Đề xuất gần 10.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khởi công vào quý IV/2022, cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.
Đề xuất gần 10.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết vừa có tờ trình đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Hậu Giang thuộc dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án thành phần cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang bao gồm tuyến chính và đoạn nối với đường Nam Sông Hậu; đoạn nối Quốc lộ 1. Tuyến chính cao tốc có điểm đầu giao với tuyến nối Quốc lộ 91 – Quốc lộ 1 (đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ), thuộc quận Cái Răng, thành phố Thơ; điểm cuối giao với Quốc lộ 61B, là điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang.

Chiều dài tuyến cao tốc khoảng 37,65km (đoạn đi qua thành phố Cần Thơ dài 0,6 km; đoạn qua Hậu Giang dài 37,05km). Tuyến nối có chiều dài khoảng 9,6km, gồm hai đoạn: đoạn từ đường Nam Sông Hậu đến nút giao IC2 khoảng 2,8km và đoạn từ nút giao IC2 đến Quốc lộ 1 khoảng 6,8km.

Tuyến chính cao tốc có mặt cắt ngang giai đoạn hoàn thiện đạt tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,75m; giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Các công trình cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; tải trọng thiết kế HL-93, bề rộng cầu phù hợp với bề rộng đường theo từng giai đoạn.

Tuyến nối được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với chiều rộng nền đường 12m, phù hợp với định hướng mở rộng theo quy hoạch của địa phương.

Ngoài việc đầu tư xây dựng các trạm thu phí đảm bảo tổ chức thu phí tự động khép kín, Dự án còn xây dựng hệ thống kiểm soát giao thông thông minh - ITS để quản lý vận hành khai thác đảm bảo đồng bộ các hệ thống ITS của các dự án đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, trong giai đoạn phân kỳ, đơn vị lập Báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ kiến nghị đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật; hệ thống thiết bị sẽ được đầu tư, lắp đặt trong dự án riêng, đảm bảo đồng bộ giữa các dự án thành phần.

Theo tờ trình, giá trị tổng mức đầu tư dự án là 9.993,19 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.758,86 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 6.806,46 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi khác là  476,22 tỷ đồng; chi phí dự phòng (không bao gồm giải phóng mặt bằng) là 951,66 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, tổng mức đầu tư trình vừa trình duyệt tăng 225,19 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư của chủ trương đầu tư được duyệt (9.768 tỷ đồng), do bổ sung tuyến nối từ nút giao IC2 đến Quốc lộ 1; cập nhật khối lượng theo hồ sơ thiết kế cơ sở, đơn giá định mức, chi phí giải phóng mặt bằng theo quy định hiện hành.

Nếu được cấp có thẩm quyền thông qua, dự án sẽ khởi công vào quý IV/2022, cơ bản hoàn thành dự án năm 2025 và hoàn thành đưa vào khai thác, vận hành năm 2026.

Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đánh giá, dự án sau khi hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường trục có năng lực thông hành lớn, tính cơ động cao liên kết giữa các trung tâm kinh tế chính trị lớn của toàn vùng như Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.

Cùng với tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh– Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, dự án sẽ giảm chi phí hoạt động giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thông vận tải hành khách và hàng hoá đạt hiệu quả cao cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tạo động lực phát triển mới cho thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, phía Tây của Bạc Liêu, khu vực Gò Quao, Vĩnh Thuận của Kiên Giang.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...