Đoạn trường một thập kỷ của dự án Saigon One Tower vừa bị thu giữ tài sản vì nợ 7.000 tỷ

Mới đây nhất dự án cao ốc Saigon One Tower đã bị VAMC thu giữ tài sản vì nợ 7000 tỷ đồng.
Đoạn trường một thập kỷ của dự án Saigon One Tower vừa bị thu giữ tài sản vì nợ 7.000 tỷ

Từ dự án cao thứ 3 tại TP.HCM

Được khởi công từ năm 2007, Saigon One Tower dự kiến sau khi hoàn thành năm 2009 sẽ là tòa nhà cao thứ 3 tại TP.HCM (trên 195 m). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD (5.000 tỷ đồng) và được thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC, do nhà thầu Bouygues Batiment International thi công. Dự án được xây trên khu “đất vàng” 6.672,2 m2 ngay quận 1.

Công trình cao 41 tầng cao, tổng diện tích sàn xây dựng vào khoảng 127.126 m2 (tính cả hầm khoảng 152.000 m2). Trong đó, 6 tầng khối đế dành cho khu bán lẻ có diện tích 23.000 m2, khu văn phòng hạng A gồm 34 tầng có diện tích 49.000 m2, còn lại là khu căn hộ 133 căn. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 238 triệu USD (tương đương 5.000 tỷ đồng).

Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm thành phố, thế nhưng sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành.

Vào tháng 3/2015, Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Tài nguyên Môi trường và Thanh tra TP.HCM làm việc với chủ đầu tư, yêu cầu cam kết tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng vào cuối năm 2015. Nếu quá thời gian nêu trên mà dự án chưa hoàn thành, Sở Xây dựng TP báo cáo đề xuất trình UBND TP có biện pháp chế tài cụ thể theo đúng quy định pháp luật.

Tháng 11/2015 chủ đầu tư dự án cao ốc Saigon One Tower bị Cục Thuế TP.HCM thông báo phong tỏa hóa đơn vì nợ thuế quá hạn hơn 4,6 tỉ đồng. Từ đó đến nay, UBND TP.HCM cũng tiến hành rất nhiều cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án này.

Khi triển khai xây dựng Saigon One Tower được xem là dự án cao thứ 3 tại TP.HCM. Tuy nhiên qua một thập kỷ, Saigon One Tower vẫn chưa xây dựng xong, bị chính quyền TP.HCM “điểm mặt” là một trong những dự án làm xấu mặt thành phố. 

Trong cuộc họp giữa năm 2017 của UBND TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nêu đích danh Saigon One Tower là một trong những dự án đang làm xấu “bộ mặt” thành phố.

Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM 7/2017, lãnh đạo thành phố cho biết dự án này đã có chủ đầu tư mới và sẽ tái khởi động xây dựng trong tháng 10 tới.

Đến bị thu giữ tài sản vì nợ 7000 tỷ đồng

Thông báo thu giữ tài sản của VAMC đối với dự án Saigon One Tower
Thông báo thu giữ tài sản của VAMC đối với dự án Saigon One Tower

Theo tìm hiểu, khu đất tại số 34 đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP.HCM trước đây do Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn quản lý sử dụng, sau đó góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Công ty liên doanh đã đầu tư xây dựng phần móng công trình của dự án, sau đó đối tác nước ngoài chuyển nhượng lại vốn góp cho Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (nay là Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn-TNHH Một thành viên) để thực hiện dự án theo hình thức 100% vốn đầu tư trong nước.

Trong giá trị chuyển nhượng có phần vốn đầu tư phần móng công trình này. Như vậy, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn là chủ đầu tư dự án tại số 34 Tôn Đức Thắng, quận 1 từ thời điểm tháng 10/2001 nên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn kế thừa thời hạn sử dụng đất dự án đến ngày 14/8/2023.

Từ tháng 11/2001, sau khi Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn nhận chuyển nhượng vốn góp của đối tác nước ngoài trong Công ty Liên doanh Cột cờ Thủ Ngữ, chuyển thành dự án 100% vốn đầu tư trong nước, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương cho phép Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn xúc tiến đàm phán với các đối tác (theo hình thức hợp tác giữa các đơn vị trong nước để lập dự án liên doanh mới) đầu tư khai thác mặt bằng khu đất.

Trên cơ sở chủ trương này, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã tìm kiếm đối tác và thỏa thuận, hợp tác với Công ty Cổ phần M&C và các đối tác khác để thành lập Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4103002224 do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cấp ngày 31/3/2004.

Tiếp theo đó, cổ đông tham gia vào dự án này bao gồm: Công ty Cổ phần M&C (49%), Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn - Saigontourist (30%), Ngân hàng TMCP Đông Á (6%), Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (10%), Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (5%). Thời gian sau đó, các cổ đông sáng lập ban đầu là Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và PNJ lần lượt thoái vốn.

Theo thông tin vừa được Tập đoàn kiến trúc RSP (Singapore) công bố, cho thấy công ty này đang thực hiện dự án hoàn thiện công trình tòa cao ốc có vị trí chiến lược ở giao lộ đường Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư là Công ty CP phát triển Bất động sản Alpha King (Alpha King Real Estate Development JSC).

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết dự án này chính là Saigon One Tower - tòa cao ốc đã ngưng thi công nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong khi dự án chưa được triển khai lại thì mới đây Công ty quản lý tài sản (VAMC) đã ra văn bản về việc thu giữ tài sản bảo đảm là Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ. Hiện nhóm khách hàng (bao gồm cả Sài Gòn One Tower) có tổng dự nợ (gốc và lãi) đến thời điểm hiện tại trên 7.000 tỷ đồng.

Trọng Nghĩa

Có thể bạn quan tâm

Có hiện tượng người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường, có dấu hiệu thổi giá trong đấu giá đất

Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh hoạt động đấu giá đất

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Giải bài toán nhà ở: Cần "di dời" sức cầu ra vùng ven

Với mức giá bất động sản hiện tại, những người có thu nhập rất khó sở hữu một căn nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản chỉ ra rằng, giải pháp không nằm ở nội đô chật chội mà ở các khu vực ven đô đang phát triển…