Thương Gia đã có cuộc trao đổi với TS.Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, Việt Nam chuẩn bị tổng kết 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dưới góc độ của một người có nhiều năm theo dõi tình hình đầu tư, ông đánh giá thế nào về việc thu hút vốn FDI thời gian qua?
Có thể thấy, chỉ trong vòng hơn 10 năm trở lại đây, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nguồn vốn FDI vào Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc. Các dự án FDI đã mở rộng độ phủ ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhà đầu tư nước ngoài đã rót khoảng 276 tỷ USD vào Việt Nam, cao gấp nhiều lần con số của 20 năm trước đó.
Sau 30 năm, nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư nước ngoài giúp tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - điện đại hóa, thông qua FDI, Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến của thế giới để phát triển các ngành kinh tế sử dụng công nghệ hiện đại, như: Cơ khí chính xác, điện tử, công nghiệp phần mềm, bưu chính-viễn thông, công nghệ sinh học…
Tuy vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng FDI đã có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ý kiến của ông thế nào về “mặt trái” này?
Tận dụng nguồn vốn FDI để phát triển kinh tế là bước đi hiệu quả cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá mức vào FDI khiến cho nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ không thể tăng trưởng nếu thiếu nguồn vốn này.
Thống kê cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực FDI, đặc biệt một số công ty lớn. Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu của Việt Nam thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và trên 72% trong năm 2017.
Bên cạnh đó, một bộ phận DN FDI đã lợi dụng chính sách ưu đãi để thực hiện chuyển giá, đưa vào nước đầu tư những dự án có công nghệ lạc hậu gây tác hại đến môi trường sinh thái... Đặc biệt, hiệu quả FDI trong việc chuyển giao công nghệ và liên kết với các DN trong nước vẫn chưa kỳ vọng.
Nguyên nhân của những tác động tiêu cực này là gì thưa ông?
Những tác động tiêu cực của dòng vốn FDI có thể xuất phát từ trình độ quản lý và hệ thống kiểm soát còn nhiều bất cập, người lao động chưa có tay nghề và trình độ cao, chưa cập nhật kiến thức và thông tin về các loại hình công nghệ mới; các chính sách về chuyển giao công nghệ chưa được hoàn thiện; chính sách ưu đãi đầu tư chưa thật sự hấp dẫn với nhà đầu tư do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư thiếu nhất quán; cơ sở hạ tầng còn yếu kém nên vẫn chưa tạo điều kiện tốt để dòng vốn FDI được phát huy hiệu quả.
“Việc quản lý chưa thực sự sát sao và những chính sách ưu đãi quá mức của địa phương dành cho DN FDI đã có phần ảnh hưởng sự phát triển của DN trong nước, gây khó khăn và tạo khoảng cách giữa hai bên.
Về chính sách thu hút thì sao? Muốn thu hút, chính sách phải hấp dẫn nhưng không ít ý kiến cho rằng, nhiều địa phương đã “thả cửa”, ưu ái quá mức dẫn đến số lượng thì nhiều mà hiệu quả lại chưa cao, tạo ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng giữa các DN?
Đúng là đã có tình trạng thu hút FDI chưa đồng bộ trên cả nước. Mỗi tỉnh, mỗi địa phương có kế hoạch FDI của riêng mình, vì lợi ích cục bộ và ngắn hạn, dẫn tới tình trạng nguồn vốn FDI bị phân bổ và sử dụng kém hiệu quả. Việc quản lý chưa thực sự sát sao và những chính sách ưu đãi quá mức của địa phương dành cho DN FDI đã có phần ảnh hưởng sự phát triển của DN trong nước, gây khó khăn và tạo khoảng cách giữa hai bên.
Điều dễ nhận thấy là sự liên kết giữa các DN FDI và DN có vốn nội còn hạn chế. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mới có khoảng 36% số DN Việt Nam tham gia được vào mạng lưới sản xuất để xuất khẩu của khối FDI, rất thấp so với tỷ lệ 60% ở Malaysia hay Thái Lan.
