận nguồn thông tin chính xác trên cơ sở khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh.
“Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, bị xử lý hình sự ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ rằng, trái phiếu chỉ là một phần trong vi phạm của các doanh nghiệp này và đây là con số không nhiều so với toàn bộ quy mô thị trường”, bà Ngọc Anh nói.
Những trường hợp vi phạm này chủ yếu rơi vào tổ chức phát hành cố tình dựa thực hiện các hoạt động phát hành không đúng mục đích, không đúng đối tượng phát hành.
Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính trung gian có thể vô tình hoặc cố tình cũng có những sai phạm nhất định trong quá trình làm hồ sơ và phân phối trái phiếu đến tay những người chưa đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu.
"Tất cả những điều này là cơ sở, nền tảng để các bên cùng ngồi lại và chuẩn hóa lại khuôn khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cái sai này là một cú va vấp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường trong quá trình phát triển của mình. Sau cú va vấp này, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn", bà Ngọc Anh nêu quan điểm.