Thị trường chứng khoán đi qua hơn nửa chặng đường năm 2024 đã để lại nhiều cảm xúc cho nhà đầu tư, khi các yếu tố kinh tế toàn cầu và các sự kiện địa chính trị đã tạo nên những con sóng dữ dội, khiến không ít cổ phiếu ghi nhận mức biến động mạnh cùng khối lượng giao dịch sôi động.
Tuy nhiên, giữa một thị trường chứng khoán biến động không ngừng, vẫn xuất hiện những cổ phiếu “im hơi lặng tiếng”: thị giá luôn duy trì ở mức cao và gần như trắng thanh khoản, chỉ điều chỉnh nhẹ vào những ngày chốt quyền nhận cổ tức. Đằng sau những cổ phiếu tưởng chừng như vô danh này là những doanh nghiệp có rất nhiều điểm chung.
CƠ CẤU CỔ ĐÔNG CÔ ĐẶC
Có thể thấy, hầu hết các cổ phiếu "trắng" thanh khoản đều có điểm chung là thị giá luôn đạt mức cao trên thị trường, cùng với đó là cơ cấu cổ đông cô đặc.
Điển hình như cổ phiếu VCF của Công ty Cổ phần Vinacafé Biên Hòa hiện đang giao dịch quanh mức 267.000 đồng/cổ phiếu, tăng 44,4% so với thời điểm đầu năm 2024. Trong đó, Công ty TNHH MTV Masan Beverage, công ty con của Masan hiện đang nắm tới 98,79% vốn điều lệ của Vinacafé Biên Hòa.
Vào tháng 10/2011, Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) đã chính thức “bước chân” vào thị trường đồ uống và nước giải khát thông qua công ty con là Công ty TNHH MTV Masan Beverage, mua lại 50,3% cổ phần của Vinacafé Biên Hòa.
Đến tháng 2/2018, Masan Beverage tiếp tục gia tăng sở hữu tại Vinacafé Biên Hòa lên 98,79%. Sau đó, nhiều lần Masan Beverage muốn mua thêm số cổ phiếu VCF còn lại để nâng tỷ lệ sở hữu lên 100% nhưng không thành công.
Tương tự, cổ phiếu HLB của Công ty Cổ phần Bia và Nước giải khát Hạ Long đang ghi nhận ở mức 260.000 đồng/cổ phiếu. Mặc dù thuộc top những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn nhưng HLB lại luôn rơi vào tình trạng thanh khoản èo uột với chỉ vài trăm cổ phiếu được giao dịch mỗi phiên, thậm chí nhiều phiên gần như không có giao dịch.
Nguyên nhân đến từ cơ cấu cổ đông của Bia Hạ Long khá cô đặc. Trong đó, gia đình cựu Chủ tịch Doãn Văn Quang sở hữu gần 58% cổ phần, bao gồm vợ ông Quang là bà Phạm Thị Đào nắm giữ 23,24%; hai người con là Doãn Thiện Tân nắm 19,42% và Doãn Trường Giang (Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc) nắm 14,25%; riêng ông Doãn Văn Quang trực tiếp sở hữu 22.000 cổ phiếu, tương ứng 0,71% vốn.
Bên cạnh gia đình cựu Chủ tịch Doãn Văn Quang, Bia Hạ Long còn có một cổ đông tổ chức lớn khác đến từ Nhật Bản là Aseed Holdings Co.,Ltd sở hữu 30,42% vốn. Đây là tổ chức liên quan đến Chủ tịch Shunjiro Suga.
Một cổ phiếu khác cũng có mức giá cao trên thị trường là VEF của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, đang giao dịch quanh mức 240.000 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, thị giá cổ phiếu này đã tăng gấp 2,1 lần. Xét về cơ cấu cổ đông, công ty mẹ Tập đoàn Vingroup – CTCP (mã chứng khoán: VIC) hiện là cổ đông lớn nhất của VEF với tỷ lệ sở hữu 83,32% vốn.
Hay cổ phiếu TTP của Công ty Cổ phần Bao bì Tân Tiến đang dao động trong khoảng 97.500 đồng/cổ phiếu. Giống như các cổ phiếu kể trên, TPP thường xuyên rơi vào tình trạng không có giao dịch bởi cơ cấu cổ đông cô đặc. Trong đó, Dongwon Systems Corporation, công ty mẹ đến từ Hàn Quốc hiện đang nắm giữ 97,83% vốn điều lệ của Bao bì Tân Tiến.
Đồng thời, có thể nhận thấy rằng những cổ phiếu vắng bóng thanh khoản dường như không phải là sự lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư cá nhân. Như phân tích ở trên, những doanh nghiệp này thường có cấu trúc cổ đông tập trung, khi phần lớn cổ phiếu nằm trong tay cổ đông tổ chức, khiến số lượng cổ phiếu lưu hành bị hạn chế.
