Các doanh nghiệp trong nước, tuy có thể chấp nhận mức giá điện hiện nay, song lại không huy động được nhiều vốn, nên chỉ có thể làm nhà máy vừa và nhỏ. Còn các nhà đầu tư đủ tiềm lực đầu tư lớn, vẫn cân nhắc "trông giỏ bỏ thóc" vì mức giá trên còn chưa đủ hấp dẫn.
Đằng sau động thái tăng giá điện
Báo cáo giám sát giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2016 cho hay, với doanh thu bán điện là 265.510,79 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đ/kWh), hoạt động sản xuất kinh doanh điện vẫn lỗ 593,46 tỷ đồng. Dẫu vậy thì với hàng loạt hoạt động khác liên quan đến điện như bán công suất phản kháng, lãi tiền gửi, phí cho vay lại, cổ tức được chia… EVN vẫn có lãi 3.251,66 tỷ đồng.
Dù xét về tổng thể, EVN vẫn có lợi nhuận 2.658,20 tỷ đồng và con số này chưa tính tới thu nhập từ sản xuất khác như xây lắp điện, sửa chữa thí nghiệm điện, các dịch vụ cho thuê tài sản, vận tải, bốc dỡ, các khoản phạt vi phạm hợp đồng của các Tổng công ty Điện lực thì hiện vẫn đang treo lên khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới hơn 9.600 tỷ đồng.
Theo đại diện của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, do nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án điện lớn nên EVN phải huy động vốn từ trong và ngoài nước. Việc vay vốn trong nước bị khống chế tỷ lệ, vốn có hạn, lãi suất cao, do đó, EVN phải vay vốn nước ngoài. Dù NHNN đã có chính sách điều hành tỷ giá ổn định nhưng trên thực tế, biến động của các đồng ngoại tệ, đặc biệt đồng USD vẫn lớn khiến lỗ tỷ giá của EVN hiện vẫn ở mức cao, tới hơn 9.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, "nếu toàn bộ phần lỗ chênh lệch tỷ giá này đưa ngay vào giá điện sẽ gây áp lực lớn đến giá điện. Cho nên những năm trước, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, EVN hạch toán một phần hoặc giãn việc đưa vào giá thành số chênh lệch tỷ giá này", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nói và cho biết thêm, toàn bộ phần lỗ chênh lệch tỷ giá còn treo sẽ được phân bổ dần, đến năm 2020 là phân bổ hết số lỗ chênh lệch tỷ giá.
Trước đó, tại lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào tháng 3/2015, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cũng thẳng thắn cho hay, từ lần điều chỉnh giá điện ngày 1/8/2013 tính đến 31/1/2015, nếu tính nguyên các chi phí đầu vào thì mức tăng giá điện phải trên 12,8% và cuối cùng Chính phủ đã quyết định tăng ở mức 7,5%.
Vẫn theo EVN, trong các phương án giá điện từ năm 2011 đến nay, Bộ Công thương và EVN chưa lần nào tính chênh lệch tỉ giá vào phương án giá điện, nhưng thực tế, EVN đã phải dùng lợi nhuận để bù đắp khoảng 18.000 tỷ đồng. Thực tế này cũng cho thấy, nếu chỉ sản xuất điện thì với giá điện như hiện nay, nhà đầu tư khó mà chờ mong lợi nhuận như ý.
“Đối với các dự án điện độc lập (IPP) hay dự án điện của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), thời gian hoàn tất đàm phán và tiến hành xây dựng nhà máy thường mất 7-8 năm, dù các bên tham gia rất muốn đẩy nhanh tiến độ.
BOT điện càng làm càng thấy khó
Đối với các dự án điện độc lập (IPP) hay dự án điện của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), thời gian hoàn tất đàm phán và tiến hành xây dựng nhà máy thường mất 7-8 năm, dù các bên tham gia rất muốn đẩy nhanh tiến độ.
