Trong báo cáo tháng 4/2024 do Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) vừa công bố, nhóm chuyên gia đã đưa ra nhận định, nhịp điều chỉnh sâu trong tháng 4 đã khiến định giá thị trường chứng khoán trở về vùng giá hấp dẫn và có thể chinh phục mức 1.425 điểm.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG ĐIỀU TIẾT THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ
Về bối cảnh nền kinh tế, theo số liệu của BSC, tính đến 30/4, giá vàng thế giới có mức tăng 10,8% tính từ đầu năm; giá vàng SJC trong nước tăng mạnh hơn với 11,3%.
Chỉ số DXY tăng 4,82% từ đầu năm do Fed giữ quan điểm chính sách tiền tệ diều hâu. DXY tăng khiến các đồng tiền đều mất giá. Đồng tiền của một số quốc gia châu Á trung bình mất giá 5,33% từ đầu năm, trong khi VND mất giá 4,21%, thấp hơn mức trung bình.
Theo BSC, giá vàng và tỷ giá tăng nóng tạo sức ép đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Dù có tác động đến tâm lý đầu cơ, hoạt động đấu thầu vàng chưa phát huy hiệu quả khi khoảng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa thể thu hẹp. Điều tiết được thị trường vàng, thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ làm giảm rủi ro buôn lậu vàng, đồng thời giảm bớt áp lực đối với tỷ giá. Trong khi đó, thị trường ngoại hối vẫn cần thêm thời gian để ổn định và đánh giá lại đầy đủ tác động chính sách.
Điểm qua về các yếu tố quốc tế cần chú ý, nhóm phân tích từ BSC cho biết, Fed giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25% - 5,5% trong cuộc họp ngày 30/4 - 1/5; sẽ giảm tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán từ tháng 6 năm nay, theo đó, giảm lượng trái phiếu chính phủ đến hạn mà không tái đầu tư hàng tháng từ 60 tỷ USD xuống 20 tỷ USD. Như vậy, mỗi năm Fed sẽ cắt giảm khoảng 300 tỷ USD trái phiếu chính phủ, thấp hơn mức 720 tỷ USD kể từ khi chương trình bắt đầu vào tháng 6/2022.
Tại châu Âu, ECB phát tín hiệu hạ lãi suất từ tháng 6. Thị trường hiện dự đoán ECB sẽ hạ lãi suất ba lần trong năm 2024, với tổng mức giảm là 0,77%. Về Trung Quốc, nước này vẫn giữ chính sách tiền tệ nới lỏng cùng nhiều gói kích thích kinh tế.
3 KỊCH BẢN CHO VN-INDEX NĂM 2024
VN-Index kết thúc tháng vừa qua tại 1.209,52 điểm, giảm gần 75 điểm (-5,81%) so với cuối tháng 3. Trong bối cảnh thanh khoản thấp, khối ngoại liên tiếp bán ròng mạnh, cùng với đó áp lực tỷ giá tạo ra những rủi ro nhất định.
Về mặt định giá, P/E VN-Index kết thúc tháng 4 tại 14,55 lần, giảm 5,48% so với tháng 3, chiết khấu 7,42% so với P/E trung bình 5 năm và biến động quanh vùng -1 độ lệch chuẩn; P/B tháng 4 ở mức 1,73 lần. Nhịp điều chỉnh sâu trong tháng 4 khiến P/E VN-Index trở về vùng giá hấp dẫn.
P/E VN-Index được dự báo vận động quanh 15 - 15,5 lần trong kịch bản VN-Index tiến đến vùng 1.298 điểm.
Thanh khoản trung bình tháng 4/2024 trên cả 3 sàn đạt 24.406 tỷ đồng/phiên, giảm 18% so với trung bình tháng 3/2024. Thanh khoản sụt giảm trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, diễn biến phức tạp của tỷ giá và kết quả kinh doanh quý 1/2024 của nhiều doanh nghiệp lớn không như kỳ vọng trên nền giá cổ phiếu đã tăng cao từ đầu năm.
Trong tháng 4/2024, trên HSX đã ghi nhận 2 phiên có giá trị giao dịch đạt trên 30 nghìn tỷ. Vốn hóa toàn thị trường tháng 4/2024 đạt trung bình 6.55 triệu tỷ đồng, giảm 1,04% so với bình quân tháng 3/2024.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước thu hẹp đà mua ròng mua ròng trong tháng 4. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 5,8 nghìn tỷ trên HOSE trong tháng 4. Hai cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là VHM và MSN giá trị ròng hơn 3.000 tỷ đồng. Nhóm nhà đầu tư tổ chức trong nước tích cực giải ngân hơn 1,8 nghìn tỷ đồng trong tháng 4.
Số liệu gần nhất VSDC công bố cho thấy tại ngày 30/4, thị trường chứng khoán có 7,8 triệu tài khoản, tăng hơn 111.000 tài khoản khoản so với tháng trước. Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 7,74 triệu, chiếm 99,2% tổng số lượng tài khoản và tăng 110.600 đơn vị so với tháng trước.
Dư nợ margin quý 1/2024 tăng 10,78% quý trước, thiết lập mức kỷ lục mới, vượt giai đoạn quý 1/2022. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán cũng tăng mạnh trong quý đầu năm 2024 nhờ lợi nhuận tăng mạnh và hoạt động tăng vốn. Do vậy, tỷ lệ margin trên vốn chủ sở hữu tại cuối quý 1 là 77,58%, thấp hơn 30% so với giai đoạn cuối năm 2021 và quý 1/2022.
Nhìn lại diễn biến các nhóm cổ phiếu, viễn thông, du lịch và giải trí là các ngành có hiệu suất cao nhất tháng 4. Theo BSC, ngành viễn thông nhận mức tăng tích cực nhờ thông tin hỗ trợ của sự kiện hợp tác toàn diện giữa FPT và Nvidia với mức vốn dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI tại Việt Nam.
Bất động sản và ngân hàng là hai nhóm ngành được nhà đầu tư cá nhân mua ròng mạnh nhất trong tháng 4. Với nhà đầu tư nước ngoài, bán lẻ và xây dựng và vật liệu là hai nhóm ngành được giải ngân mạnh nhất
Theo BSC, trong tháng 5 các thông tin hỗ trợ sẽ ít dần do doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, họp Đại hội đồng cổ đông và kế hoạch kinh doanh trong tháng 4. Điều này có thể dẫn đến biến động khó lường cho thị trường chứng khoán.
BSC Research dự báo 3 kịch bản cho VN-Index năm 2024. Kịch bản tiêu cực, VN-Index tiệm cận 1.200 điểm. Kịch bản tích cực, chỉ số hướng đến 1.425 điểm. Kịch bản cơ sở với xác suất cao hơn, VN-Index sẽ đạt vùng 1.298 điểm.