Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP của TPHCM

Dự kiến, đến năm 2030, TP.HCM sẽ thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 9%.
Đến năm 2030, kinh tế số chiếm 40% GRDP của TPHCM

Việc triển khai đề án Đô thị thông minh từ cuối năm 2017, đến nay, Thành phố đã đạt một số kết quả và tạo nên sự khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác với các kết quả như ứng dụng công nghệ thông tin đã giải quyết được những vấn đề liên quan đến dịch vụ công, hỗ trợ người dân tham gia vào hoạt động của chính quyền... Số hoá dữ liệu hỗ trợ chia sẻ dữ liệu đó để tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước. Đồng thời dữ liệu dùng chung cung cấp, hình thành dịch vụ hành chính công trực tuyến và tiến tới công khai cho người dân và doanh nghiệp cùng khai thác sử dụng.

TP. HCM cũng đẩy nhanh các ứng dụng số phục vụ người dân, trong đó nhiều ứng dụng dễ dàng cài đặt lên thiết bị di động. Hiện có 5 ứng dụng được người dân thường xuyên sử dụng: Ứng dụng tránh kẹt xe, được phát triển bởi Sở GTVT, với các mục chính: Bản đồ, Cảnh báo, Camera, Phản ánh... Ứng dụng tránh đường ngập nước UDI Maps được xây dựng và phát triển bởi Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cung cấp cho người dùng các thông tin về những khu vực đang “tụ nước” trong Thành phố.

Điều quan trọng hơn, trên cơ sở dữ liệu người dân thì các sở, ngành sẽ phát triển dữ liệu chuyên sâu và đưa ra những dự báo phục vụ công tác ban hành chính sách sát với thực tế. Ví dụ như ngành y tế đang triển khai hai dự án lớn, trong đó có dự án dữ liệu hồ sơ sức khỏe của người dân, trên cơ sở đó ngành chức năng đưa ra những dự báo liên quan đến sức khỏe sinh sản, các vấn đề giới tính... Bên cạnh đó là hồ sơ khám bệnh điện tử liên thông trong hệ thống các bệnh viện.

Như vậy, thành phố thông minh với kho dữ liệu của từng ngành, từng lĩnh vực sẽ giúp cơ quan quản lý chủ động xử lý các vấn đề của đời sống kinh tế, xã hội thay vì bị động chạy theo xử lý khủng hoảng.

Tính đến cuối năm 2020, TPHCM đã triển khai gần 1.300 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, chiếm hơn 40% tổng số dịch vụ công được cung cấp. Ứng dụng công nghệ 4.0 vào giải quyết thủ tục hành chính, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hẹn hơn 99%.

Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, gồm cả thiết bị di động. Ngoài ra, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường được xử lý trên môi trường mạng.

Có thể bạn quan tâm