Câu chuyện Dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.200 MW được giao cho doanh nghiệp tư nhân (Tập đoàn Tân Tạo) đã khởi động cách đây 10 năm, nhưng hiện vẫn là số 0 là một ví dụ.
Năm 2017 được xem là thắng lợi lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành điện khi tới thời điểm này đã có 3 dự án BOT nhận được Giấy chứng nhận đầu tư nhưng bao giờ dự án phát điện vẫn là ẩn số.
BOT Nghi Sơn 2 từng được kỳ vọng là dự án kiểu mẫu về chọn nhà đầu tư triển khai đối với loại hình BOT trong ngành điện. Tuy nhiên, tính từ khi bộ hồ sơ mời thầu quốc tế được IFC đưa ra vào năm 2008 tới nay, đã 10 năm trôi qua.
Lớn nhất trong số này là Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 tại Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư là 2,79 tỷ USD. Tiếp đó là Dự án Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 tại Khánh Hoà với quy mô 2,58 tỷ USD và cuối cùng là Dự án Nhiệt điện BOT Nam Định 1 với tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhận được Giấy chứng nhận đầu tư chỉ là một điểm nhấn trong dây chuyền triển khai dự án đầu tư đã được các nhà đầu tư điện này theo đuổi trong khoảng 10 năm qua.
Mặt khác, Giấy chứng nhận đầu tư cũng chưa đủ để đảm bảo dự án sẽ được triển khai như kỳ vọng và vào đúng tiến độ, khi trên thực tế, Dự án điện BOT Hải Dương 1 với quy mô cũng trên 2 tỷ USD hiện vẫn bất động kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho nhà đầu tư Jaks Resources từ tháng 6/2011.
Quay trở lại với các dự án BOT vừa được cấp phép, ngoại trừ BOT Nghi Sơn 2 đã ký tiếp được hợp đồng BOT và các hợp đồng khác liên quan như mua bán điện, thuê đất…, còn lại hai dự án kia mới chỉ nhận Giấy chứng nhận đầu tư.
Một chuyên gia về các dự án BOT cho hay, khác với những dự án đầu tư khác có Giấy chứng nhận đầu tư sẽ triển khai được dự án ngay, Dự án BOT điện chỉ triển khai theo các điều kiện trong Hợp đồng BOT. Vì vậy, chỉ khi nào hợp đồng BOT được ký kết, và thường là ký cùng các hợp đồng khác liên quan thì mới coi là kết thúc giai đoạn đàm phán đầu tư. Nhưng ngay cả khi tất cả các hợp đồng liên quan đã được ký, nhà đầu tư vẫn còn phải trải qua bước thu xếp tài chính với thời gian 1 năm. Chỉ sau khi hoàn thành việc thu xếp tài chính, Dự án mới chính thức bước vào giai đoạn xây dựng.
Trước đó, Dự án BOT Nghi Sơn 2 từng được kỳ vọng là dự án kiểu mẫu về chọn nhà đầu tư triển khai đối với loại hình BOT trong ngành điện thông qua phương pháp đấu thầu quốc tế với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), thông qua Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Mục tiêu khi đó được đặt ra là rút ngắn thời gian triển khai dự án BOT điện khi đã có một bộ quy trình chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, tính từ khi bộ hồ sơ mời thầu quốc tế được IFC đưa ra vào năm 2008 tới nay, đã 10 năm trôi qua.
Đến năm 2013, khi được trao quyết định đầu tư, Dự án BOT Nghi Sơn 2 đã có kế hoạch hoàn tất xây dựng tổ máy đầu tiên có công suất 600 MW vào tháng 9/2019; tổ máy thứ hai với công suất 600 MW dự kiến hoàn tất vào tháng 3/2020. Cho đến giờ, tiếc thay dự án vẫn đang ở mức tiến hành thu xếp tài chính và việc xây dựng sẽ cần thêm 4 năm mới đưa được tổ máy đầu tiên vào vận hành.