Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm 2022 sẽ thảo luận những vấn đề gì?

Theo Ban tổ chức, Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm nay sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến sau hai năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Tin từ Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công thương cho hay, ngày 29/9/2022, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Hiệp hội EuroCham tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm 2022, tại TP. Hồ Chí Minh.

Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ nhận định, năm 2022 là một năm có nhiều thuận lợi cho các hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại, đầu tư với đối tác EU, khi cả Việt Nam và EU đang đẩy mạnh phục hồi hậu đại dịch, tích cực nối lại các hoạt động kinh tế, giao thương, với vai trò hỗ trợ đáng ghi nhận từ Hiệp định EVFTA.

Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm nay sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến sau hai năm thực thi EVFTA
Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm nay sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến sau hai năm thực thi EVFTA

Song, thời điểm này cũng chứng kiến nhiều biến động thị trường, các thách thức nổi lên từ vấn đề an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu đã đặt ra nhu cầu cần thiết cho các bên phải đẩy mạnh hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng đa dạng, bền vững.

Do đó, trong nỗ lực đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp hai bên nắm bắt những thời cơ hợp tác mới và khai thác hiệu quả hơn nữa EVFTA, các đơn vị nói trên phối hợp tổ chức diễn đàn.

Vẫn theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, diễn đàn năm nay sẽ tập trung thảo luận, đánh giá những chuyển biến sau hai năm thực thi EVFTA.

Trong đó sẽ tập trung nhận định những yếu tố thuận lợi và thách thức đặt ra trong thời gian tới, cảnh báo nguy cơ và các vấn đề phát sinh đối với xuất khẩu hàng hóa và các hoạt động giao dịch thương mại, đồng thời khuyến nghị nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời cho doanh nghiệp.

Sự kiện cũng cung cấp một kênh trao đổi thông tin, dự báo kịch bản tăng trưởng, triển vọng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và EU có thế mạnh, điển hình như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, hợp tác phát triển bền vững, phù hợp với xu thế phát triển toàn cầu hiện nay.

Có thể bạn quan tâm