Mới đây, Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL - mã chứng khoán: QCG) đã công bố báo cáo tài chính bán niên 2024 đã được soát xét. Theo ghi nhận, trong quý 2/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm mạnh 41% so với cùng kỳ, về còn hơn 26 tỷ đồng. Kết quả, Quốc Cường Gia Lai báo lỗ ròng hơn 17 tỷ đồng, đây cũng là mức lỗ quý cao nhất trong hơn một thập niên đã qua của doanh nghiệp này.
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu của "đại gia phố núi” giảm tới gần 70% xuống còn 65 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp chính là mảng thuỷ điện với hơn 37 tỷ đồng, mảng cao su với gần 19 tỷ đồng, mảng bất động sản chỉ còn đóng góp 8,6 tỷ doanh thu.
Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp công ty còn 70 triệu đồng, cùng kỳ năm ngoái thu về gần 22 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các chi phí, Quốc Cường Gia Lai lỗ sau thuế gần 17 tỷ đồng, lỗ ròng hơn 15 tỷ đồng.
Giải trình về việc kinh doanh lao dốc, Quốc Cường Gia Lai cho biết, thị trường bất động sản nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Mặt khác, nửa đầu năm là mùa khô dẫn đến các nhà máy thủy điện của công ty không đủ nước để phát điện nên sản lượng điện khai thác còn thấp.
Cùng với đó, cao su chỉ được đưa vào khai thác từ cuối tháng 5 nên doanh thu chưa nhiều. Chi phí khấu hao và lãi vay hàng tháng không phụ thuộc vào sản lượng khai thác dẫn đến giá vốn so với doanh thu tăng cao nên lợi nhuận sau thuế là số âm.
Với việc lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2024 là số âm, cổ phiếu QCG mới đây đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ.
Trước đó, doanh nghiệp này đặt mục tiêu trong năm 2024 thu về 1.300 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi trước thuế 100 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng qua, công ty mới thực hiện được 5% mục tiêu doanh thu và chưa ghi nhận bất kỳ đồng tiền lãi nào.
Tính đến hết quý 2/2024, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty chỉ còn hơn 27,5 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho hơn 7.028 tỷ đồng, chiếm 75% tổng tài sản doanh nghiệp.
Công ty tồn kho chủ yếu là bất động sản dở dang bao gồm chi phí tiền sử dụng đất, tư vấn thiết kế, xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến dự án Khu dân cư Phước Kiển (Nhà Bè), Lavida và một số dự án khác. Hàng hóa bất động sản tồn kho gồm các dự án đã xây dựng hoàn thành tại Chung cư Quốc Cường Gia Lai II - Lô A, dự án Decapella, Chung cư Giai Việt và một số dự án khác.
Kiểm toán có nêu vấn đề khác tại báo cáo tài chính. Cụ thể ngày 11/4, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã ra bản án sơ thẩm buộc công ty trả lại toàn bộ số tiền nhận từ Sunny Island là 2.882,8 tỷ đồng để thi hành nghĩa vụ cho bà Trương Mỹ Lan. Nếu hoàn trả đủ thì công ty sẽ nhận lại toàn bộ các bất động sản cùng giấy tờ liên quan.
Tại ngày 23/4, Quốc Cường Gia Lai đã có đơn kháng cáo với nội dung kháng nghị tòa án chấp thuận cho công ty chỉ trả lại số tiền là 1.441,1 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào cuối tháng 7 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Cường, Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai (còn được gọi là Cường “đô la”) cho biết để lấy lại dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, công ty sẵn sàng thoái vốn hoặc bán các dự án thuỷ điện.
Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo lần này là mức thu nhập của dàn lãnh đạo Quốc Cường Gia Lai. Mặc dù doanh thu sụt giảm mạnh và lợi nhuận lỗ kỷ lục nhưng thu nhập của 8 thành viên trong Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát, và Ban Tổng Giám đốc công ty lại tăng gần gấp đôi.
Nửa đầu năm nay, bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn là Tổng Giám đốc kiêm Thành viên Hội đồng quản trị. Hội đồng quản trị miễn nhiệm bà Loan vào tháng 7 năm nay, sau khi bà bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra hành vi "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trong 6 tháng đầu năm, bà Loan và ông Lại Thế Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó Tổng Giám đốc cùng nhận mức thu nhập 66 triệu đồng trong nửa đầu năm, tương ứng 11 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này cũng tương đương cùng kỳ năm trước.
Các thành viên còn lại trong Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát nhận thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng/6 tháng, tương đương mỗi tháng 2,5 - 5 triệu đồng.
Người nhận thù lao cao nhất là ông Phạm Hoàng Phương, Kế toán trưởng công ty. Ông Phương nhận thu nhập cao nhất với hơn 184 triệu đồng nửa đầu năm nay. Đây cũng là khoản tiền chính khiến cho tổng thu nhập của toàn bộ dàn lãnh đạo công ty tăng mạnh trong nửa đầu năm.
Không chỉ có thu nhập thấp, lãnh đạo cao cấp của công ty cũng là những "chủ nợ" chính của Quốc Cường Gia Lai. Tại thời điểm ngày 30/6, Quốc Cường Gia Lai ghi nhận khoản vay cá nhân khoảng 32 tỷ đồng.
Trong đó có khoản nợ từ bà Nguyễn Thị Như Loan cho công ty mượn 2 tỷ đồng. Con gái bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My cho công ty mượn 700 triệu đồng. Ông Lại Thế Hà và con gái Lại Thị Hoàng Yến cũng cho doanh nghiệp vay số tiền lần lượt gần 24 tỷ đồng và 5 tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu QCG liên tục có giao dịch bất thường. Trong đó, QCG từng tăng trần liên tục và đạt đỉnh 18.800 đồng/cổ phiếu vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, sau đó có những phiên giảm sàn và hiện chỉ còn ở mức 6.180 đồng/cổ phiếu (giảm 67% so với đỉnh). Vốn hóa cũng giảm đến 3.466 tỷ đồng, hiện còn lại 1.700 tỷ đồng.