"Đế chế" mua hàng trực tuyến đến từ Trung Quốc Alibaba mạnh cỡ nào?

Mục tiêu của Alibaba là có 2 tỷ khách hàng vào năm 2036, mà tính theo số liệu hiện tại thì cứ 4 người trên trái đất sẽ có một người mua hàng qua Alibaba.
"Đế chế" mua hàng trực tuyến đến từ Trung Quốc Alibaba mạnh cỡ nào?

"Phủ sóng" khắp Trung Quốc

Jack Ma là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản ước tính gần 30 tỷ USD. Ông cũng là cái tên dẫn đầu trên thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc với đế chế 264 tỷ USD và 450 triệu khách hàng.

Theo Bloomberg, tham vọng lớn nhất của ông chủ của Alibaba là đưa tập đoàn này phủ sóng toàn cầu ra toàn cầu. Mục tiêu doanh thu là vượt GDP của nền kinh tế thứ 5 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2036.

Đồng thời, hãng này đặt mục tiêu có 2 tỷ khách hàng, mà nếu tính theo số liệu hiện tại thì cứ 4 người trên trái đất sẽ có một người mua hàng qua Alibaba.

Tính riêng thị trường Trung Quốc, Alibaba có mặt tại mọi ngóc ngách cuộc sống từ mua sắm, tài chính tới buôn chuyện qua mạng, giải trí, tin tức, y tế...

Alibaba chiếm tới 10% tổng doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc. Đây cũng là công ty đẩy eBay ra khỏi Trung Quốc và thâu tóm hoạt động của Yahoo tại nước này vào năm 2005.

Alibaba.com, cùng với Taobao, AliExpress, 1688.com, TMall.com và Tmall Global là các sàn thương mại điện tử bán đủ thứ hàng hóa giống với mô hình của Amazon tại phương Tây, và thậm chí cũng có chức năng giống của eBay. Trong khi đó, sàn Juhuasuan chuyên bán hàng giảm giá, còn Cainiao là bộ phận vận tải của Alibaba.

Joe Tsai, Phó chủ tịch Alibaba, gọi tập đoàn này là “vườn ươm ý tưởng khổng lồ” với tầm nhìn tương lai như thanh toán nhận diện khuôn mặt, dịch vụ y tế trực tuyến.

Nhằm mục tiêu mở rộng danh sách dịch vụ, Alibaba dành 1 tỉ USD đầu năm 2016 để mua lại Lazada, nền tảng thương mại điện tử chiếm ưu thế ở Đông Nam Á với mảng hậu cần mạnh. Năm 2014, công ty chi khoảng 2 tỉ USD cho UCWeb, một trong các trình duyệt web phổ biến nhất Đại lục. Thương vụ lớn nhất từ trước đến nay của hãng là 5 tỉ USD đổ vào Youku, phiên bản YouTube của Trung Quốc.

Chuyên gia Nicole Peng tại hãng nghiên cứu công nghệ Canalys cho hay các khoản đầu tư của ông trùm thương mại điện tử được thiết kế để nuôi lẫn nhau, cung cấp một vòng sản phẩm, dịch vụ khép kín và tạo ra trải nghiệm liền mạch cho khách hàng. Alibaba bắt đầu “điên cuồng” tìm mua doanh nghiệp trước khi phá kỷ lục chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) 25 tỉ USD vào năm 2014. Khi ấy, hoạt động mua sắm này từng làm nhiều nhà đầu tư tiềm năng bối rối.

Đơn cử, việc mua đội bóng đá Quảng Châu Evergrande bị chị trích nặng nề là mua hàng phù phiếm. Quyết định thâu tóm nhật báo Hồng Kông South China Morning Post của nhà sáng lập Jack Ma cũng kéo theo nhiều cái nhíu mày. Ngoài ra, cổ phiếu Alibaba đã và đang bị ảnh hưởng bởi lo ngại hàng giả, giảm 16% từ khi lên sàn.

Giới phân tích vẫn nhìn ra tính kỷ luật trong việc nuôi dưỡng các mục tiêu đầu tư của Alibaba. Thay vì mua hoàn toàn nhiều doanh nghiệp, hãng này thường đầu tư nhỏ, sau đó cho phép công ty vừa mua phát triển nhiều hơn rồi mới mua thêm cổ phần. Quá trình thâu tóm UCWeb là ví dụ cụ thể. Trước khi “nuốt chửng” UCWeb, Alibaba nắm 66% cổ phần hãng này.

Cách tiếp cận trên giúp Alibaba có thể hợp tác với số lượng lớn doanh nghiệp, song vẫn giảm thiểu rủi ro tổng thể. “Điều này theo tôi có vẻ như là cách quản lý chiến lược M&A (thâu tóm và sáp nhập) hiệu quả về vốn”, chuyên gia RJ Hottovy của hãng Morningstar nói.

Không dừng lại ở đó, bộ phận mua bán, sáp nhập của tập đoàn này hiện liên tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư, trong đó có việc mua cổ phần tại Snap và Lyft.

Trong mảng truyền thông, Alibaba sở hữu kênh video Youku Tudou (mô hình giống Youtube), Alibaba Music, dịch vụ streaming, truyền Tmall TV (OTT), hãng phim Alibaba Pictures Group và kênh thể thao Ali Sports.

Lấn sân sang thanh toán trực tuyến, Alibaba có Ant Financial, khởi nguồn từ Alipay, kết hợp giữa hệ thống thanh toán trực tuyến và ví diện tử. Dịch vụ này gồm quản lý tài sản, ngân hàng cá nhân, điểm tín dụng và dịch vụ tài chính diện toán đám mây.