Điều này chứng tỏ, DN Việt Nam đang được hưởng lợi rất ít từ hiệu ứng lan tỏa do dòng vốn FDI mang lại qua quá trình chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.
Tuy nhiên, đây cũng là một phần trách nhiệm của DN Việt Nam. Để nắm bắt được cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, các DN trong nước cần chuẩn bị năng lực cũng như xây dựng chiến lược rõ ràng để phát triển và đáp ứng yêu cầu của các DN FDI.
Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam có nên siết chặt các tiêu chuẩn đối với vốn FDI? Nếu thực hiện việc siết chặt dòng vốn FDI nền kinh tế có lâm vào tình trạng thiếu vốn, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế?
Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải có những biện pháp sàng lọc, tiêu chuẩn cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đảm bảo sự phát triển kinh tế toàn diện và bền vững cho cả DN FDI và DN trong nước. Cần xác định rằng, thu hút FDI với mục tiêu quan trọng nhất không phải là số lượng vốn thu nhận được, mà phải là hài hòa hiệu quả kinh tế- xã hội - môi trường, hài hòa lợi ích của nước chủ nhà với lợi ích của nhà đầu tư.
Nhằm duy trì sức hút vốn FDI cần phải cải thiện chất lượng nguồn lao động thông qua đào tạo để trở thành lao động có trình độ kỹ thuật cao, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xác định kế hoạch xúc tiến đầu tư rõ ràng.
Ngoài ra, cần tăng cường vai trong quản lý Nhà nước, nhất là vai trò bảo đảm lợi ích quốc gia của các cấp ngành Trung ương, khắc phục tình trạng chia cắt, thiếu phối hợp và sự đồng bộ trong quản lý, các cơ quan quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường… để nâng cao chất lượng khu vực FDI theo hướng phát triển bền vững.
Ông nhận định thế nào về sự dịch chuyển của dòng vốn FDI trong thời gian tới? Liệu Việt Nam có thể trở thành một điểm đến ưa thích của FDI hay không? Đâu là những lĩnh vực có sức hấp dẫn với FDI? Vì sao?
Căn cứ vào tình hình thực hiện của FDI trong 30 năm qua có thể thấy thu hút vốn FDI dự kiến sẽ vẫn đạt được kết quả tốt trong thời gian tới do Việt Nam có nguồn lực tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và mức lương tương đối thấp. Tuy nhiên, những lợi thế này đang dần mất đi trong bối cảnh Cách mạng công nghệ 4.0, cần thiết phải có chiến lược mới trong thu hút FDI.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải thận trọng và chuẩn bị tâm lý trước những tình huống bất lợi do việc gia tăng bảo hộ, cụ thể là mâu thuẫn về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc làm tăng nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại. Với tốc độ tăng trưởng cao và ổn định trong nhiều năm sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và trở thành điểm đến hấp dẫn hơn so với các nước khác trong khu vực.
Xét theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, theo sau đó là lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Dòng vốn FDI đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến trong những năm gần đây tăng cao do những chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển được chính phủ ban hành để thúc đẩy 2 ngành kinh tế mũi nhọn là công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ, lượng nhân công lớn với chi phí lao động rẻ. Hơn nữa, sự hiện diện của các hãng nhà máy công nghệ hiện đại từ Samsung, LG... cũng đã minh chứng cho sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Cần xác định rằng, thu hút FDI với mục tiêu quan trọng nhất không phải là số lượng vốn thu nhận được, mà phải là hài hòa hiệu quả kinh tế- xã hội - môi trường, hài hòa lợi ích của nước chủ nhà với lợi ích của nhà đầu tư.
Bộ KH&ĐT vừa công bố Dự thảo Chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2018 – 2023 với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả của vốn FDI. Ông đánh giá thế nào về dự thảo này?
Dự thảo Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018 - 2023 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ giúp phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực đang tồn tại trong dòng vốn FDI. Định hướng tập trung thu hút các dự án FDI chất lượng, dự án lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường liên kết FDI với khu vực DN trong nước, hỗ trợ khu vực DN trong nước cùng phát triển, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Xin cảm ơn ông!