Trong đó, lĩnh vực giáo dục, đào tạo: 4 dự án; y tế: 2 dự án; bất động sản - du lịch, dịch vụ, thương mại: 6 dự án; văn hóa - thể thao 2 dự án; hạ tầng công nghiệp, công nghệ thông tin: 6 dự án; công nghiệp công nghệ cao: 3 dự án; công nghiệp ứng dụng công nghệ cao: 4 dự án và giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics: 9 dự án.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao có dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không, vũ trụ (suất đầu tư: 15 triệu USD/ha); dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thiết kế, chế tạo robot (suất đầu tư: 8-15 triệu USD/ha) và dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học (suất đầu tư: 10-15 triệu USD).
Cả 3 dự án nêu trên đều được UBND thành phố kêu gọi đầu tư giai đoạn 2022-2025, trên diện tích đất sạch đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; hình thức đầu tư 100% vốn của nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư dự kiến do nhà đầu tư đề xuất.
Tại Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung Đà Nẵng cũng có 3 dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2022-2025. Trong đó, dự án Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày và triển lãm CNTT gồm 4 tòa nhà tổ hợp văn phòng kết hợp Data center cao 26 tầng, khu trưng bày, khu hội chợ triển lãm… trên diện tích 8,7ha; hình thức đầu tư 100% vốn của nhà đầu tư, suất đầu tư dự kiến 10-15 triệu USD/ha.
Dự án Khu nhà xưởng chuyên dụng, phụ trợ ICT nhằm xây dựng Khu R&D nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ phần cứng, phần mềm, nội dung số và các sản phẩm dịch vụ CNTT trên diện tích gần 58ha, quy mô nhà xưởng 2-6 tầng; hình thức đầu tư 100% vốn của nhà đầu tư, suất đầu tư dự kiến 10-15 triệu USD/ha.
Dự án Khu R&D nhằm xây dựng khu R&D nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ phần cứng, phần mềm, nội dung số và các sản phẩm dịch vụ CNTT…; xây dựng trung tâm đào tạo, phòng Lab khu đổi mới sáng tạo, startup… trên diện tích 12ha, quy mô 6-10 tầng, hình thức đầu tư 100% vốn của nhà đầu tư, suất đầu tư dự kiến 8-10 triệu USD/ha.
Các diện tích cho cả 3 dự án này đều đã được giải phóng mặt bằng; cung cấp điện có trạm biến áp 110/220kV, công suất 40MVA; cung cấp nước từ Nhà máy nước hồ Hòa Trung 20.000m3; có hệ thống xử lý chất thải, nước thải với tổng công suất 18.000m3 ngày/đêm (công suất hiện tại 4.500m3/ngày đêm). Giao thông gồm các tuyến đường 33m, 40m kết nối theo ô bàn cờ, đấu nối trực tiếp vào tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài và cao tốc La Sơn - Túy Loan.
Trước đó ngày 21/6 Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử (MEMS) của Vector Fabrication (Mỹ) tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.
Theo đó, dự án có vốn đầu tư là 1.366,8 tỷ đồng, tương đương 60 triệu USD, diện tích đất sử dụng 40.000m2, với mục tiêu sản xuất bảng mạch in điện tử (PCB) và nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS).
Dự án dự kiến sẽ khởi công xây dựng ngay trong năm 2022 và đi vào hoạt động của giai đoạn 1 vào đầu năm 2025.
Dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in và vi cơ điện tử (MEMS) là dự án thứ 11 được chấp thuận chủ trương đầu tư tại khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng từ đầu năm đến nay là 11 dự án.
Trong số này có 3 dự án FDI với vốn đăng ký đầu tư là 65,04 triệu USD, 8 dự án trong nước với vốn đăng ký đầu tư là 1.228,74 tỷ đồng, 38 lượt điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó 18 lượt điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm là 17,56 triệu USD và 193,95 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 4 dự án với vốn đầu tư là 8,5 triệu USD và 42 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã thu hút 508 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng và 130 dự án FDI với vốn đầu tư trên 1.860 triệu USD.