Điều chỉnh giá xăng dầu: Chỉ dầu mazut tăng giá

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày hôm nay (1/3/2023) theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, các mặt hàng xăng, dầu (trừ dầu mazut) đều giảm giá...

Theo đó, sau điều chỉnh giá xăng dầu mỗi lít xăng giảm 120 đồng, còn các mặt hàng dầu (trừ dầu mazut) cũng hạ 370-550 đồng.

Ở kỳ điều chỉnh này liên Bộ tiếp tục không chi từ Quỹ bình ổn với các mặt hàng xăng, dầu. Thay vào đó, mức trích từ Quỹ bình ổn với xăng RON 95-III tăng từ 0 đồng lên 200 đồng một lít; E5 RON 92 tăng lên 250 đồng một lít so với kỳ điều hành ngày 21/2.

Mức trích quỹ với dầu diesel giảm 100 đồng so với kỳ điều hành trước, về còn 500 đồng. Dầu hoả có mức trích lập vào quỹ là 300 đồng một lít, tăng 100 đồng.

Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất giá nhiều mặt hàng giảm
Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất giá nhiều mặt hàng giảm

Riêng mức trích lập với dầu mazut vẫn duy trì 0 đồng mỗi kg như cách đây 10 ngày.

Theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu thế giới 10 ngày qua giảm, trừ dầu mazut tăng. Chẳng hạn, mỗi thùng xăng RON 92 (dùng để pha chế E5 RON 92) giảm gần 2,8%, về 94,182 USD.

Xăng RON 95 hạ về xấp xỉ 98 USD mỗi thùng, tương đương giảm 2,34% so với ngày 21/2. Trong khi đó, giá mỗi thùng dầu diesel mất hơn 3%, còn 99,95 USD.

Trước đó, tại kỳ điều hành ngày 21/2 trước diễn biến giá của thế giới, liên Bộ Công Thương - Bộ Tài chính có sự điều chỉnh giá xăng dầu theo chiều hướng giảm giá nhiều mặt hàng.

Liên quan đến công tác điều hành giá các mặt hàng xăng dầu, hôm qua (28/2/2023) tại Phiên giải trình về tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc tính toán, xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước theo đúng quy định tại Nghị định 83, Nghị định 95 của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ Bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới.

Đồng thời, Bộ đã chủ động kiến nghị các cấp có thẩm quyền điều chỉnh giảm một số loại thuế trong cơ cấu giá xăng dầu nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu, Bộ trưởng - Nguyễn Hồng Diên nói.

Có thể bạn quan tâm