Jack Ma vẫn đang theo đuổi cùng lúc hai mục tiêu là hạ thấp rào cản thương mại và thúc đẩy sự phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ. Tại Trung Quốc, điều này đồng nghĩa với đầu tư vào mạng lưới các công ty logistics có tên Cainio – do Alibaba sở hữu 47% – nhằm cải tổ năng lực nghèo nàn của hệ thống chuyển phát của Chính phủ.

Alipay cũng đang mở rộng từ xử lý thanh toán cho đến các khoản nợ. Jack Ma còn tạo ra thương hiệu mới cho các sáng kiến như vậy, đặt tên là World e-Trade Platform (eWTP).

Các mảng kinh doanh khác của Alibaba gồm Alibaba Cloud - hãng cung cấp điện toán đám mây công cộng lớn nhất tại Trung Quốc (tương tự của Amazon và Microsoft), sàn quảng cáo và quản lý dữ liệu Alimama.com...

Alibaba chủ trương sử dụng mảng thương mại điện tử để trợ vốn cho mảng kinh doanh mới và xây dựng hệ sinh thái của riêng mình. Và mô hình này đã mang lại kết quả khả quan.

Doanh thu năm tài chính 2016 (tính tới tháng 3/2017) của Alibaba tăng 56% lên 23 tỷ USD, thu nhập ròng là 6 tỷ USD - lớn hơn cả Amazon. Hiện Alibaba có giá trị vốn hóa thị trường đạt 313 tỷ USD.

Tham vọng trên thị trường quốc tế

Với Jack Ma, toàn cầu hóa là một khởi đầu tuyệt vời nhưng tất cả mới chỉ là giai đoạn sơ khai. Vị tỷ phú Trung Quốc cho rằng toàn cầu hóa mới là “một đứa trẻ” và sẽ gặp những vết thương khi trưởng thành. Tuy nhiên, “chúng ta không thể làm hại một đứa trẻ chỉ vì chúng khóc nhiều được”.

Theo Fortune, tính tới tháng 12/2016, Alibaba có gần 450 triệu khách hàng tại hơn 200 quốc gia trên thế giới.

Ngoài Trung Quốc, Alibaba còn bành trướng ra Đông Nam Á với cổ phần kiểm soát tại Lazada - tập đoàn thương mại điện tử tại Indonesia, liên kết với Ant Financial, sở hữu cổ phần tại hãng thanh toán di động PayTM của Ấn Độ.

Alibaba đã khởi động kế hoạch thương mại không biên giới của mình với một thỏa thuận song phương nhằm giảm bớt lượng hàng hóa do các công ty nhỏ vận chuyển giữa Trung Quốc và Malaysia.

Đây là thương vụ hợp tác giữa chính phủ và tư nhân trong khu vực thương mại số tự do của Malaysia, tập trung vào cơ sở hạ tầng, tài chính và thanh toán điện tử.

Hãng này đang đàm phán để biến Nga thành một trong những thị trường quốc tế lớn nhất của trang thương mại điện tử AliExpress.

Nhằm tăng cường độ phủ trên đất Mỹ, Alibaba cũng có kế hoạch tạo 1 triệu việc làm, cho phép nông dân, thợ may và thậm chí cả thợ làm nến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử của mình.

Để củng cố nền tảng công nghệ mang tính sống còn của công ty, hồi tháng 3, ông từng tuyên bố “Chúng tôi sẽ xây dựng một Alibaba sở hữu ‘NASA’”, ám chỉ tới cơ quan vũ trụ của Mỹ nổi tiếng với việc đưa con người lên mặt trăng.

Ông cũng tiết lộ đang ấp ủ một sàn thương mại điện tử giống kiểu Tổ chức Thương mại Thế giới phục vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tên “e-WTO”.

Để thực hiện các mục tiêu phủ sóng toàn cầu, đồng thời đóng vai trò là đại sứ kinh doanh của Trung Quốc, ông chủ Alibaba, năm 2016, Jack Ma đã dành tổng cộng 800 giờ để ghé thăm các Hoàng tử, Tổng thống, Thủ tướng và nhiều nhân vật cấp cao khác. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái tại Hàng Châu, Trung Quốc, ông cũng tiếp đón các nguyên thủ quốc gia nhiều nước như Australia, Canada, Italy...

Trong những chuyến đi của mình, Jack Ma cố gắng thúc đẩy việc hạ thấp các rào cản thương mại, hỗ trợ thương mại điện tử và các chương trình giáo dục.

Đầu năm 2017, Jack Ma là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông này đắc cử, một tháng trước khi ông Trump điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo Nha Trang/Enternews.vn

enternews.vn/de-che-alibaba-manh-co-nao-111274.htm http://enternews.vn/de-che-alibaba-manh-co-nao-111274.html

Có thể bạn quan tâm

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Trào lưu thuê bạn cùng leo núi giúp giới trẻ Trung Quốc “hái ra tiền”

Giới trẻ Trung Quốc hiện đang tận dụng phong trào leo núi để kiếm thêm thu nhập bằng cách trở thành những người bạn đồng hành vừa có kinh nghiệm và ngoại hình. Tuy nhiên, dù mang lại lợi ích tài chính như công việc độc lạ này còn gây ra nhiều tranh cãi về tính an toàn và độ tin cậy…

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Disney rót 12 tỷ USD vào ngành du lịch biển

Trong bối cảnh ngành du lịch biển có nhiều tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, Disney đang đẩy mạnh đầu tư vào mảng kinh doanh du thuyền với mục tiêu mở rộng sang thị trường Đông Nam Á…

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Châu Á được và mất gì từ kế hoạch thuế quan của ông Donald Trump?

Các đề xuất thuế quan của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể gây tổn thất nghiêm trọng đối với nhiều nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào xuất khẩu, nhưng động thái này cũng lại mở ra cơ hội cho khối ASEAN khi chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển khỏi Trung Quốc…