Thêm vào đó, thị giá của các cổ phiếu này luôn duy trì ở mức cao, càng làm giảm tính hấp dẫn và khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư cá nhân.
SỨC KHOẺ TÀI CHÍNH ỔN ĐỊNH, THƯỜNG XUYÊN CHIA CỔ TỨC KHỦNG
Bên cạnh cơ cấu cổ đông cô đặc, một điểm chung nữa có thể dễ dàng nhận thấy ở các doanh nghiệp có cổ phiếu “vắng” thanh khoản là thuộc lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Các doanh nghiệp này thường xuyên duy trì lợi nhuận ổn định, một số trường hợp tăng trưởng đều tạo tiền đề cho chính sách cổ tức phóng khoáng.
Trong đó, Vinacafé Biên Hoà là một ví dụ tiêu biểu. Đây là một trong những doanh nghiệp có có cổ phiếu thuộc hàng đắt đỏ nhất trên sàn chứng khoán cùng truyền thống chia cổ tức rất cao cho cổ đông. Đặc biệt vào năm 2018, cổ đông của công ty được nhận cổ tức với tỷ lệ cao nhất lên tới 660%, những năm trở lại đây cũng đều đặn với tỷ lệ 240 - 250%.
Mới đây, Vinacafé Biên Hòa đã thông báo ngày 9/9/2024 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 250%. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận được 25.000 đồng.
Với gần 26,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Vinacafé Biên Hòa sẽ chi gần 650 tỷ đồng để trả cổ tức, dự kiến thanh toán vào ngày 20/9/2024.
Trong lần chia cổ tức này, Công ty TNHH MTV Masan Beverage, cổ đông lớn duy nhất nắm giữ gần 26,3 triệu cổ phiếu VCF với tỷ lệ sở hữu 98,79% sẽ nhận về hơn 642 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 6/2024, Bia Hạ Long đã thực hiện chia cổ tức bằng tiền năm 2023 với tỷ lệ 90%. Theo đó, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 9.000 đồng. Với 3,09 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính doanh nghiệp bia địa phương này đã chi khoảng 28 tỷ đồng để trả cổ tức.
Tương tự Vinacafé Biên Hoà, Bia Hạ Long là doanh nghiệp luôn duy trì truyền thống chia cổ tức khủng bằng tiền mặt cho cổ đông trong gần 10 năm qua. Trong giai đoạn năm 2016 - 2018, doanh nghiệp này trả cổ tức lần lượt ở mức 60%, 70% và 200%. Sang đến giai đoạn 2021 - 2022, cổ đông Bia Hạ Long càng “ấm lòng” với mức trả cổ tức lên đến ba con số. Tương ứng, năm 2021, cổ đông nhận cổ tức tiền mặt 100%, còn năm 2022 là 150%.
Cổ đông của Bao bì Tân Tiến cũng nhận được “cơn mưa” cổ tức bằng tiền mặt vào tháng 6 vừa qua khi doanh nghiệp này bất ngờ công bố kế hoạch chia cổ tức khủng với tỷ lệ 350%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 35.000 đồng.
Với việc sở hữu 88,16% vốn điều lệ, phần lớn cổ tức sẽ chảy vào túi công ty mẹ của Bao bì Tân Tiến là Dongwon Systems Corporation có trụ sở tại Hàn Quốc, lên tới gần 463 tỷ đồng.
Có thể thấy, cổ tức cao đều đặn thường là dấu hiệu của một doanh nghiệp có “sức khỏe” tài chính lành mạnh. Chính sách duy trì cổ tức ổn định dựa trên nền tảng kinh doanh bền vững và lợi nhuận ổn định, thậm chí có sự tăng trưởng qua từng năm, là yếu tố thúc đẩy giá trị cổ phiếu trên thị trường. Điều này mang lại cơ hội sinh lời kép cho các nhà đầu tư dài hạn khi nắm giữ những cổ phiếu liên tục chia cổ tức cao.
Song, số lượng nhà đầu tư có thể sở hữu các cổ phiếu này không nhiều, bởi đây đều là các doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông tổ chức chi phối. Chính những cổ đông lớn này không chỉ nắm quyền quyết định chính sách chia cổ tức hàng năm mà còn là nhóm hưởng lợi lớn nhất từ những khoản cổ tức cao mà doanh nghiệp chi trả suốt nhiều năm qua.
Với những nhà đầu tư đã sở hữu được thì việc kiên trì nắm giữ những cổ phiếu nói trên xét trong dài hạn luôn mang lại lợi nhuận không nhỏ, đặc biệt trong những giai đoạn thị trường tăng nóng.